Xung đột Ukraine trở thành cơ hội để Hàn Quốc đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí |
Nhưng dù mục tiêu của Hàn Quốc là lọt vào top 4 nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, nghĩa là sẽ vượt qua Trung Quốc, các nhà phân tích cho rằng không có sự cạnh tranh giữa hai quốc gia Đông Bắc Á, vì thị trường mục tiêu của họ khác nhau căn bản.
Động lực chính đằng sau sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành xuất khẩu vũ khí Hàn Quốc là Ba Lan, nước láng giềng của Ukraine, với lượng mua đạt hơn 10 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm nay. Doanh thu xuất khẩu vũ khí của Hàn Quốc trong cả năm 2021 đạt 7,5 tỷ USD.
“Hàn Quốc có thể nắm bắt cơ hội, vì Ba Lan có nhu cầu khẩn cấp trong mua sắm vũ khí sau khi xung đột nổ ra. Chỉ vài quốc gia có thể sản xuất vũ khí trong thời gian ngắn như vậy, trong khi những nước có năng lực cao ở châu Âu đều đang ưu tiên bảo vệ mình”, ông Kim Mi-jung, một nhà nghiên cứu về công nghiệp quốc phòng tại Viện Kinh tế và thương mại công nghiệp Hàn Quốc, nói.
“Vũ khí Hàn Quốc hoạt động tốt, giá phải chăng, đồng thời có nền tảng để sản xuất nhiều loại, từ pháo tự hành đến máy bay chiến đấu, tất cả khiến Hàn Quốc trở nên hấp dẫn”, ông Kim nói.
Trước khi ký hợp đồng 3,55 tỷ USD với hãng Hanwha Aerospace để mua hàng trăm hệ thống rốc-két K239 Chunmoo, Bộ trưởng Quốc phòng Mariusz Blaszczak khen ngợi bệ phóng Chunmoo, loại tương tự hệ thống HIMARS của Mỹ mà Ba Lan đã đặt hàng trước đó.
Và dù chi tiêu quốc phòng của Ba Lan trong năm 2022 đã lên mức kỷ lục 58 tỷ zloty (12,7 tỷ USD), Warsaw vẫn định chi thêm. Hồi tháng 8, nước này thông báo sẽ chi khoảng 3% GDP cho quốc phòng, tương đương 21 tỷ USD, trong năm 2023.
Chi tiêu quốc phòng tăng vọt phản ánh xu hướng toàn cầu, theo Viện Hòa bình quốc tế Stockholm. Số liệu thống kê cho thấy chi tiêu quân sự toàn cầu năm 2021 lần đầu đạt 2 nghìn tỷ USD. Đây là năm thứ bảy liên tiếp chi tiêu quốc phòng tăng trên toàn cầu.
Ông Kim nói rằng doanh thu từ xuất khẩu vũ khí của Hàn Quốc năm 2022 có thể cao hơn, với triển vọng ký hợp đồng với Malaysia và Ả-rập Xê-út trong những tháng tới.