Hai nữ vật lý tài năng giữ lửa đam mê nghiên cứu khoa học

TPO - Ngô Thị Minh Thùy, Tạ Thị Vân Anh hai gương mặt trong số những nhà vật lý trẻ tài năng có “gốc” từ Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội. “Dám ước mơ, dám thực hiện” với nhiều hoài bão lớn, họ đang giữ trong mình ngọn lửa đam mê nghiên cứu khoa học

Trước tình hình phát triển nhanh chóng của nền KHCN, nhu cầu nghiên cứu vật lý cơ bản, vật lý ứng dụng công nghệ mới trong khoa học vật liệu, công nghệ nano, y sinh, quang học... cũng như nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao đối với ngành này đang ngày càng trở nên cấp thiết. Việc ưu tiên tìm kiếm, thu hút và đào tạo các nhà vật lý trẻ tuổi tài năng, phát triển các hướng nghiên cứu vật lý có thế mạnh của Việt Nam để nhanh chóng đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và quốc tế là những nhiệm vụ trọng tâm đặt ra trong Chương trình phát triển Vật lý đến năm 2020 của Chính phủ. 

Trong bối cảnh đó, có hai nhà Vật lý của Việt Nam đã  rất thành công ở trong nước và nước ngoài. Đó là TS. Ngô Thị Minh Thùy, giảng viên ĐH Y khoa Orgon (Mỹ) và nữ CEO 8x ngành Vật lý Tạ Thị Vân Anh. Hai nữ tiến sĩ đều từng được đào tạo tại Viện Vật lý kỹ thuật (VLKT), Trường ĐHBK Hà Nội.

Nữ giảng viên Đại học Y khoa Oregon (Mỹ) Ngô Thị Minh Thùy – cựu sinh viên khóa 47, Lớp kỹ sư tài năng Vật lý Kỹ thuật (2002-2007)

TS Ngô Thị Minh Thùy là một trong những nhà khoa học đầu tiên tham gia xây dựng Trung tâm nghiên cứu cao cấp về chẩn đoán ung thư sớm (thuộc Viện nghiên cứu ung thư Knight, Đại học Y khoa Oregon - OHSU) với nguồn kinh phí đầu tư một tỷ đôla Mỹ.

Hiện nay, công việc của TS Minh Thùy là nghiên cứu dấu hiệu và cơ chế hình thành ung thư giai đoạn sớm, phát triển những phương pháp điều trị, đánh giá, phỏng đoán hiệu quả điều trị, đồng thời hướng dẫn nghiên cứu sinh, nghiên cứu viên sau tiến sĩ cho Đại học OHSU.

Trưởng thành từ lớp kỹ sư tài năng Vật lý Kỹ thuật K47, cô sinh viên Minh Thùy quyết tâm biến những năm học đại học trở thành cơ hội để trải nghiệm và phát triển mọi khả năng của bản thân. Hầu như năm nào Minh Thùy cũng tham gia hội thảo nghiên cứu khoa học của Trường và hội nghị khoa học toàn quốc.

Đặc biệt, trong năm học thứ ba, Minh Thùy xuất sắc được Viện VLKT lựa chọn và tạo điều kiện sang Đức để tham dự hội thảo quốc tế. Ngoài ra, Thùy cũng tham gia vào các nhóm nghiên cứu mà Viện VLKT có quan hệ hợp tác như Viện Đào tạo Quốc tế về Khoa học vật liệu (ITIMS), Viện Tiên tiến Khoa học và Công nghệ (AIST) thuộc Trường ĐHBK Hà Nội và các viện khoa học quốc gia khác.

Năm 2006, Minh Thùy cũng tham gia đội Robocon của Bách khoa Hà Nội. Nhờ đó, Thùy học hỏi được kỹ năng làm việc nhóm, chủ động tìm nguồn tài trợ để giải quyết một số vấn đề ứng dụng cụ thể bằng kiến thức đã học cùng những tìm tòi mới.

“Từ việc tham gia nhiều hoạt động học tập, nghiên cứu, làm dự án thực tế tại Viện VLKT, tôi đã lựa chọn và tìm thấy các hoạt động mà mình cảm thấy thú vị và ý nghĩa nhất, từ đó rèn luyện kinh nghiệm nghiên cứu và tư duy làm khoa học ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Điều này đã giúp tôi không quá bỡ ngỡ với quá trình học tập và nghiên cứu ở bậc học cao hơn tại Hà Lan và Mỹ sau này” – Minh Thùy chia sẻ.

