Hàng chục nghìn tỷ chống ngập ở TPHCM: Nhiều dự án 'mắc cạn'

TPHCM thường xuyên ngập nặng do mưa, triều cường
TPHCM thường xuyên ngập nặng do mưa, triều cường
TP - Dù TPHCM kêu gọi tư nhân tham gia vào nhiều dự án chống ngập lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng, nhưng nhiều dự án chống ngập hiện vẫn bế tắc do doanh nghiệp gặp không ít khó khăn vì vướng mắc về cơ chế, thủ tục hành chính...

Bế tắc

Nhiều năm qua, tình trạng ngập trên nhiều khu vực khiến cuộc sống của người dân TPHCM vô cùng khốn đốn. Đặc biệt vào mùa mưa, triều cường khiến nước ngập lênh láng từ ngoài đường vào nhà. Để giải quyết tình trạng này, TPHCM đã đưa chương trình chống ngập vào là 1 trong 7 chương trình đột phá giai đoạn 2016 - 2020 và kêu gọi các doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư. Một số doanh nghiệp đã trực tiếp đầu tư vào các dự án chống ngập như siêu máy bơm chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh, dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu…

Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 được khởi công ngày 26/6/2016 với tổng kinh phí gần 10.000 tỷ đồng. Dự án nhằm chống ngập cho khu vực rộng 570km2 với 6,5 triệu dân thuộc bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TPHCM. Thời gian thi công dự án kéo dài trong 36 tháng, dự kiến tháng 6/2019 sẽ hoàn thành.

Sau đó, chủ đầu tư hứa sẽ rút ngắn thời gian thi công còn 24 tháng (30/4/2018 hoàn thành) nếu được bàn giao mặt bằng đầy đủ. Tuy nhiên, ngày 27/4/2018, chủ đầu tư bất ngờ thông báo dự án tạm ngưng thi công do là UBND TPHCM chưa ký xác nhận để ngân hàng cấp vốn. Đồng thời, việc thi công không được thuận lợi do vấn đề giải phóng mặt bằng. Từ đó đến nay, dự án này vẫn “bất động” trong khi TPHCM đang vào giữa mùa mưa khiến tình trạng ngập tràn lan gây bức xúc cho người dân.

Hàng chục nghìn tỷ chống ngập ở TPHCM: Nhiều dự án 'mắc cạn' ảnh 1 “Siêu máy bơm” chống ngập 2 mùa mưa nhưng vẫn chưa được phê duyệt giá thuê

Cũng là một trong những dự án được xem là tiêu biểu, điển hình cho việc chống ngập ở TPHCM, siêu máy bơm do tập đoàn công nghiệp Quang Trung nghiên cứu chế tạo thực hiện chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, TPHCM cũng đang gặp bế tắc khi doanh nghiệp hết kinh phí buộc phải dừng bơm từ ngày 31/8. Với dự án này, máy bơm đã chống ngập 2 năm qua và đã ký hợp đồng thuê dịch vụ công vào ngày 19/4/2018. Tuy nhiên, đến nay Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập (Trung tâm Chống ngập) vẫn chưa đưa ra được mức giá thuê. Chủ đầu tư gửi công văn tạm ứng vốn cũng không được giải quyết.

Ông Nguyễn Tăng Cường, Tổng giám đốc tập đoàn Quang Trung, cho hay, tính đến nay, máy bơm đã vận hành chống ngập cho tuyến đường này hơn 30 lần thành công. Người dân và lãnh đạo TPHCM sống xung quanh khu vực cũng đánh giá cao hiệu quả của máy bơm khi không còn cảnh nước ngập lút bánh xe, người dân không phải bì bõm lội nước giữa đường. Đơn vị đã bỏ chi phí nghiên cứu nhiều năm, thi công, vận hành máy bơm 2 mùa mưa, nhưng hiện cạn kiệt tài chính và không còn kinh phí để vận hành máy bơm.

