CHUYỂN BIẾN
Công văn khuyến nghị không đốt vàng mã ở cơ sở thờ tự của Phật giáo tác động tích cực tới nhận thức, hành động của nhiều người dân. Dù không phải cơ sở thờ tự của Phật giáo, nhưng Phủ Tây Hồ (Hà Nội) lâu nay cũng thực hiện theo tinh thần ấy. Ông Trương Tín Hồi, Quyền Trưởng BQL Di tích Phủ Tây Hồ khẳng định việc đốt vàng mã thay đổi rõ rệt. Cụ thể trước đây mỗi dịp giáp Tết và sau đó, mỗi ngày BQL phải thuê chở đi tới hai chục bao tải tro, nay giảm đi đáng kể. Ngày cao điểm nhất khoảng 15 bao tải, sau đó chỉ còn chưa tới chục bao tro. Những người trông coi Phủ vận động người dân không dâng mã lớn, dù đây được xem là di tích thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh lớn bậc nhất.
Về đền Bà chúa kho (Bắc Ninh) dịp đầu năm, chúng tôi ghi nhận sự thay đổi đáng kể. Các lò hóa sớ tại đền bớt rực lửa, hiếm cảnh đốt hàng núi vàng mã như trước. Nhiều người bán hàng khu vực đền Bà chúa kho phàn nàn sức mua giảm hẳn. Chưa cần ứng dụng đề án nghiên cứu về đốt vàng mã ở đền Bà chúa kho do Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia xây dựng, chính quyền địa phương và BQL đền nghĩ ra giải pháp hữu hiệu hơn: Họ nhờ các cụ cao niên đứng cạnh lò hóa sớ vận động người dân giảm lượng hóa mã, tăng số mã nhập kho để phát lộc cho du khách. Người đi lễ được vận động hạn chế dâng vàng mã, vì lẽ đó khu vực nhập kho cũng không còn quá tải.
Chùa Quán sứ- trụ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam- cũng là một trong những nơi lò hóa sớ khá nguội lạnh. Người dân lễ chùa ngoài hương hoa, trái cây và lễ vật gọn nhẹ rất ít mang theo vàng mã, chủ yếu hóa thẻ hương dâng lễ. Dễ nhận thấy ở những ngôi chùa lớn như Trấn Quốc (Hà Nội), Phật Tích (Bắc Ninh) cũng không khuyến khích đốt vàng mã. Chị Nguyễn Minh Ngọc (Quang Trung, Hà Đông) cho biết, sư trụ trì chùa Ngòi (Hà Đông) từ lâu quyết liệt chuyện dừng đốt vàng mã. “Thầy giảng giải rằng đốt vàng mã là hành động mê tín dị đoan, các phật tử lễ chùa chấp hành nghiêm chỉnh”, chị Ngọc nói.
NÓI DỄ LÀM KHÓ
Hình ảnh ấn tượng nhất ngày đầu tháng Hai âm lịch tại chùa Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) chính là cảnh lò hóa sớ hoạt động hết công suất. Loa tuyên truyền của ngôi chùa phát không ngừng nghỉ, “khuyến cáo du khách và người đi lễ chùa thực hiện những quy định vào chùa. Trong số này có câu khuyến cáo người dân không mang vàng mã vào chùa đốt”. Tuy nhiên phần lớn người dân đi lễ-chủ yếu là giới trẻ bởi suy nghĩ “Cầu duyên thì đến chùa Hà”, vẫn hồn nhiên dâng vàng mã, hạ lễ xong tiện tay hóa ngay tại sân chùa. Lò hóa sớ không lúc nào ngớt người lui tới. Không gian sân chùa đặc quánh khói hương, bụi tro vàng mã bay ra từ lò hóa sớ khiến những người nán lại lâu khó thở. Một góc lò hóa sớ tro đầy tràn ra góc sân, nhiều người thấy thế bèn ném bao hương và những thẻ hương cháy dở ở góc sân.
