Thay vì phải dừng đèn đỏ, gây ùn ứ, hầm chui (ảnh nhỏ) tại nút Pháp Vân sẽ giúp phương tiện theo hướng cao tốc - nội thành di chuyển thông suốt.
Từ kết quả khảo sát được, Tổng Cục đường bộ Việt Nam và đơn vị tư vấn là Tổng Cty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải (TEDI) đánh giá, Pháp Vân là nút giao cửa ngõ lớn nhất Hà Nội, có vai trò kết nối quan trọng vào khu trung tâm thành phố, nút là đầu mối kết nối giữa đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường vành đai 3 và đường Giải Phóng - Ngọc Hồi (QL1 cũ). “Tuy nhiên, nút giao thông này hiện thường xuyên ùn tắc, đặc biệt là vào các giờ cao điểm, dịp lễ tết, trong đó nghiêm trọng nhất là khu vực giao giữa đường vành đai 3 dưới thấp và đường cao tốc và khu vực giao giữa đường Giải Phóng với đường vành đai 3 dưới thấp”, lãnh đạo Tổng Cục đường bộ Việt Nam đánh giá.
Theo kết quả khảo sát, đo đếm lưu lượng phương tiện của tư vấn TEDI, lưu lượng xe qua nút giao đang đạt xấp xỉ 80.000 PCU (xe tiêu chuẩn)/giờ. Cụ thể, với hướng Pháp Vân đi Ngọc Hồi (QL1 cũ), lượng ô tô con và xe buýt là 7.533 lượt, xe tải: 10.817 lượt; hướng Pháp Vân – Giải Phóng xe con: 651 lượt, xe tải 1.553 lượt; hướng Ngọc Hồi - Pháp Vân, xe con và xe buýt: 384 lượt, xe tải: 1.233 lượt… So sánh lượng xe qua nút Pháp Vân hàng ngày, TEDI nhận định, lượng xe tải qua nút Pháp Vân đang cao hơn xe con và xe chở khách công cộng (bus), riêng các hướng Pháp Vân - Giải Phóng - Ngọc Hồi và Ngọc Hồi – Pháp Vân… lượng xe tải đang gấp 3 lần xe con và xe buýt. Theo TEDI, nút Pháp Vân và đường vành đai 3 (dưới thấp) đang là đường đô thị nhưng lượng xe tải đang vượt xa lượng xe con là bấp hợp lý.
Tổng Cục đường bộ Việt Nam cũng đánh giá, sự bất hợp lý trên ngoài làm các tuyến đường đổ về đây thường xuyên tắc cứng, còn trái với các nguyên tắc quản lý đô thị là hạn chế hoặc cấm xe tải đi vào các tuyến đường nội đô. Tổng Cục đường bộ Việt Nam còn cảnh báo, tình trạng ùn tắc tại khu vực này sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi dự án nâng cấp tuyến đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ được hoàn thành vào đầu năm 2018, theo đó từ 4 làn xe tuyến đường sẽ nâng lên 6 làn và tốc độ phương tiện từ 100 km/h nâng lên 120 km/h khi hoàn thành.
Do vậy, việc cải tạo, phân luồng để tăng khả năng thông hành, giảm ùn tắc tại nút giao Pháp Vân là hết sức cần thiết. Cùng với đó, Tổng Cục cũng đưa ra nguyên tắc cải tạo, phân luồng cho nút Pháp Vân, là phải hạn chế hoặc đưa lượng xe tải ra khỏi khu vực này.
Xây hầm chui và phân luồng từ xa
Để cải tạo, giảm ùn tắc hiệu quả cho nút giao Pháp Vân, TEDI đưa ra hai phương án. Phương án thứ nhất: phân luồng từ xa; phương án này gồm, bổ sung đường kết nối từ nút giao Pháp Vân đến đường Tân Mai (Vành đai 2,5) – phương án này được ký hiệu: 1A; bổ sung đầu tư đường đoạn từ QL70 (nút giao Văn Điển) đến đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ và đoạn từ Pháp Vân – Cầu Giẽ đến Vành đai 3 (đoạn gần cầu Thanh Trì) – phương án này được ký hiệu: 2A. Đối với phương án 2A, TEDI phân tích, nếu làm được 2 đoạn đường kết nối trên, toàn bộ phương tiện, đặc biệt là xe tải từ cao tốc và từ cầu Thanh Trì sẽ chạy thẳng đến QL70, không cần qua nút Pháp Vân như hiện nay. Phương án này cũng rút ngắt quãng đường từ cầu Thanh Trì đi QL70 từ 16,7 km giảm xuống còn 7 km; từ cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đi QL70 là 17 km còn 1,5 km.
Phương án thứ hai: Cải tạo cục bộ nút giao Pháp Vân, gồm các hạng mục: làm hầm chui vượt nút Pháp Vân theo hướng cao tốc Pháp Vân – nội thành (phố Tân Mai); xén vỉa hè dải phân cách giữa, mở rộng mặt đường Vành đai 3 tại vị trí nút giao với đường Ngọc Hồi (hạng mục 1B); bổ sung làn đường rẽ phải vào cao tốc Pháp Vân, cải tạo, mở rộng các nhánh rẽ tại nút…. (hạng mục 2B). Tổng mức đầu tư để thực hiện song song 2 phương án trên, TEDI tính toán trên 1.500 tỷ đồng; thời gian để thực hiện cải tạo, phân luồng giảm ùn tắc cho nút giao thông Pháp Vân theo kế hoạch trên là trong 2 năm, từ 2017 đến 2018.