Vướng mắc

Kêu gọi tư nhân đầu tư vào lĩnh vực chống ngập là một trong những cơ chế mới, mở cửa TPHCM nhằm giải quyết bức xúc của người dân. Tuy nhiên, việc thực hiện cơ chế này còn nhiều bất cập khi vướng nhiều thủ tục hành chính, thẩm định giá, nguồn vốn…

Dự án chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, TPHCM bằng siêu máy bơm được xem là dự án mới, lạ, chưa có tiền lệ bởi doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới, lần đầu tiên áp dụng để chống ngập do mưa, mưa kết hợp triều cường cao… Từ khi vận hành thử nghiệm vào tháng 9/2017 đến nay, máy bơm đã giúp người dân lưu vực rộng gần 100ha thoát cảnh bì bõm lội nước mỗi khi trời mưa, triều cường.

Theo hợp đồng ký ngày 19/4/2018, trong vòng 45 ngày, Trung tâm Chống ngập phải đưa ra mức giá thuê dịch vụ, chủ đầu tư phải đảm bảo hết ngập, “không hết ngập không lấy tiền”. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 5 tháng kể từ khi hợp đồng được ký, hai bên vẫn chưa thống nhất được mức giá, doanh nghiệp đề xuất ứng vốn thi công 2 tuyến cống ngang đường, chi phí vận hành, nhiên liệu, nhân công nhưng cũng không được chấp thuận do còn vướng thủ tục.

Cách đây không lâu, chủ đầu tư đề xuất giá thuê nhưng lãnh đạo các ban ngành cho rằng đây là hình thức mới, chưa có tiền lệ, chưa có định mức dùng ngân sách thanh toán nên các sở ngành và đơn vị tư vấn phải xem xét. Sau đó, đơn vị tư vấn là Liên hiệp hội khoa học TPHCM đưa ra bốn mức giá gồm từ gần 16 tỷ đến hơn 26 tỷ đồng/năm cùng với một số chính sách ưu đãi khác như cho tạm ứng 50% kinh phí, ưu đãi lãi vay…

Mới đây, Trung tâm Chống ngập trình UBND TPHCM mức giá thuê máy bơm là gần 10 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, theo đại diện chủ đầu tư, mức giá này không đủ trả lãi ngân hàng. “Số tiền công ty bỏ ra để nghiên cứu, lắp đặt máy bơm lên đến hơn 100 tỷ đồng, toàn bộ phải vay ngân hàng với lãi suất hơn 9%/năm. Với mức giá thuê dịch vụ do Trung tâm Chống ngập đưa ra gần 10 tỷ đồng/năm, tổng 7 năm gần 70 tỷ đồng thì chỉ đủ để chúng tôi trả lãi ngân hàng, còn chi phí nhân công, nhiên liệu, trả lương nhân viên không có. Như vậy, Trung tâm đưa chúng tôi vào thế quá khó. Do cạn kiện về kinh phí, nên buộc tôi phải dừng bơm. Nếu tình trạng này kéo dài thì các doanh nghiệp khác nhìn vào sẽ thấy nản chí, làm sao dám đầu tư chống ngập cho thành phố nữa”, ông Cường nói.

Cùng với siêu máy bơm, dự án chống ngập bằng hồ điều tiết thông minh cũng được thử nghiệm tại khu vực đường Võ Văn Ngân, quận Thủ Ðức do Công ty VMCTech thực hiện được các chuyên gia đánh giá đạt hiệu quả chống ngập. TPHCM có quy hoạch 104 hồ điều tiết trên nhiều quận, huyện nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Trong khi một số dự án đầu tư công với số vốn lên đến hàng trăm tỷ đồng đã hoàn thành ngập vẫn hoàn ngập thì các dự án chống ngập do tư nhân đầu tư có hiệu quả nhưng lại vướng mắc bởi cơ chế, thủ tục… 

MỚI - NÓNG
Dải công viên ven sông Sài Gòn sắp có 'áo mới' đón tết Ất tỵ 2025
Dải công viên ven sông Sài Gòn sắp có 'áo mới' đón tết Ất tỵ 2025
TPO - Công viên chạy dọc từ cầu Ba Son đến cầu Thủ Thiêm với chiều dài hơn 1 km, tổng diện tích 10ha được đề xuất thực hiện để nối dài tổ hợp công viên ven sông Sài Gòn tạo nên sân chơi công cộng có sức chứa lớn, nhiều hoạt động mới lạ, thu hút người dân và du khách đến tham quan, giải trí, tận hưởng dòng sông.