Hàng giả, hàng lậu ồ ạt về Hà Nội

Hàng giả, hàng lậu ồ ạt về Hà Nội
TP - Ở Hà Nội, cứ ra quân là lực lượng chức năng lại phát hiện được hàng giả, hàng lậu. Các kho của lực lượng quản lý thị trường hiện nay không còn chỗ chứa hàng vi phạm.

> 300 kg lòng lợn và gà ngâm hóa chất tuồn về Hà Nội
> Bắt tàu chở hơn 200 tấn hàng lậu

Rượu giả chứa chất ma túy

Liên tục những ngày qua lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ nhiều hàng lậu, hàng giả. Các đầu nậu hoạt động hết công suất để tập kết, gom hàng chờ những ngày giáp Tết bung ra thị trường. Theo bà Nguyễn Thị Như Mai, Chi cục trưởng Chi Cục quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội, điểm nóng năm nay là rượu giả, trong đó có cả rượu chứa chất ma túy.

Chỉ trong hơn 20 ngày ra quân cao điểm lực lượng chức năng thu giữ hơn 10.000 lít rượu giả. Trong đó cả rượu vang, rượu kém chất lượng được gắn tem, mác rượu ngoại. Số tem rượu ngoại giả thu giữ được phải tính bằng cân.

Đích đến của hàng giả là các chợ dân sinh. Ngay cả hội chợ, cũng bán nhiều hàng giả. Chỉ kiểm tra ngẫu nhiên một hội chợ, Quản lý thị trường đã phát hiện tới hàng trăm mặt hàng giả. “Kho của lực lượng quản lý thị trường hiện không còn chỗ chứa hàng giả, hàng kém chất lượng”, bà Mai nói.

Mặc dù, lực lượng chức năng đã lên kế hoạch triển khai lực lượng từ vòng trong, vòng ngoài, khu vực giáp ranh giữa các tỉnh nhưng hàng lậu, hàng giả vẫn ồ ạt tuồn về Hà Nội.

Hôm qua (9-1), Đội chống buôn lậu, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an Hà Nội phối hợp Công an huyện Gia Lâm, Đội QLTT số 14 kiểm tra, phát hiện hơn 2,5 tấn mỹ phẩm nhập lậu tại nhà của Nguyễn Văn Luận (SN 1982), địa chỉ tại thôn Tế Xuyên, xã Đình Xuyên (huyện Gia Lâm).

Tại thời điểm kiểm tra, Luận không xuất trình được các loại giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số hàng, cũng như không xuất trình được giấy phép kinh doanh mặt hàng này.

Các loại mỹ phẩm phát hiện tại nhà Luận gồm nhiều chủng loại: dầu gội đầu, thuốc ủ tóc, sữa tắm...mang nhãn mác của nhiều nước như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức, Ý và Việt Nam, nhưng thực chất đều có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Luận khai mua số hàng trên tại biên giới phía Bắc. Ước tính tổng trị giá khoảng 300 triệu đồng.Trước đó, lực lượng chức năng Hà Nội phát hiện được 17 vụ vận chuyển hàng lậu, hàng giả tuồn vào địa bàn.

Cơ quan chức năng kiểm tra hàng lậu, hàng kém chất lượng ngày 9-1 tại Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Tú
Cơ quan chức năng kiểm tra hàng lậu, hàng kém chất lượng ngày 9-1 tại Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Tú.

Dùng xe ben vận chuyển hàng lậu 

Ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội QLTT số 14- Chi cục QLTT Hà Nội (đội chuyên về chống hàng giả-PV) cho hay, tình hình vận chuyển, sản xuất hàng lậu, hàng giả những ngày cuối năm diễn biến rất phức tạp.

“Năm nay có nhiều thủ đoạn mới được phát hiện. Lợi dụng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hay việc kích cầu các đối tượng đã trộn hàng lậu, hàng giả, đặc biệt là hàng nhập lậu giá rẻ từ nước ngoài gắn nhãn của nhà sản xuất trong nước thu lợi bất chính”- ông Nghĩa cho biết.

Theo lực lượng chức năng, sau khi chuyển về Hà Nội và tập kết tại những điểm nóng như chợ Đồng Xuân, chợ Giời..., hàng lậu được xé lẻ rồi chuyển đi đóng kiện, sau đó đưa lên xe tải, xe khách liên tỉnh.

Ngày 13-12-2012, lực lượng chức năng bắt giữ một xe ben trọng tải lớn chở hàng lậu.

“Trong thời gian giáp Tết Nguyên đán, các đối tượng buôn bán hàng nhập lậu từ biên giới Trung Quốc về Hà Nội rất manh động, sử dụng hình thức vận chuyển tinh vi. Nếu như trước đây các đối tượng thường dùng xe tải được bịt bạt kín để chở hàng lậu thì giờ có trường hợp dùng cả xe tải trọng lớn, xe chuyên chở đất, đá để vận chuyển hàng lậu. Có xe có thể chở vài chục tấn hàng lậu đi hiên ngang, khi bị phát hiện thì đổ hàng, xả hàng luôn rồi bỏ chạy”- một cán bộ công an kinh tế Hà Nội kể.

Ông Nguyễn Công San, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội cho biết, từ nay đến hết Tết Nguyên đán lực lượng QLTT sẽ phối hợp với lực lượng công an đẩy mạnh ngăn chặn buôn bán hàng lậu tại các cửa hàng kinh doanh lớn, các địa điểm tập kết chứa hàng lậu, kho tàng, bến bãi, trong đó tập trung vào các mặt hàng thiết yếu dịp Tết, các mặt hàng cấm nhập khẩu, hạn chế nhập khẩu, không khuyến khích nhập khẩu.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sàn thương mại điện tử 1688 của Trung Quốc ra bản tiếng Việt và ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam Ảnh: Ngọc Linh
1688 ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam
TP - Chỉ một thời gian ngắn sau khi xuất hiện bản tiếng Việt, sàn thương mại điện tử bán buôn 1688 của Trung Quốc liên tiếp tung ra các chương trình khuyến mại, tiếp thị nhằm vào người tiêu dùng Việt Nam với mức giá khá rẻ so với các sàn thương mại điện tử trong nước.