Hạn, mặn gay gắt, lộ việc đầu tư thủy lợi bất cập

Hạn, mặn gay gắt, lộ việc đầu tư thủy lợi bất cập
TP - Hạn và mặn gay gắt đang bộc lộ việc đầu tư hệ thống thủy lợi vùng ĐBSCL có nhiều bất cập, lãng phí.

Chuyên viên Chi cục Thủy lợi tỉnh An Giang, bà Phạm Lê Hồng Ngọc cho biết, nước mặn đã vào tới huyện Tri Tôn và Thoại Sơn của tỉnh này với độ mặn 1,6 g/lít. Ở thành phố Cần Thơ, theo Chánh văn phòng Công tác biến đổi khí hậu Kỷ Quang Vinh, nước mặn đã xâm nhập huyện Vĩnh Thạnh. Như thế, nước mặn từ biển Tây đã vượt qua tỉnh Kiên Giang để vào đến An Giang và Cần Thơ. Ở đây, những con kênh đào với mục đích thoát lũ nhanh ra biển Tây, khi ĐBSCL không có lũ mà phải chịu hạn nặng lại trở thành cửa ngõ dẫn nước mặn gây hại.

Hệ thống trạm bơm điện cũng đang bộc lộ nhiều bất cập. Quy hoạch ĐBSCL có hơn 2.900 trạm bơm điện và tỉnh An Giang được đầu tư nhiều nhất, đến nay đã có 1.400 trạm, theo lý thuyết để phục vụ 65% diện tích đất nông nghiệp của tỉnh. Thế nhưng, GĐ Sở NN&PTNT Trần Anh Thư cho biết, chỉ hơn 50% trạm bơm hoạt động hiệu quả, có những trạm bơm hiện không còn khả năng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Cũng theo ông Thư, trong các trạm bơm điện, có 944 trạm địa phương liên kết với ngành điện xây dựng, tổng vốn 170 tỷ đồng, đến nay mới trả được 70 tỷ, còn lại hoạt động không hiệu quả và tỉnh đang “đề nghị Bộ NN&PTNT khoanh nợ 100 tỷ đồng không tính lãi”. Bên cạnh việc tìm giải pháp nâng cao hiệu quả của các trạm bơm điện, tỉnh An Giang cũng có kế hoạch tháo dỡ những trạm bơm không còn khả năng phục vụ sản xuất. Trước mắt, An Giang cần 180 tỷ đồng để nạo vét kênh, đắp đập tạm và làm hồ chứa nước đối phó với hạn mặn gay gắt.

Theo quy hoạch, ĐBSCL được chia thành 5 vùng, 22 tiểu vùng và 120 khu vực thủy lợi để xây dựng các công trình ngăn mặn, giữ ngọt, chống lũ. Nguyên tắc là phải khép kín thì mới đạt yêu cầu và đầu tư xây dựng các công trình mới có hiệu quả, thế nhưng thực tế có rất ít vùng được khép kín như quy hoạch. Điển hình là dự án ngọt hóa bắc Bến Tre, đầu tư đã gần 20 năm, đến nay vẫn chưa hoàn thành.

Giám đốc Cty TNHH MTV chuyên khai thác công trình thủy lợi Bến Tre, ông Trần Văn Thi cho biết, dự án có các hạng mục lớn: ngăn sông Ba Lai, nạo vét thượng nguồn sông, xây dựng đê và cống ven sông Tiền cùng hai âu thuyền, hệ thống kênh nội đồng để tạo “hồ nước ngọt” phục vụ 5 huyện và thành phố. Đến nay, mới thực hiện được 2 hạng mục: ngăn sông Ba Lai và nạo vét thượng nguồn con sông, với số vốn khoảng 1/5 tổng vốn của dự án lúc khởi động. Các hạng mục khác chưa thực hiện vì không có vốn, nay nước mặn theo mấy cửa sông Tiền vào sâu và qua sông nhánh đổ ào ạt vào “hồ nước ngọt”. Nhiều cánh đồng được ngọt hóa những năm qua, nay mặn trở lại khiến cây cối úa vàng. Những công trình hàng trăm tỷ đồng đã xây dựng của dự án trở thành lãng phí lớn.

MỚI - NÓNG
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
TPO - Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc giới thiệu, lựa chọn, đề xuất các gương thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên các lĩnh vực xét trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Thời gian đề cử, giới thiệu từ ngày 10/11 – 31/12/2024.
Người Hà Nội chen chúc đi mua vàng
Người Hà Nội chen chúc đi mua vàng
TPO - Sáng 8/11, giá vàng trong nước đảo chiều tăng từ 1-1,8 triệu đồng/lượng. Trái ngược với hôm qua khi người dân ồ ạt bán ra, hôm nay nhiều người lại xếp hàng để mua, một số tiệm vàng phải treo biển thông báo hết hàng hoặc tạm ngừng bán.