Hai đường vành đai Hà Nội và TPHCM có tổng mức đầu tư hơn 160.000 tỷ đồng

TPO - Theo tờ trình của Chính phủ, dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội có tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng, trong khi đó tuyến Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh sơ bộ khoảng 75.378 tỷ đồng.

Chiều 12/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh.

Thẩm tra dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, theo Tờ trình số 126, Chính phủ đề xuất áp dụng hình thức đầu tư công kết hợp đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, dự án này có sơ bộ tổng mức đầu tư (TMĐT) khoảng 85.813 tỷ đồng, trong đó sử dụng 56.403 tỷ đồng vốn đầu tư công và 29.410 tỷ đồng vốn BOT. “Do đó, hình thức đầu tư của dự án phải là dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Vì vậy, đề nghị Chính phủ rà soát, hoàn thiện hồ sơ dự án”, ông Thanh nêu.

Hai đường vành đai Hà Nội và TPHCM có tổng mức đầu tư hơn 160.000 tỷ đồng ảnh 1

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Về tốc độ thiết kế, theo Tờ trình, dự án thành phần 3 có vận tốc thiết kế 100 - 120km/h. Tuy nhiên, theo ông Thanh, có ý kiến cho rằng, dự án có nhiều nút giao liên thông, lưu lượng rất lớn. Các tuyến cao tốc được thiết kế theo vận tốc 100 - 120km/h, song thực tế tốc độ khai thác chỉ đạt trung bình hoặc thấp như: tuyến Nội Bài - Lào Cai, Pháp Vân - Cầu Giẽ chỉ đạt khoảng 80 - 90km/h; Vành đai 3 Hà Nội chỉ đạt khoảng 60km/h. Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị cân nhắc đầu tư theo thực tế khai thác để tiết giảm TMĐT.

Về tiến độ, một số ý kiến cho rằng, dự án sẽ khó bảo đảm tiến độ hoàn thành trong năm 2025. Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị đánh giá bổ sung đầy đủ về khả năng giải ngân, hấp thụ vốn, sự cân đối và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực, năng lực quản lý, nguồn nhân lực, khả năng gây ra tình trạng khan hiếm và tăng giá nguyên vật liệu, nhất là trong bối cảnh giá xăng dầu đang tăng cao để có giải pháp kịp thời nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả.

Đối với dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, sơ bộ TMĐT khoảng 75.378 tỷ đồng (vốn đầu tư công); Áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc biệt cho dự án cần được Quốc hội quyết định. Do đó, Uỷ ban thẩm tra khẳng định, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án là phù hợp với quy định của pháp luật.

Về tốc độ thiết kế theo Tờ trình là 80 km/h và phương án này được đánh giá là phù hợp với quy mô, thực tiễn khai thác và tối ưu TMĐT cho Dự án.

Về tiến độ, ông Thanh cho biết, một số ý kiến cho rằng, thực tế triển khai dự án sẽ khó bảo đảm tiến độ cơ bản hoàn thành trong năm 2025. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị đánh giá bổ sung đầy đủ về khả năng giải ngân, hấp thụ vốn, sự cân đối và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực.

Dự án này được đề xuất cho phép các mỏ cát, sỏi lòng sông đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác, UBND cấp tỉnh được phép quyết định nâng công suất không quá 50% công suất ghi trong Giấy phép khai thác không phải lập dự án đầu tư điều chỉnh, đánh giá tác động môi trường.

Tuy nhiên Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cần làm rõ hơn sự cần thiết và đánh giá tác động của các đề xuất này.

“Việc không lập dự án đầu tư điều chỉnh, đánh giá tác động môi trường có thể sẽ gây ra những hậu quả không thể lường trước được, nhất là việc khai thác mỏ cát, sỏi lòng sông, dễ dẫn đến sạt lở bờ sông, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân”, ông Thanh lưu ý.

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.