Dỡ phong tỏa TP Chí Linh, huyện Cẩm Giàng
Sáng 1/3, ông Phạm Xuân Thăng – Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương chủ trì cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy với các sở ngành, huyện thị thành trên địa bàn về việc thực hiện các biện pháp phòng chống COVID-19 sau 15 ngày giãn cách xã hội toàn tỉnh.
Theo đó, kể từ 3/3 gỡ bỏ lệnh phong tỏa đối với TP Chí Linh và huyện Cẩm Giàng. Chuyển toàn tỉnh sang trạng thái mới, vừa phòng dịch vừa phát triển kinh tế.
Các huyện, thị, thành trực thuộc chủ động các biện pháp phòng chống dịch phù hợp mức độ nguy cơ từng khu vực, theo hướng: TP Hải Dương, Kinh Môn, Cẩm Giàng, Kim Thành thực hiện theo Chỉ thị số 15; 8 huyện, thành còn lại thực hiện theo Chỉ thị số 19 của Thủ tướng Chính phủ. Các xã, khu dân cư đang thực hiện phong tỏa tiếp tục thực hiện đến hết thời hạn.
Cần cảnh giác cao độ
Phát biểu cuộc họp, PGS.TS. Trần Như Dương, đại diện đoàn chuyên gia của Bộ Y tế ở Hải Dương cho biết, dịch ở Hải Dương do virus SARS-CoV-2 biến thể kiểu Anh gây ra. Các ổ dịch được phát hiện muộn, ở những nơi phức tạp như khu công nghiệp, quán karaoke. Nhiều ca bệnh không có biểu hiện rõ ràng.
Theo PGS.TS Trần Như Dương, Hải Dương đã làm tốt, có bước đi đúng đắn, đã lắng nghe và điều chỉnh những khuyến cáo của chuyên gia trong công tác phòng, chống COVID-19. Đến nay, tỉnh đã kiểm soát được dịch.
Tuy nhiên, đại diện đoàn công tác của Bộ Y tế, có thể sẽ xuất hiện ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, không rõ nguồn lây bất cứ lúc nào. Do đó, tỉnh luôn phải cảnh giác cao độ và coi phòng chống dịch là một phần không thể thiếu trong trạng thái mới.
Tỉnh Hải Dương cần hoàn thiện các kịch bản phòng chống COVID-19 chi tiết để chủ động ứng phó với các phương án có sẵn. Đồng thời, duy trì tổ COVID-19 cộng đồng vì đây là vũ khí hữu hiệu, có thể giám sát di biến động của dịch.
Ngoài ra, đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu và thực hiện các biện pháp chống dịch theo tinh thần "biết sợ dịch bệnh nhưng không hoảng sợ".
PGS-TS Trần Như Dương đề nghị Hải Dương cũng cần chú trọng công tác giám sát, không để dịch bệnh xâm nhập vào bệnh viện. Đặc biệt, giám sát hàng ngày về tình hình dịch bệnh ở các địa phương, các ổ dịch cũ. Bố trí kinh phí để xét nghiệm và lấy mẫu trong cộng đồng để phát hiện nhanh các ca nhiễm mới, dập dịch ngay từ đốm lửa nhỏ, không để lan thành ngọn lửa lớn.
Bộ Y tế hướng dẫn cách phòng chống COVID-19 tại nơi làm việc
Để đảm bảo chung sống an toàn với dịch bệnh, Bộ Y tế xây dựng và ban hành cuốn “ Sổ tay phòng, chống dịch COVID-19 tại cộng đồng trong trạng thái bình thường mới ”. Sau đây là hướng dẫn áp dụng tại trụ sở làm việc bao gồm văn phòng, công sở.
I. PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG
1. Phạm vi
Trụ sở làm việc được quy định trong hướng dẫn này gồm văn phòng, công sở.
2. Đối tượng áp dụng
- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
- Khách đến thăm và làm việc.
- Người quản lý, người sử dụng lao động.
II. NỘI DUNG THỰC HIỆN
1. Trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động
- Không tới công sở khi đang trong thời gian cách ly tại nhà hoặc có biểu hiện sốt, ho, khó thở.
- Đeo khẩu trang khi đi đến trụ sở làm việc và khi ra về.
- Thường xuyên rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay.
- Hạn chế tụ tập đông người, giữ khoảng cách tiếp xúc phù hợp ngoài trụ sở làm việc.
- Không khạc, nhổ; vứt rác, khẩu trang bừa bãi; che miệng và mũi khi ho, hắt hơi.
- Kiểm tra thân nhiệt hàng ngày, thông báo kịp thời với cơ sở y tế nếu có biểu hiện sốt, ho, khó thở.
- Thực hiện cài đặt và bật ứng dụng truy vết, ứng dụng khai báo y tế nếu sử dụng thiết bị di động thông minh.
- Tuân thủ các biện pháp dự phòng cá nhân và các hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 tại trụ sở làm việc.
2. Trách nhiệm của khách đến thăm và làm việc
- Không được đến trụ sở làm việc nếu đang trong thời gian cách ly tại nhà hoặc có biểu hiện sốt, ho, khó thở.
- Đeo khẩu trang trong suốt quá trình đến thăm và làm việc.
- Rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay trước khi đến và sau khi ra về.
- Thực hiện giãn cách phù hợp khi đến thăm và làm việc.
- Không khạc, nhổ; vứt rác, khẩu trang bừa bãi; che miệng và mũi khi ho, hắt hơi.
- Thực hiện cài đặt và bật ứng dụng truy vết, ứng dụng khai báo y tế nếu sử dụng thiết bị di động thông minh.
- Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và khai báo y tế theo yêu cầu của trụ sở làm việc.
3. Trách nhiệm của người quản lý, người sử dụng lao động
- Tổ chức đo thân nhiệt cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và khách đến thăm và làm việc trước khi vào trụ sở làm việc.
- Thực hiện khai báo y tế đối với khách đến thăm và làm việc nếu thấy cần thiết và các trường hợp người có biểu hiện ho, sốt, khó thở.
- Thực hiện bố trí chỗ ngồi giãn cách phù hợp.
- Đẩy mạnh họp trực tuyến, hạn chế các cuộc họp không cần thiết.
- Xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai hình thức làm việc trực tuyến, tại nhà tùy theo tình hình, diễn biến dịch bệnh.
- Vệ sinh, khử khuẩn bằng hóa chất khử khuẩn hoặc chất tẩy rửa thông thường đối với bàn ghế, tay nắm cửa, nút bấm thang máy, các đồ vật, sàn nhà, phòng làm việc, phòng họp, khu vệ sinh... tối thiểu 2 lần/ngày hoặc khi cần thiết.
- Bố trí đầy đủ dung dịch sát khuẩn tay tại vị trí thuận tiện cho người sử dụng, xà phòng tại các khu vệ sinh.
- Bố trí suất ăn riêng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; đảm bảo giãn cách phù hợp khi sử dụng phòng ăn tập thể.
- Bố trí đủ thùng đựng rác, chất thải có nắp đậy kín, đặt ở vị trí thuận tiện và thực hiện thu gom, xử lý hàng ngày.
- Nghiêm cấm khạc, nhổ; vứt rác, khẩu trang bừa bãi.
- Phối hợp với các cơ quan y tế và chính quyền sở tại triển khai các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19.
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
- Tổ chức kiểm tra, giám sát, đôn đốc các bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện các biện pháp dự phòng cá nhân và các biện pháp dự phòng tại trụ sở.