Phim Hàn Quốc dừng phát sóng vì có yếu tố Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
Áp phích phim Phù thủy Triều Tiên
Áp phích phim Phù thủy Triều Tiên
TP - Bộ phim truyền hình cổ trang Hàn Quốc 32 tập “Phù thủy Triều Tiên” (Joseon Exorcist 2021) vừa mới phát sóng được hai tập tối 22/3 trên đài SBS nhưng vì “xuyên tạc lịch sử” nên đã bị khán giả Hàn Quốc tẩy chay, buộc phải dừng phát sóng.

Nhà sản xuất và đài truyền hình vội xin lỗi. Điều bị coi là “xuyên tạc lịch sử” là bánh trung thu, trứng bách thảo, rượu và trang phục của Trung Quốc cùng nhiều đạo cụ như đèn lồng, nội thất kiểu Hán xuất hiện trong phim.

Phim “Phù thủy Triều Tiên” (hay Pháp sư trừ tà Triều Tiên) xoay quanh câu chuyện giữa vua Taejong của Triều Tiên và hai người con trai của ông là thái tử Chung Nyeong và Yang Nyeong, kết hợp các yếu tố trừ tà đã bùng nổ trong những năm gần đây. Phim được hứa hẹn rất thành công, nhất là được các khán giả trẻ yêu thích.

Tuy nhiên, ngay trong tập đầu tiên của phim, khi vua Triều Tiên tiếp đãi các vị khách phương Tây, bánh trung thu, bánh bao và các món ăn Trung Quốc khác xuất hiện trên bàn. Sau đó, một trong những nhân vật nữ xuất hiện trong bộ trang phục bị cư dân mạng Hàn Quốc cho rằng đó là trang phục của Trung Quốc và một số cư dân mạng chỉ ra rằng nó rất giống với tạo hình của sao Dương Mịch trong bộ phim truyền hình cổ trang Trung Quốc “Tam sinh tam thế thập lý đào hoa”. Kiếm được sử dụng trong phim cũng bị chỉ ra là “rất giống kiếm Trung Quốc”.

Đông đảo cư dân mạng Hàn Quốc không hài lòng “Tại sao đồ Trung Quốc lại xuất hiện trong phim cổ trang của chúng ta?”. Một số cư dân mạng còn lớn tiếng chỉ trích cho rằng đài truyền hình quay đề tài này đang xuyên tạc lịch sử, là “những kẻ bán nước!”. Một số cư dân mạng kêu gọi ê-kíp sản xuất bộ phim này hãy rút khỏi lĩnh vực truyền hình, một số cư dân mạng thậm chí còn yêu cầu hủy bỏ giấy phép hoạt động kênh truyền hình cáp của đài truyền hình SBS.

Được giới truyền thông thúc đẩy, ngày hôm sau (23/3), cư dân mạng Hàn Quốc đã truy cập vào trang web thỉnh nguyện của Nhà Xanh (Phủ Tổng thống Hàn Quốc) để kiến nghị, mong bộ phim truyền hình này bị cấm phát sóng. Sau 2 ngày đã có hơn 200.000 cư dân mạng Hàn Quốc đã kí tên vào bản kiến nghị.

Ngày 24/3, hơn 10 công ty bao gồm Samsung, LG và CJ Group đã tuyên bố rút vốn. Cùng ngày, thương hiệu hàng phong cách sống Hàn Quốc Downy khi được phỏng vấn không chỉ phủ nhận rằng họ đã tham gia đầu tư và nói thẳng, “cũng không có kế hoạch đầu tư trong tương lai”. Ngày 26/3, đài truyền hình SBS đã đưa ra tuyên bố chính thức cho biết họ quyết định hủy bỏ thỏa thuận bản quyền và ngừng phát sóng bộ phim “Phù thủy Triều Tiên”. Có thông tin đài SBS đã trả trước gần hết phí bản quyền và đoàn làm phim đã hoàn thành 80% công việc sản xuất toàn bộ phim.

