Jeong Ye-ji, một nữ nhân viên văn phòng 31 tuổi sống ở quận Gwanak, Seoul, cho biết đã chuyển sang phòng tập gym chỉ dành cho phụ nữ cách đây 2 tháng.
"Tôi trở nên tự tin hơn vì không phải lo lắng về việc bị đàn ông nhìn chằm chằm nữa. Tôi có thể mặc những trang phục bó sát như quần legging, quần biker, áo ba lỗ mà không cảm thấy mất tự tin", cô nói.
Yun Ji Yeong - giáo sư Đại học Quốc gia Changwon, bày tỏ lo ngại về vấn đề này: "Thật buồn khi phụ nữ Hàn Quốc phải tìm đến những không gian riêng và sẵn sàng chi nhiều tiền hơn chỉ để tránh xa đàn ông. Điều đó cho thấy xã hội chúng ta đã thất bại thế nào trong việc cung cấp môi trường an toàn cho phụ nữ".
"Phụ nữ rất lo ngại về việc trở thành mục tiêu của tội phạm. Nạn nhân có thể bị tấn công ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào. Ví dụ, việc quay phim bất hợp pháp bằng camera ẩn không chỉ xảy ra trong nhà vệ sinh công cộng mà còn ở những nơi như thư viện, khách sạn hoặc thậm chí ở nhà riêng”. Kể từ năm 2017, khoảng 5.000 trường hợp quay phim bất hợp pháp có sử dụng camera ẩn đã xảy ra mỗi năm, theo Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc.
Shin Kyung-ah, giáo sư xã hội học tại Đại học Hallym, đồng tình quan điểm trên. "Có một thực tế là phụ nữ dễ gặp phải bạo lực hơn nam giới. Báo cáo cho thấy hơn 80% nạn nhân trong các vụ tội phạm bạo lực là nữ giới. Không gian chỉ dành cho phụ nữ cung cấp thời gian nghỉ ngơi khỏi những lo lắng như vậy", giáo sư Shin nói.
Cả hai chuyên gia đều dự đoán rằng, sự phổ biến của các địa điểm chỉ dành cho phụ nữ sẽ vẫn tồn tại, thậm chí ngày càng phát triển hơn.
Phòng tập thể dục không phải là cơ sở duy nhất cung cấp dịch vụ giới hạn dành riêng cho nữ giới. Trong những năm gần đây, ngày càng nhiều không gian dành riêng cho nữ ở Hàn Quốc, từ quán cà phê học tập, phòng trọ hoặc căn hộ kiểu ký túc xá, nhà khách và văn phòng chung cho đến các địa điểm cắm trại.
Khi những biển “Cấm đàn ông” xuất hiện ngày càng nhiều, làn sóng phản đối cũng gia tăng. Sự việc khiến một bộ phận nam giới Hàn Quốc cảm thấy bất mãn và cho rằng bị phân biệt đối xử.
Năm 1994, một thư viện ở tỉnh Bắc Chungcheong từng gây tranh cãi vì chỉ mở cửa cho phụ nữ theo nguyện vọng của những người đóng góp kinh phí. Năm 2009, Seoul cũng từng phê duyệt chính sách bãi đậu xe dành riêng cho phụ nữ, về sau đã được chuyển thành không gian ưu tiên cho trẻ em, phụ nữ mang thai và người khuyết tật.