Luật sư Hằng Nga (Đoàn Luật sư Hà Nội) phân tích: Đúng là hiện nay Luật Xử lý vi phạm hành chính (Luật XLVPHC) và Luật Phòng, chống ma túy (Luật PCMT) đang cùng điều chỉnh một nội dung. Cụ thể, tại Điều 96, Luật XLVPHC quy định: Đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định. Ngoài ra, văn bản này cũng nêu cụ thể các trường hợp không áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đối với người không có năng lực trách nhiệm hành chính; Người đang mang thai có chứng nhận của bệnh viện và phụ nữ hoặc người duy nhất đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi được ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận.
Liên quan đến nội dung này, tại Điều 28 Luật PCMT có quy định: Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc đã được giáo dục nhiều lần tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc không có nơi cư trú nhất định phải được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Việc đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được thực hiện theo quyết định của chủ tịch ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Thời hạn cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện bắt buộc từ một năm đến hai năm.
Như vậy, hai văn bản trên, xét về thẩm quyền là ngang nhau (cùng do cơ quan quyền lực cao nhất ban hành). Tuy nhiên, Luật XLVPHC được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013. Trong khi đó, Luật PCMT được Quốc hội thông qua ngày 9/12/2000, có hiệu lực từ ngày 1/6/2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCMT được thông qua ngày 3/6/2008, có hiệu lực từ 1/1/2009. Mặc dù chưa có những quy định chi tiết về phương thức áp dụng văn bản (cùng nội dung, cơ quan ban hành) sẽ ưu tiên văn bản nào, nhưng xét về thời gian, Luật XLVPHC ra đời và có hiệu lực sau, do đó, sẽ ưu tiên áp dụng luật ra đời sau.