Điều đáng chú ý là, chỉ riêng về trang phục, trên thực tế, những năm gần đây, dù cư dân mạng xứ Hàn đã đả phá mạnh trang phục Trung Quốc thì phong cách trang phục của các bộ phim truyền hình Hàn Quốc lại ngày càng mang đậm chất Trung Quốc. Phía Hàn Quốc cũng đã nhiều lần mua bản quyền phim truyền hình Trung Quốc. Park Ji-yu, tác giả kịch bản của phim “Phù thủy Triều Tiên” đang vướng vào sóng gió lần này, cũng chính là tác giả kịch bản của bộ phim truyền hình Hàn Quốc “Hoàng hậu Jeolin” đình đám vào cuối năm ngoái được chuyển thể từ kịch bản Trung Quốc “Thái tử phi thăng chức ký”, đã nhiều lần phá kỉ lục về tiền bán vé ở Hàn Quốc. Cũng trong khoảng thời gian đó, cư dân mạng Hàn Quốc dần phát hiện “yếu tố Trung Quốc” chỉ qua một đêm xuất hiện như nấm trong các bộ phim truyền hình Hàn Quốc.

Quảng cáo của các trang web thương mại điện tử Trung Quốc xuất hiện trong “Nữ thần giáng lâm” hay trong phim “Luật sư Vin Cen-zo” có Song Joong-ki đóng vai chính phát đồng thời trên Netflix; các video quảng cáo ngắn của Trung Quốc có thể được nhìn thấy ở khắp các chương trình tạp kỹ của Hàn Quốc.

Trước đó, hãng thông tấn Yonhap đã noi về hiện tượng quảng cáo trong phim truyền hình với tựa đề “Quảng cáo của Trung Quốc trong phim truyền hình Hàn Quốc: Bất khả kháng và gây khó chịu”. Bài báo chỉ ra rằng, quảng cáo xen giữa chừng khiến nhiều khán giả khó chịu, nhưng đó là điều “không thể tránh khỏi” đối với các nhà sản xuất để thu hồi được vốn bỏ ra làm phim.

Một số người trong giới truyền hình cho rằng, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thị trường phim truyền hình Hàn Quốc dần bị thu hẹp và thị trường nội địa cũng trở nên khó khăn hơn, ngoài ra, việc quay phim truyền hình là một quá trình đầu tư liên tục. Để có được chi phí sản xuất, quảng cáo đã trở thành một “sự lựa chọn tất yếu”.

Phim Hàn Quốc dừng phát sóng vì có yếu tố Trung Quốc ảnh 1

Tạo hình nhân vật nữ trong phim Phù thủy Triều Tiên

Hôm 26/3, hãng thông tấn Yonhap một lần nữa đưa ra một bài nói về điều này, chỉ ra rằng nguồn vốn Trung Quốc đã tràn vào làng giải trí Hàn Quốc, nhu cầu của khán giả đối với phim truyền hình ngày càng tăng, các nhà sản xuất Hàn Quốc không thể đáp ứng được nhu cầu này do không đủ kinh phí. Vì vậy, khó có thể từ chối sự tài trợ của các doanh nghiệp Trung Quốc và thúc đẩy dòng vốn Trung Quốc đổ vào lĩnh vực điện ảnh và truyền hình Hàn Quốc, việc đưa sản phẩm của các thương hiệu Trung Quốc vào phim truyền hình Hàn Quốc để quảng cáo cũng tăng lên.

Truyền thông Hàn Quốc chỉ ra rằng việc dừng phát sóng phim “Phù thủy Triều Tiên” chỉ với lý do sử dụng đạo cụ và trang phục kiểu Trung Quốc có vẻ quá mức. Chính việc Trung Quốc thiết lập tiêu chuẩn Kim Chi trước đó và một loạt các sự kiện sau đó đã khiến người dân Hàn Quốc trở nên nhạy cảm hơn với yếu tố Trung Quốc.

MỚI - NÓNG
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
TPO - Đơn vị vận hành tuyến metro số 1 dự kiến từ ngày 1/1/2025 đến ngày 9/1/2025 sẽ hoàn thành tính năng đọc thẻ căn cước, căn cước công dân (CCCD) gắn chíp. Người dân có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chip quét thẻ tại thiết bị đầu đọc ở các cổng soát vé để đi tàu điện metro số 1 trong giai đoạn miễn phí.