Hai nữ vật lý tài năng giữ lửa đam mê nghiên cứu khoa học ảnh 1

 Nữ vật lý Ngô Thị Minh Thùy

Sinh năm 1984, TS Minh Thùy được xem là đại diện cho thế hệ nhà khoa học 8X thành công “dám ước mơ, dám thực hiện” với nhiều hoài bão lớn. Thùy luôn tâm niệm: Đam mê không phải là sở thích, không tự nhiên sinh ra mà là kết quả của quá trình tìm tòi. Muốn nuôi dưỡng và hiện thực hóa đam mê, trước hết mỗi người có thể đặt ra câu hỏi mục đích sống của mình là gì?”.

Vẫn luôn giữ lửa đam mê với nghiên cứu khoa học, nếu được lựa chọn một lần nữa, TS Minh Thùy vẫn chọn học ngành vật lý kỹ thuật tại ĐHBK Hà Nội.

“Nữ CEO 8X ngành vật lý” Tạ Thị Vân Anh – cựu sinh viên Vật lý Kỹ thuật khóa 46 (2001-2006)

Tạ Thị Vân Anh là Giám đốc, người sáng lập Công ty CP và Phát triển Phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin. Vân Anh từng xuất sắc là chủ nhân của các giải thưởng: Giải Ba Nhân tài Đất Việt năm 2011 cho Hệ thống lập kế hoạch xạ trị ung thư quản lý thông tin bệnh nhân trên web - LYNX; Top 9 Cuộc thi Code for Change năm 2016; Cộng đồng Nhân ái; Giải thưởng Sao khuê 2017 với Hệ thống quản lý bệnh viện ISOFH....

Sinh ra trong gia đình có mẹ là giáo viên cấp 3 dạy môn Vật lý, nên từ nhỏ, cô bé Vân Anh đã nuôi dưỡng niềm yêu thích bộ môn này, thường lấy sách và đồ thí nghiệm của mẹ ra để “nghịch”. Niềm say mê ấy được nhen nhóm và đưa cô đến lựa chọn theo đuổi ngành học tại Viện VLKT, Trường ĐHBK Hà Nội. Gần 5 năm là quãng thời gian quan trọng đối với Vân Anh.

Hai nữ vật lý tài năng giữ lửa đam mê nghiên cứu khoa học ảnh 2 Nữ CEO 8X ngành vật lý - Tạ Thị Vân Anh.

“Dù vất vả và nhiều bỡ ngỡ nhưng thực tế các thầy cô của Trường ĐHBK Hà Nội đã dạy cho tôi rất nhiều điều quý giá: tính kiên trì, tinh thần không bỏ cuộc, theo đuổi đam mê đến cùng và không ngại khó, nỗ lực hết sức có thể đối với mỗi công việc dù nhỏ nhất. Tôi biết ơn tất cả những điều đó” – Chị Vân Anh chia sẻ.

Bắt đầu sự nghiệp thành công ở vị trí quản lý tại Trung tâm R&D thuộc Công ty Phần mềm tính toán liều lượng bức xạ cho máy gia tốc, trong 9 năm liên tục, chị Vân Anh và đồng nghiệp đã triển khai, đào tạo phần mềm tính liều máy gia tốc cho 11 trung tâm ung bướu, hơn 30 trung tâm vật lý trên khắp Việt Nam và 3 cơ sở khác tại châu Á.

Năm 2015, cựu sinh viên K46 Viện VLKT đã dũng cảm khởi nghiệp, sáng lập Công ty CP và Phát triển phần mềm ứng dụng CNTT chuyên sâu về mảng phần mềm quản lý bệnh viện, triển khai thành công ISORA SOFT (tại Bệnh viện E) và 4 dự án khác tại các bệnh viện/phòng khám lớn ở Việt Nam, đặc biệt tiếp nhận và chuyển giao công nghệ bảo mật phần mềm LogoQ (Nhật Bản); triển khai dự án cộng đồng về y tế và nhân ái, nhằm cung cấp thông tin liên quan; hỗ trợ người bệnh tiếp cận cơ sở y tế và y bác sĩ trực tuyến thay vì phải chờ đợi xếp hàng tại bệnh viện... 

Nói về thành công bước đầu của mình, Ngô Thị Minh Thùy, Tạ Thị Vân Anh luôn cho rằng các cô may mắn khi được sống, học tập trong môi trường học thuật nghiêm túc. Những tích lũy kiến thức từ Viện Vật lý kỹ thuật đã trang bị cho mỗi nhà vật lý không chỉ là kiến thức chuyên môn mà cả khả năng sáng tạo, nắm bắt vấn đề và triển khai ý tưởng vào thực tiễn.

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.