Trang mạng USNI News mới đây dẫn lời Phó đô đốc Brad Cooper, Tư lệnh Hạm đội 5 (đóng tại Bahrain) của Hải quân Mỹ cho biết, mục tiêu đặt ra là đến mùa hè năm 2023, sẽ có khoảng 100 USV tham gia tuần tra tại các vùng biển từ Biển Đỏ đến Vịnh Arab với “phần lớn các hệ thống sẽ được cung cấp bởi các đối tác khu vực và quốc tế của chúng tôi”.
Theo trang mạng Defense News, trong số 100 chiếc USV này, sẽ có 20 chiếc thuộc về Hải quân Mỹ (thực tế là Hải quân Mỹ sẽ thuê các USV từ các công ty quốc phòng nhưng kiểm soát việc thực thi nhiệm vụ của chúng) và 80 chiếc còn lại thuộc về các đối tác của Washington trong khu vực.
Một USV cùng tàu khu trục USS Delbert D. Black của Hải quân Mỹ. Ảnh: USNI news |
Phó đô đốc Brad Cooper từ chối chia sẻ số lượng các USV hiện đang được triển khai tại các vùng biển ở Trung Đông nhưng cho biết, Hải quân Mỹ sẽ đạt mục tiêu 20 chiếc USV vào tháng 11 tới. Bahrain và Kuwait đã cam kết mua các USV trong khi các đối tác khác “có thể đưa ra cam kết” từ nay đến mùa hè năm 2023.
Các USV nói trên thuộc Task Force 59 (Lực lượng đặc nhiệm 59), do Hải quân Mỹ thành lập hồi tháng 9-2021. Task Force 59 thuộc Hạm đội 5, sử dụng các công nghệ không người lái và trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm đối phó với “một số thách thức cấp bách nhất” tại khu vực Trung Đông.
“Ngày nay, tại Vịnh Arab có khoảng 8.000 tàu hoạt động qua lại. Con người không thể theo dõi hết mọi hoạt động nhưng AI làm được và làm rất chính xác”, trang mạng Defense News dẫn lời Phó đô đốc Brad Cooper.
Trang mạng Defense News cho biết, sau một năm triển khai Task Force 59, Hải quân Mỹ đã xây dựng được một mạng lưới kết nối các USV và công cụ AI với các nhân viên của một trung tâm kiểm soát.
Trong khi đó, theo trang mạng USNI News, không giống với một số loại máy bay không người lái (UAV) tốn kém mà quân đội Mỹ sử dụng, thông tin liên quan cùng các thiết bị cảm biến trên USV không phải là bí mật. Những gì USV thu thập sẽ được chuyển về một trung tâm kiểm soát mà tại đó, chính con người sẽ ra quyết định mỗi khi AI phát hiện ra điều bất thường.
Hồi tháng 2 vừa qua, Task Force 59 đã dẫn đầu một cuộc diễn tập hàng hải quốc tế với sự tham gia của lực lượng hải quân tới từ 60 quốc gia. Động thái này được xem như là “một biểu hiện ban đầu” về sức mạnh của các USV và các công cụ AI khi phối hợp với nhau.
Phó đô đốc Brad Cooper cho biết, cuộc diễn tập nhằm làm cho các đối tác trong khu vực như Israel, Jordan, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và nhiều quốc gia khác thấy được cách thức mà các USV và các công cụ AI có thể cải thiện an ninh vùng biển của họ “với chi phí phải chăng hơn” so với các tàu tuần tra và tàu hộ vệ có người lái truyền thống.
“Bạn có thể triển khai một USV và có cái nhìn cận cảnh hơn mà không phải sử dụng con người. Đó là kịch bản tối ưu về cách thức hoạt động của chúng tôi. Khả năng đó được nhân lên khi mọi quốc gia trong khu vực đều có USV. Bạn nhanh chóng nhận thấy khả năng nắm bắt tình hình trên biển của mình gia tăng đáng kể trong một khoảng thời gian ngắn. Vừa rồi, mỗi tuần, chúng tôi lại diễn tập với một đối tác khác nhau, đầu tiên là với Saudi Arabia, rồi Jordan, Israel. Chúng tôi cũng tham gia cả một cuộc tập trận của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)”, trang mạng USNI News dẫn lời Phó đô đốc Brad Cooper.
Theo USNI News, những kết quả bước đầu của Task Force 59 đã buộc Hải quân Mỹ phải xem xét lại chương trình USV của lực lượng này. Theo đó, hồi tháng 4-2022, Đô đốc Mike Gilday, Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ tuyên bố đang suy nghĩ lại về nhu cầu của Hải quân Mỹ đối với các USV có kích cỡ trung bình.
“Những gì mà Phó đô đốc Brad Cooper đang làm với Task Force 59-sử dụng các USV cỡ nhỏ-đã làm thay đổi cách nghĩ của tôi về phương hướng sử dụng USV. Chúng ta có thể thu hẹp các khoảng cách về năng lực nhờ sử dụng các USV nhỏ-vốn có thể bị loại bỏ khi cần, thay vì cho rằng bắt buộc phải sở hữu các USV lớn hơn. Tôi không nói là chúng ta không cần USV có kích cỡ trung bình. Ý tôi là chúng ta phải xem xét lại về số lượng”, Đô đốc Mike Gilday nêu rõ.