Cô gái mặc hanbok xuất hiện cùng đại diện các nhóm dân tộc thiểu số trong lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh. (Ảnh: AP) |
Đại sứ quán Trung Quốc tại Seoul vừa lên tiếng bảo vệ quyết định đưa trang phục hanbok vào lễ khai mạc, nói rằng cô gái mặc trang phục này đại diện cho một trong nhiều nhóm dân tộc thiểu số của Trung Quốc.
Sự xuất hiện của trang phục khiến nhiều người Hàn Quốc giận dữ, cho rằng một lần nữa Trung Quốc lại cố nhận một phần văn hoá Hàn Quốc là của mình, sau những tranh cãi liên quan đến món kim chi.
Đại sứ quán Trung Quốc nói rằng cô gái mặc trang phục đó là đại diện của dân tộc joseonjok, một nhóm thiểu số có nguồn gốc từ Triều Tiên. Góp mặt trong lễ khai mạc còn có đại diện hơn 50 nhóm thiểu số khác của Trung Quốc.
“Đó là mong muốn và quyền của họ khi đại diện cho các nhóm dân tộc thiểu số ở Trung Quốc để tham dự một cuộc thi đấu thể thao quốc tế và một sự kiện lớn của quốc gia ở Olympic Mùa đông Bắc Kinh, được mặc trang phục truyền thống của họ”, Yonhap dẫn lời phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc.
Phát ngôn viên nói rằng Trung Quốc “tôn trọng” truyền thống văn hoá và lịch sử của Hàn Quốc, đồng thời kêu gọi người Hàn Quốc “tôn trọng cảm xúc” của các dân tộc thiểu số Trung Quốc.
Trung Quốc có khoảng 2 triệu người gốc Triều Tiên, một nửa trong số đó sống gần biên giới Triều Tiên. Họ được coi là một nhóm thiểu số, với ngôn ngữ và văn hoá được công nhận chính thức.
Giải thích của Đại sứ quán Trung Quốc không thể xoa dịu cơn giận ở Hàn Quốc, nơi các chính trị gia nói rằng sự việc này càng làm tăng tư tưởng chống Trung Quốc.
Ông Lee Jae-myung, ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ cầm quyền, viết trên Facebook: “Đừng thèm muốn văn hoá (của chúng tôi). Phản đối chiếm hữu văn hoá”.
Ông Lee So-young, nghị sĩ của đảng Dân chủ, nói: “Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc giới thiệu văn hoá Hàn Quốc như thể của mình. Nếu tư tưởng chống Trung Quốc trong dư luận Hàn Quốc trở nên mạnh hơn khi để mặc điều này, đây sẽ là trở ngại lớn khi xúc tiến ngoại giao với Trung Quốc trong tương lai”.
Quan hệ giữa Hàn Quốc và Trung Quốc xấu đi từ năm 2017, sau khi Hàn Quốc đồng ý để Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).
Ông Christopher Del Corso, đại biện lâm thời Đại sứ quán Mỹ tại Seoul, bày tỏ ủng hộ Hàn Quốc trong tranh cãi lần này.
“Điều gì xuất hiện trong tâm trí bạn khi nghĩ về Hàn Quốc? Kimchi, K-pop, K-drama…và tất nhiên cả hanbok”, ông viết trên Twitter ngày 8/2, kèm hashtag về hanbok và bức ảnh của ông mặc trang phục này.
Năm 2020, cư dân mạng Hàn Quốc và Trung Quốc “đại chiến” vì kimchi, món ăn được coi là một phần không thể thiếu của ẩm thực Hàn Quốc. Mâu thuẫn nổ ra sau khi món rau cải muối chua mang tên pao cai của Trung Quốc được Tổ chức Tiêu chuẩn hoá quốc tế (ISO) công nhận. Thời báo Hoàn cầu khi đó viết rằng sự công nhận này cho thấy “tiêu chuẩn quốc tế cho ngành công nghiệp kimchi mà Trung Quốc đi đầu”.
Olympic mùa Đông Bắc Kinh đang là một trải nghiệm khó chịu với người Hàn Quốc, khi dư luận nước này bực bội vì 2 vận động viên trượt băng Hwang Dae-heon và Lee June-seo của họ bị loại trong vòng bán kết nội dung 1.000m nam vì vi phạm quy định.
Điều này có nghĩa là 2 vận động viên Trung Quốc có thể tiến vào vòng chung kết, giúp nước chủ nhà giành được huy chương vàng và bạc.
Ông Park Joo-min, một nghị sĩ của đảng cầm quyền Hàn Quốc, nói rằng ban tổ chức Olympic nên “tự xấu hổ” vì biến Thế vận hội thành “giải địa phương của Trung Quốc”, trong khi đồng nghiệp của ông là Kim Yong-min cho rằng “những quyết định thiên vị đã huỷ hoại tinh thần của Olympic cũng như của các vận động viên”, Korea Times đưa tin.