Giờ đây, người Việt ở Hungary có thể chuẩn bị cho mình một cái Tết với đầy đủ hương vị quê nhà. Những ngày giáp Tết, đi chợ hay ra các trung tâm thương mại nơi người Việt kinh doanh đều cảm nhận được không khí sắm Tết. Ở đây có thể dễ dàng mua sắm các món ngày Tết như bánh chưng, giò, chả, mứt Tết, gạo nếp, gấc, chuối xanh, măng miến.
Đã thành truyền thống, năm nào Hội người Việt ở Hungary cũng kết hợp với Đại sứ quán Việt Nam tổ chức Lễ hội đón Tết cho bà con, thường là vào trước Tết. Thế nhưng năm nay Lễ hội đón Xuân Giáp Ngọ sẽ được tổ chức đúng tối mùng 1 Tết tại địa điểm quen thuộc là Nhà Văn hóa quận 16, TP Budapest, là quận có nhiều người Việt sinh sống nhất ở Hungary.
Xa quê nhưng vợ chồng chị Phan Bích Thiện vẫn giữ đầy đủ các truyền thống của Tết Việt. Và dường như, ông chồng người Hungary của chị khá am tường các tập tục đón Tết của người Việt. Chiều tất niên, dù bận mấy, chị Thiện cũng về nhà sớm để làm cơm cúng. Đúng thời khắc giao thừa ở quê nhà, khi hình ảnh pháo hoa bên hồ Gươm được phát trên VTV4 thì chị cũng cúng giao thừa ở nhà mình.
Ba bố con bao giờ cũng sẽ xông đất và mang vào nhà một cành lộc. Đó là một nhánh tre xanh của bụi tre trước nhà. Bên châu Âu dịp này đang là mùa đông lạnh giá, cây cối đều trơ trụi cành, chỉ còn cây thông là xanh. Và đặc biệt có một loại tre chịu được lạnh giá, vẫn xanh nên nhiều người Việt trồng nó ở vườn nhà.
Chị Thiện khoe: “Năm nay gia đình tôi sẽ tự gói bánh chưng, khác với các năm trước là đi mua. Tự gói bánh chưng sẽ vất vả nhưng tôi muốn tạo một không khí Tết gia đình cho các cháu khi bố mẹ, con cái cùng rửa lá, trộn gạo, luộc bánh, trò chuyện. Cái không khí ấy, cho đến tận bây giờ khi đã sống gần 30 năm ở nước ngoài tôi vẫn nhớ như in mỗi lần Tết đến.
Hơn nữa tôi muốn vừa gói vừa kể cho các cháu hiểu thêm về nguồn gốc và ý nghĩa của bánh chưng, lịch sử dựng nước của các Vua Hùng. Các cháu nhà tôi rất thích ăn bánh chưng”.