Mọi năm, đây là thời điểm mà người nông dân làng hoa Sa Cát, phường Hoàng Diệu, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình tấp nập ra đồng để chăm đào phục vụ Tết Nguyên Đán.
Nhưng năm nay, họ rơi vào cảnh mất trắng, hàng chục nghìn gốc đào tự dưng chết, không thể cứu chữa.
Ghi nhận của PV tại những vựa đào Tết của làng hoa này là cảnh người trồng đào thẫn thờ, lặng lẽ bỏ đi những gốc đào quý. Họ xót xa khi nhìn đào chết hàng loạt, số lượng ngày một nhiều thêm.
Nhiều gia đình bỏ mặc cho cây khô héo trên cánh đồng, một số hộ nhổ cây vứt bên đường để lấy đất trồng hoa màu khác hi vọng có chút tiền tiêu tết
Anh Vũ Ngọc Tĩnh, trú tổ 9, phường Hoàng Diệu cho hay, vườn nhà anh có khoảng 200 gốc đào thế đang xanh tốt bỗng héo rũ. Sau các đợt mưa dồn dập vừa rồi, các gốc đào lụi đi, lá vàng dần rồi chết khô. Đào cây lên thì mới biết rễ cây chết từ trước.
"Hơn 30 năm trồng và gắn bó với cây đào, chưa bao giờ tôi thấy như năm nay. Có lẽ do mưa quá nhiều khiến cây đào bị úng, dẫn đến chết rễ", anh Tĩnh nói.
Cây đào giá trị héo khô. Ảnh: Hồng Thắm |
Mỗi cây đào thế bị chết, người trồng đào mất khoảng 3 triệu tính cả chi phí đầu tư và tiền mua cành về ghép.
Theo ông Vũ Duy Phiên, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp phường Hoàng Diệu, trên địa bàn phường Hoàng Diệu có khoảng gần 200 hộ trồng đào, tổng diện tích khoảng 16 ha. Năm nay, các hộ trồng hơn 40 nghìn gốc đào, trong đó có khoảng 11.000 - 12.000 gốc đào thế, còn lại là đào thường để cung cấp ra thị trường Tết 2023.
Nhưng đến thời điểm này đã có khoảng 4.000 gốc đào thế, 8.000 gốc đào thường của 148 hộ trồng đào bị chết, người dân phải phá bỏ. Số lượng đào chết vẫn gia tăng mỗi ngày.
Hiện tượng đào chết chưa dừng lại, khiến người dân lo lắng. Ảnh: Hồng Thắm |
Nhưng khổ sở nhất là những hộ nhận chăm đào thuê cho các các cơ quan, doanh nghiệp thuê trưng Tết.
Ông Phiên cho biết, mọi năm, vừa bán vừa cho thuê, vừa chăm đào ký gửi nhiều nhà thu khoảng 600 đến cả tỷ đồng. Năm nay cây chết phải đào gốc bỏ đi, cho người dân về làm củi, không vớt vát được đồng nào. Nhưng lo nhất là khách quen đã đặt tiền trước, khách gửi gốc thuê mình chăm sóc giờ không biết lấy đâu ra tiền mà đền cho họ...".
Dân xót xa chặt đào về làm củi. Ảnh: Hồng Thắm |
Theo những người trồng đào lâu năm ở làng đào Sa Cát, đây là hiện tượng hiếm gặp.
Những gốc đào trị giá hàng triệu, chục triệu đồng nay chỉ còn trơ gốc khiến người dân rơi nước mắt.