>Trà đá ghi đề: trẻ chơi, già ham
Bước vào trường đại học với đủ thành phần sinh viên từ khắp nơi, Thành bắt đầu tập tành học đòi theo các bạn xấu, tụ tập trốn học. Chẳng biết từ lúc nào, Thành bị rủ rê, lôi kéo vào trò ghi số. Ban đầu, Thành cũng ham hố “chơi cho vui”, thử ghi vài con đề, mỗi con vài nghìn. Lần đầu đánh thắng, Thành hào phóng lấy tiền được đi khao bạn bè. Càng chơi càng ham, dần dà, Thành đầu tư “đánh lớn” nhưng lần đó, vận may không mỉm cười với Thành nữa. Thành thua đau nên càng sinh chí “phục thù” với tuyên bố: “Tao phải gỡ lại gấp 10 lần từ lũ chủ đề. Rồi chúng mày xem!”.
Theo lời mách nước của những tín đồ sân chơi “kỹ thuật số”, Thành bắt đầu tập tành chơi lô. Bọn nó nói: “Mày đừng chỉ chơi đề, phải chơi cả lô nữa, dùng lô nuôi đề thì mới không lỗ vốn. Đấy mới là cách hay nhất để gỡ gạc lại số tiền đã thua. Mình phải lấy mỡ nó rán nó”. Lâu dần thành quen, Thành dần thành khách ruột của các tụ điểm ghi lô đề, ngày nào cũng phải ra quán “quất” một vài con.
Được một thời gian, Thành đã tự “nâng cấp” mình lên level mới. Thành bảo với lũ bạn: “Bọn mày xoàng lắm. Chỉ ghi lô theo con số may rủi, đánh theo sở thích rồi lại phải phấp phỏng chờ đợi xem tối đó có về hay không thì chỉ có nước “ăn cám” thôi. Bí quyết là hàng ngày, Thành lên mạng xem tin tức, hễ có tin gì về tai nạn chết người thì nhảy vào ngấu nghiến đọc, rồi chọn lọc những con số như biển số xe bị tai nạn, năm sinh, ngày mất hay tuổi của các nạn nhân để đánh lô đề theo. Bên cạnh đó Thành còn rất sành sỏi trong việc “giải mơ đoán số”, mà Thành khoe “đó là do các cụ báo mộng”. Run rủi thế nào, một vài lần như vậy Thành lại toàn trúng lớn, khiến cho bạn bè xuýt xoa thán phục, tôn lên làm “thánh lô”.
Chuyện Thành bập vào lô đề, anh chị cũng đã được biết thông qua người giúp việc. Một lần cô giúp việc kể với chị cô ấy tìm thấy vài tờ tích kê ghi số lô đề trong túi quần của cậu chủ với số tiền lên đến mấy trăm nghìn. Tuy nhiên, thay vì nghiêm khắc nói chuyện với con trai và ngăn chặn cậu ấm thì chị lại không coi trọng phát hiện đó của người giúp việc. Chị phân trần: “Con trai tôi, làm sao tôi không hiểu nó. Nó là một đứa ngoan ngoãn, tối ngày chỉ biết chuyên tâm học hành, không có chuyện sa ngã đâu. Chắc nó chỉ bắt chước chúng bạn, thi thoảng ghi vài con số lô đề chơi thôi. Người chuyên chơi lô đề mỗi ngày phải “nướng” vào đó cả mấy triệu, nó chỉ ghi vài chục, vài trăm nghìn thì nhằm nhò gì”, rồi chị lại miệt mài đọc sách báo chuyên ngành, tất tả chuẩn bị tài liệu cho cuộc hội nghị tổng kết sắp diễn ra vào tháng tới.
Bị cuốn vào vòng xoáy của những con số vô tri, Thành dần đánh mất chính mình. Những lần thua, Thành còn lấy tiền học phí ra đánh. Nhưng càng đánh càng thua, càng thua nhiều lại càng ham hố đánh hăng hơn để còn gỡ gạc, cái vòng tròn luẩn quẩn đó cứ ngày ngày bám riết lấy Thành. Thành cay cú nói với bạn: “Tao tốn đến mấy triệu để nuôi con 45 được hơn tuần nay rồi mà mãi nó không chịu về mới bực mình chứ. Tối nay nó về thì đủ cho tao rước con vaio luôn chứ chẳng chơi. Hôm trước tao cũng trúng, nhưng “hẻo” lắm, chỉ đủ một bữa khao anh em thôi, coi như hòa”.
Để xoay tiền cho thú chơi của mình, Thành đem xe máy, laptop, điện thoại của chính mình đi ký gửi ở tiệm cầm đồ. Nếu gặp vận đỏ thì đến tiệm cầm đồ “nhổ” những đồ đã “cắm”, còn nếu không may hạn đến nơi rồi mà vẫn kẹt tiền, không trả nợ được cho chủ tiệm thì đành chịu mất. Sau đó Thành về nhà, đóng kịch nói dối bố mẹ là cho bạn mượn, bị trộm, bị cướp giật trên đường. Anh chị chẳng mảy may nghi ngờ gì cậu con trai, vốn vẫn chăm chỉ cắp sách đi học mỗi ngày. Những lần hiếm hoi có mặt ở nhà, thấy cậu ấm cắm cúi bên bàn học, miệt mài đèn sách (thật ra là đang “ngồi đồng” tính toán các con số “ma mị” kia), anh chị lại càng yên tâm và sẵn sàng móc hầu bao, cho cậu nhiều tiền hơn để đáp ứng nhu cầu học tập của con trai.
Dần dần, hết vốn “tự có”, Thành dành vay mượn tiền của bạn bè và người thân, “cắm” thẻ sinh viên để vay nặng lãi để “nướng” cho các đại lý ghi lô đề. Nhưng vận may chẳng còn mỉm cười với Thành như trước. Suốt mấy tháng liền Thành chưa một lần trúng. Số tiền nợ lãi mẹ đẻ lãi con đã lên đến cả trăm triệu mà Thành vẫn chưa biết xoay sở thế nào. Bọn chủ nợ đầu bò đầu bướu đe dọa nếu Thành không liệu hồn trả nợ chúng đúng kỳ hạn thì chúng sẽ đập cho một trận tơi tả, và khoanh vùng “ghé thăm” gia đình thường xuyên và báo lên trường.
Đến bây giờ Thành mới phát hoảng, lo sợ bố mẹ khi phát hiện ra sự thật sẽ cắt mất nguồn viện trợ không hoàn lại mỗi ngày của mình nên càng không dám tự thú về “dự án đầu tư vào số má” của mình. Nhưng rồi trước hoàn cảnh các chủ nợ liên tục “hỏi thăm”, đẩy Thành lâm vào tình thế túng quẫn, sinh ra nghĩ quẩn. Hôm đó, trong lúc đang vắt óc suy nghĩ cách “đào ra tiền” để nuôi lớn con lô mà Thành “chắc chắn đến 100% tối nay sẽ về”, Thành tình cờ đi ngang qua chiếc xe SH của một người phụ nữ hớ hênh để trước cổng nhà, chìa khóa vẫn còn đang cắm ở ổ. Chắc chị ta vừa đón con ở nhà trẻ về nên bế con vào nhà trước.
Trước cơ hội “nghìn năm có một” như thế, Thành nhảy phốc lên chiếc xe, rồ máy và nhằm hướng đường cái mà phóng thẳng. Nạn nhân bất lực chạy từ trong nhà ra và tri hô: “Cướp! Cướp!” váng cả khu nhà. Nghe tiếng hô hoán, nhiều người ở các nhà xung quanh đổ ra đường đuổi bắt trộm. Một người trung niên không ngần ngại lao cả chiếc xe xích lô đang đỗ ở lề đường ra chắn ngang giữa phố, làm chướng ngại vật, chặn đường tên trộm. Sự việc xảy ra quá nhanh, Thành không kịp phản ứng gì nên đâm thẳng cả người lẫn chiếc xe ăn trộm vào đó, ngã lăn ra đường. Người dân xúm vào bắt giữ tên trộm đang lồm cồm bò ra khỏi xe, chân tay mặt mũi xước xát, rồi dong cả người lẫn chiếc xe tang vật lên trụ sở công an phường. Trước nhân chứng, vật chứng đầy đủ, Thành chỉ còn biết cúi đầu nhận tội.
Anh chị sững người khi nhận được tin báo Thành đang bị giam ở công an phường vì hành vi trộm cắp. Đến nơi, tận mắt đọc được bản lời khai của con trai, anh chị càng ngã ngửa, không tin vào sự thật rành rành rằng cậu ấm đã lún sâu vào lô đề nặng đến vậy, với con số nợ khủng của bọn cho vay nặng lãi lên đến gần 200 triệu đồng. Nước mắt ròng ròng, chị ngước lên nhìn anh, cũng đang ngồi chết trân trước bàn làm việc của công an, lắp bắp: “Tại sao lại ra nông nỗi này, con ơi là con…”.
Theo Tuệ Văn/Gia Đình