Hàn Quốc đã tiếp nhận trở lại lao động Việt Nam

Hàn Quốc đã tiếp nhận trở lại lao động Việt Nam
TP - Sau chuyến công tác tại Hàn Quốc để ký kết Bản ghi nhớ đặc biệt về việc đưa lao động trở lại thị trường này trong năm 2014, PV Tiền Phong có cuộc trao đổi với bà Phạm Thị Hải Chuyền - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH.

> “Cò mồi” tung các “chiêu” lừa đảo
> Lo lắng ký quỹ 100 triệu đồng

Sau một thời gian dài chờ đợi, những lao động này đang có cơ hội sang Hàn Quốc làm việc. Ảnh: Phong Cầm
Sau một thời gian dài chờ đợi, những lao động này đang có cơ hội sang Hàn Quốc làm việc. Ảnh: Phong Cầm.

Bà Chuyền cho biết, việc khai thông được thị trường Hàn Quốc trong năm 2014 là nhiệm vụ rất quan trọng vì hiện nay người lao động đang rất mong đợi.

Bộ trưởng có thể cho biết liệu trong năm 2014 có khai thông được thị trường Hàn Quốc?

Tháng 9/2013, khi Tổng thống và Bộ trưởng Việc làm Hàn Quốc thăm và làm việc tại Việt Nam, phía ta đã đề xuất việc ký kết Bản ghi nhớ đặc biệt về việc đưa lao động Việt Nam trở lại Hàn Quốc làm việc theo Chương trình cấp phép mới dành cho người lao động nước ngoài (Chương trình EPS). Do đó, trong chuyến công tác này, tôi và Bộ trưởng Việc làm Hàn Quốc đã ký Bản ghi nhớ đặc biệt này.

 Người lao động cần phải thận trọng để nắm bắt thông tin chính xác. Dù ký bản ghi nhớ đặc biệt rồi nhưng số lượng bạn tiếp nhận được bao nhiêu chưa rõ. Hơn nữa, với tình hình hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH chưa có chủ trương để địa phương mở dạy tiếng Hàn 

Bà Phạm Thị Hải Chuyền

Như vậy, lao động Việt Nam đã có cơ hội tiếp tục được trở lại Hàn Quốc làm việc?

Đúng vậy. So với năm 2012, trong năm 2013, tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn từ hơn 50% đã giảm xuống 38%. Tỷ lệ lao động bỏ trốn giảm nên phía bạn mới đồng ý ký bản ghi nhớ đặc biệt. Tuy nhiên, bản ghi nhớ này chỉ thực hiện trong một năm.

Sau hơn một năm, bạn sẽ đánh giá lại. Nếu hiệu quả, bạn sẽ ký thỏa thuận bình thường như các năm.

Tại buổi ký kết, phía ta có đề nghị với bạn ưu tiên tiếp nhận 12.000 lao động hiện đã có chứng chỉ tiếng Hàn được xuất cảnh ngay trong năm 2014. Còn với lao động mới của Việt Nam, phía bạn chưa có chủ trương tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc.

Vậy số lượng lao động được Hàn Quốc tiếp nhận là bao nhiêu thưa bà?

Thực ra, nếu được bạn tuyển dụng trở lại, ngay trong năm 2014, cũng chưa chắc 12.000 lao động đã có chứng chỉ tiếng Hàn được xuất ngoại hết. Vì đến thời điểm này, Hàn Quốc vẫn chưa công bố số lượng lao động Việt Nam được tái tuyển dụng.

Để biết “cô ta” thế nào, còn phụ thuộc vào tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn có giảm hay không. Khi tỷ lệ lao động bỏ trốn giảm, lúc đó, Bộ Việc làm Hàn Quốc sẽ công bố số lao động Việt Nam được tuyển chọn.

Vậy là số lượng lao động được tuyển dụng trở lại cũng rất hạn chế?

Họ chỉ nói là sẽ tiếp nhận trở lại những lao động đã có chứng chỉ tiếng Hàn và hồ sơ đã được đưa lên mạng để chủ sử dụng Hàn Quốc lựa chọn. Họ hứa sẽ cố gắng tuyển dụng sớm.

Ngày 19/1 tới, tôi tiếp tục có chương trình sang Hàn Quốc để làm việc về vấn đề này. Tôi sẽ bàn kỹ với Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc để có các giải pháp đột phá. Đáng tiếc là, khi tôi về nước (tối 1/1/2014-PV), lại nhận được thông tin đáng buồn là tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn đã tăng hơn mức 38%.

Tới đây, tôi sẽ báo cáo Chính phủ để triển khai nhiều giải pháp nhằm mục đích giảm tỷ lệ lao động bỏ trốn xuống. Đặc biệt, sẽ đề nghị phái an ninh vào cuộc để cùng sang Hàn Quốc phối hợp với cơ quan chức năng của bạn ngăn chặn lao động bỏ trốn. Nếu tỷ lệ lao động bỏ trốn tăng cao, chắc chắn Hàn Quốc sẽ dừng không tiếp nhận lao động Việt Nam.

Bộ trưởng có lời khuyên gì đối với người lao động trong lúc này?

Người lao động cần thận trọng để nắm bắt thông tin chính xác. Dù ký bản ghi nhớ đặc biệt rồi nhưng số lượng bạn tiếp nhận bao nhiêu chưa rõ. Hơn nữa, với tình hình hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH chưa có chủ trương để địa phương mở dạy tiếng Hàn. Do đó, người lao động mới không nên ồ ạt đi học tiếng Hàn để tránh lãng phí tiền bạc, công sức. Bộ cũng nghiêm cấm các địa phương ồ ạt mở các lớp dạy tiếng Hàn.

Cảm ơn bộ trưởng!

PHONG CẦM

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG