Hải quân Mỹ và tham vọng tạo ra lá chắn tên lửa bằng laser

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều năm qua, Hải quân Mỹ đã tập trung nguồn lực cho một số chương trình phát triển vũ khí laser tiềm năng dành cho tương lai. Chúng được kỳ vọng tạo ra lớp phòng thủ mới kết hợp với các loại vũ khí truyền thống giúp Hải quân Mỹ tiếp tục thống trị các đại dương.

Thực tế, vũ khí laser với khả năng tạo ra những chùm tia năng lượng cao với tốc độ ánh sáng rất phù hợp với các nhiệm vụ phòng không, phòng thủ tên lửa và tiêu diệt mục tiêu với độ chính xác gần như tuyệt đối.

Tìm kiếm công nghệ vũ khí laser phù hợp

Các chương trình vũ khí laser của Hải quân Mỹ được chú ý từ năm 2010, khi công ty Kratos phát triển tổ hợp vũ khí laser tác chiến (LaWS) theo đặt hàng của Lầu Năm Góc. LaWS có khả năng tạo ra các chùm tia laser thể rắn có công suất tới 30kW, đủ khả năng vô hiệu hóa các thiết bị quan sát quang-điện tử hay các phương tiện bay của đối phương thông qua việc đốt nóng và phá vỡ cấu trúc của mục tiêu. Điểm đáng chú ý là chi phí cho mỗi phát bắn của LaWS rất rẻ, tương đương 0,3 USD/phát.

Hải quân Mỹ và tham vọng tạo ra lá chắn tên lửa bằng laser ảnh 1
Tổ hợp vũ khí laser LaWS chính là nguyên mẫu công nghệ để Hải quân Mỹ hoàn thiện và thử nghiệm vũ khí laser tương lai.

Trong các bài thử nghiệm năm 2012, nguyên mẫu AN/SEQ-3 LaWS đã chứng minh được khả năng chiến đấu trong các điều kiện thí nghiệm. Tới năm 2014, một nguyên mẫu LaWS được lắp lên tàu chiến USS Ponce và nhiều lần được thử nghiệm tấn công các mục tiêu trên biển. Tới năm 2017, nguyên mẫu LaWS được chuyển sang thử nghiệm trên tàu hỗ trợ đổ bộ USS Portland. Dù kết quả của quá trình thử nghiệm không được công bố rộng rãi, nhưng Hải quân Mỹ đã quyết định mua thêm 2 tổ hợp LaWS để mở rộng quy trình thử nghiệm trên bộ và trên hạm.

Một trong những ưu tiên đối với các biến thể mới của LaWS là tăng công suất chùm laser phát ra. Trong một bài thử nghiệm trên USS Portland, phiên bản LaWS cải tiến đã tạo ra chùm laser công suất tới 150kW (lớn gấp 5 lần thiết kế ban đầu). Một trong những điểm nhấn về thành công của chương trình LaWS chính là vụ thử nghiệm trong năm 2020 với việc tổ hợp LaWS trên USS Portland đã chiếu xạ và đốt cháy một thiết bị bay không người lái giả lập mục tiêu với chỉ 1 phát bắn.

Chính vì sự thành công này, giới chức Hải quân Mỹ đang kỳ vọng vào các thế hệ vũ khí laser tiếp theo với tính năng ngày càng mạnh mẽ hơn.

Laser vẫn là vũ khí của tương lai

Ngoài LaWS, Hải quân Mỹ hiện đang theo đuổi 2 chương trình phát triển vũ khí laser đáng chú ý khác là ODIN và HELIOS.

Tổ hợp ODIN được thiết kế với mục đích phi sát thương. Mục tiêu chính của chúng là thời gian phản ứng nhanh, vô hiệu hóa các loại thiết bị trinh sát của đối phương thông qua việc phá hủy cấu trúc. Các thử nghiệm của tổ hợp ODIN được thực hiện trên chiến hạm USS Dewey từ năm 2019. Trong năm 2020, Hải quân Mỹ dự kiến trang bị thêm 6 tổ hợp ODIN để tăng tiến độ thử nghiệm và hoàn thiện vũ khí. Kết quả của giai đoạn thử nghiệm sắp tới sẽ giúp Hải quân Mỹ có cái nhìn toàn diện và đánh giá về tiềm năng của vũ khí laser công suất thấp.

Hải quân Mỹ và tham vọng tạo ra lá chắn tên lửa bằng laser ảnh 2
Công suất vũ khí laser hiện vẫn chưa đủ lớn và tin cậy như các loại vũ khí hóa năng truyền thống.

Cùng với ODIN, một trong những chương trình phát triển vũ khí laser đáng chú ý khác là HELIOS do hãng chế tạo Lockheed Martin thực hiện. Điểm khác biệt của HELIOS là dải công tác rất rộng. Nó có thể vừa làm nhiệm vụ của vũ khí laser sát thương, vừa có khả năng làm mù tạm thời, vô hiệu hóa các thiết bị trinh sát của đối phương.

Mục tiêu thiết kế của HELIOS là tạo ra ô phòng thủ tên lửa tầm ngắn trên hạm. Nhờ hệ thống điều khiển tiên tiến, HELIOS có khả năng theo dõi mục tiêu từ rất xa, đánh giá về sự nguy hiểm của mục tiêu để lên phương án ngăn chặn. Đối với mục tiêu nguy hiểm, HELIOS sẽ phát chùm laser công suất lớn để phá hủy, còn đối với các mục tiêu trinh sát, tổ hợp sẽ phát chùm laser công suất thấp vô hiệu hóa khả năng hoạt động để tiết kiệm năng lượng và nguồn lực.

Hiện tại, nguyên mẫu của tổ hợp HELIOS đã được lắp trên khu trục hạm lớp Arleigh Burke và đang trong quá trình thử nghiệm và hoàn thiện.

Kỳ vọng của Hải quân Mỹ

Hải quân Mỹ hiện đánh giá rất cao các chương trình phát triển vũ khí laser tương lai với vai trò phòng thủ tầm ngắn. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ, vũ khí laser được kỳ vọng làm được nhiều nhiệm vụ hơn thế.

Hải quân Mỹ và một số nhà thầu quân sự đã đạt được thỏa thuận nâng cấp và cải tiến các tổ hợp vũ khí laser đang trong giai đoạn phát triển hiện nay. Đáng chú ý là các chương trình LWSD (tổ hợp LaWS nâng cấp) và HELIOS sẽ được đẩy nhanh tiến độ để đưa vào trang bị sớm nhất có thể.

Hải quân Mỹ và tham vọng tạo ra lá chắn tên lửa bằng laser ảnh 3
Vũ khí laser tương lai phải có công suất hàng trăm kW để đáp ứng yêu cầu phòng thủ và tiêu diệt mục tiêu tên lửa tấn công của đối phương.

Trong chiến đấu, vũ khí laser được sử dụng với vai trò bổ trợ cho các loại vũ khí truyền thống. Các tổ hợp vũ khí laser công suất 30-150kW là lựa chọn tối ưu về khả năng tác chiến và chi phí sử dụng trong nhiều tình huống chiến đấu so với tên lửa hay pháo hạm truyền thống.

Về hướng phát triển tương lai, Hải quân Mỹ mong muốn có các tổ hợp vũ khí laser công suất lớn hơn và tầm bắn xa hơn. Chúng sẽ không chỉ đáp ứng vai trò vũ khí cấp chiến thuật, mà sẽ là vũ khí phòng thủ tên lửa chiến lược khi các tham số kỹ thuật đáp ứng. Vũ khí laser hiện tại mới chỉ đóng vai trò phụ trợ, nhưng đây là dòng vũ khí tiềm năng và hình ảnh chiến trường tương lai với khẩu pháo laser như trong phim viễn tưởng của Holywood có thể trở thành hiện thực.

Theo Quân đội Nhân dân
MỚI - NÓNG
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
TPO - Cốc Cốc vừa phát hành Báo cáo xu hướng tìm kiếm và lướt web 2024, nhìn lại những mối quan tâm nổi bật của người dùng Việt Nam trên internet. Theo đó, “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi” cùng từ lóng “đỉnh nóc kịch trần bay phấp phới” gây bão tìm kiếm. “Bão Yagi” và “giá vàng” dẫn đầu danh sách từ khóa nổi bật nhất.