Đem thắc mắc hỏi một cụ chấp tác tại chùa, cụ này đáp: “Tuyên truyền thế rồi nhưng người ta vẫn cứ đốt thì làm sao được”. Chị Vũ Thu Giang (Thanh Xuân) năng lui tới chùa Hà từ thời sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội, nay dù ở xa thì ngày Rằm mồng Một hàng tháng đều về lễ chùa. Hỏi chị có biết tới chủ trương hạn chế đốt vàng mã không, chị lắc đầu. “Đốt vàng mã là tục lâu đời rồi, tôi nghĩ khó bỏ được. Nhiều năm nay khi lễ chùa bao giờ tôi cũng mua chút vàng mã gọi là lòng thành dâng Phật”, chị Giang nói.
Suy nghĩ dùng vàng mã để biểu hiện cho lòng thành kính, là công cụ chuyển những lời cầu xin trần thế tới các bậc thánh thần dù không đúng giáo lí nhà Phật, nhưng ăn sâu vào tiềm thức người dân hàng nghìn năm. Về cụm di tích đình-đền-chùa Bia Bà (Hà Đông), dòng người tấp nập không bỏ thói quen dâng vàng mã và hóa ngay tại chùa. Trong biển nội quy đỏ rực dựng trước cửa do UBND phường La Khê, Ban Quản lý di tích La Khê soạn thảo nhắc người dân “không dâng mã lớn và nhiều mã”, tuy nhiên chưa thấy cập nhật chủ trương “không đốt vàng mã” của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Khuyến cáo, nhắc nhở là vậy nhưng hiếm nơi nào nghiêm khắc cắt cử người nhắc nhở hay thi hành phương pháp mạnh hơn. Về Yên Tử (Quảng Ninh) đầu xuân, dừng chân tại đền Trình hành lễ trước khi lên cõi thiêng người dân vẫn vô tư đốt vàng mã, thậm chí ở đây còn có hẳn người giúp khách thập phương hóa vàng mã. Khách vào tổ đình Phúc Khánh (Đống Đa, Hà Nội) không thấy cảnh lò hóa sớ rực lửa bởi nhà chùa bố trí hẳn khu vực nhận hương vòng, vàng mã của người dân. Bà Thủy, một trong số các vãi chấp tác ở chùa vừa cầm số tiền vàng của người đi lễ vừa trả lời: “Không phải là không được đốt, mà để đốt sau”. Số vàng mã này được chất vào các bao tải, được hóa vào cuối ngày.
Không thể chỉ khuyến nghị
PGS.TS Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo đánh giá công văn của Giáo hội Phật giáo thể hiện quyết tâm cao và sự cố gắng. “Tuy nhiên nếu chỉ có công văn không thôi thì hiệu quả không cao”, PGS. Tuấn nói. Ông cho rằng cần thêm giải pháp tiếp theo, chính là sự phối hợp với Bộ VHTTDL, Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Tôn giáo các tỉnh thành, Ban Trị sự phật giáo địa phương và sự đồng thuận của Giáo hội Phật giáo Việt Nam để soạn thảo quy định cụ thể hơn về việc không đốt vàng mã tại cơ sở thờ tự của Phật giáo. “Tôi cho rằng vai trò của các sư trụ trì rất quan trọng. Chẳng hạn ở chùa nào đặt hòm công đức đúng quy định đều do sư trụ trì nhận thức và quyết định điều đó”, PGS.TS Chu Văn Tuấn nói.
Đại đức Thích Tâm Kiên, trụ trì Chùa Một Cột khẳng định xưa nay người dân rất ít đốt vàng mã ở đây. Bày tỏ sự đồng tình với chủ trương của Giáo hội, thầy Thích Tâm Kiên cho rằng các sư trụ trì cần giáo hóa phật tử, giảm và dần bỏ việc đốt vàng mã ở chùa. “Tuy nhiên công văn chỉ có phạm vi trong cơ sở thờ tự của Phật giáo, khó tác động tới những người theo tín ngưỡng thờ Mẫu tứ phủ”, đại đức Thích Tâm Kiên nói. Cho rằng việc đốt mã gắn với tín ngưỡng dân gian thờ Mẫu, tuy nhiên Đại đức Thích Tâm Kiên không đồng tình với việc đốt mã thái quá. “Nếu cứ quan niệm đốt ngựa giấy sẽ thành ngựa thật ở cõi khác, không biết một năm ông Hoàng Bảy phải mua bao nhiêu trang trại để nuôi ngựa”, thầy Kiên nói về thực trạng dâng và đốt mã ở đền Bảo Hà (Lào Cai).