Từ tấm lòng bạn đọc Tiền Phong ngày ấy:

Hai đứa đã thành danh

Đại diện báo Tiền Phong trao số tiền bạn đọc giúp đỡ cho hai anh em Danh - Thành với sự có mặt của ba mẹ hai em (ảnh chụp tháng 9/2009). ảnh: N.H
Đại diện báo Tiền Phong trao số tiền bạn đọc giúp đỡ cho hai anh em Danh - Thành với sự có mặt của ba mẹ hai em (ảnh chụp tháng 9/2009). ảnh: N.H
TP - Năm năm trước (2009), một bà mẹ nghèo tìm đến Văn phòng đại diện báo Tiền Phong (số 19 Ngô Gia Tự, Đà Nẵng) với khuôn mặt trĩu nặng lo âu khi hay tin hai đứa con sinh đôi của mình cùng lúc… đậu đại học! Và một ngày cuối tháng 6 năm nay (2014), cũng bà mẹ ấy, nhưng đến Tiền Phong với cái bắt tay mừng rỡ, mắt rưng rưng xúc động: “Hai đứa thành danh rồi!”.

Bà mẹ ấy là Nguyễn Thị Kim Liên (xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), mẹ của hai anh em sinh đôi Lê Việt Danh, Lê Việt Thành. Hai anh em là nhân vật của báo Tiền Phong trong bài “Con đậu đại học, mẹ xin giúp đỡ”, ra ngày 4/9/2009.

Năm đó, khi nhận hai tờ giấy báo trúng tuyển khoa Luật Dân sự, trường ĐH Luật TPHCM của 2 anh em, Thành tính sẵn ngày nhập học hai anh em sẽ cùng vào trong đó, nhưng chỉ để cho anh Danh nhập học, còn Thành sẽ ở lại kiếm việc làm thêm lo cho anh. Nghe con quyết, vợ chồng bà Liên thắt ruột, nhưng không biết gỡ cách nào khi nhà chỉ có hai sào ruộng đủ ăn, tài sản lớn nhất là con trâu.

Bà Liên nhớ lại: “Ngày hai đứa nhận giấy báo đậu đại học, vợ chồng tui mừng không nổi, trong đầu cứ xoáy quanh câu hỏi lấy chi cho con đi học”. Cầu cứu nội ngoại, bạn bè, tới tận cả nhà trường nhưng mọi sự giúp đỡ chỉ như muối bỏ bể. Rồi được người ta giới thiệu, bà đánh liều lặn lội xuống Đà Nẵng, trình bày với phóng viên báo Tiền Phong, nhờ kêu gọi những tấm lòng hảo tâm đỡ bước hai con tới trường.

Như một phép màu kì diệu, chỉ 5 ngày sau khi bài báo “Con đậu đại học, mẹ xin giúp đỡ” được đăng, những tấm lòng gần xa đã điện thoại về báo Tiền Phong xin được tiếp sức, số tiền lên đến trên 70 triệu đồng. “Đến bây giờ, tôi vẫn không tin là mình cầm được khoản tiền đó trong tay để lo cho hai đứa đi học”, bà Liên xúc động.

Cổng trường rộng mở đón chào Danh - Thành. Hai anh em thuê một phòng trọ gần trường, sau buổi học là chạy đi làm thêm, từ giữ xe, chạy bàn, phục vụ đám cưới… cho đến gia sư.

Đến năm thứ ba, chương trình học “nặng” hơn, không có thời gian đi làm thêm kiếm tiền nên hai anh em sống rất thiếu thốn. Thương con, vợ chồng bà Liên bỏ quê khăn gói vào làm “thợ đụng”, khi giúp việc, khi công nhân… Mãi cho đến tháng 7 năm ngoái, khi hai đứa cầm hai tấm bằng đại học về khoe, vợ chồng bà mới về quê lại.

Hiện tại, cả hai anh em đã tìm được công việc đúng chuyên ngành, sở thích. Danh làm việc tại TAND huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An, còn Thành tập sự tại một văn phòng luật sư ở tỉnh Đồng Nai, đợi kết quả thi công chức vào ngành Tòa án của tỉnh này. “Nếu không học, chắc bây giờ anh em tôi cũng đang chăn trâu, phụ hồ đâu đó. Chỉ có học mới tìm ra lối thoát khỏi cái nghèo và có tương lai”, Thành nói.

Trong số nhiều tấm lòng của bạn đọc ngày ấy giúp đỡ hai anh em Danh-Thành, riêng ông Lê Thanh Thản - Tổng GĐ Khách sạn Mường Thanh (Hà Nội), sau khi đọc bài báo, đã gửi ngay số tiền 50 triệu đồng theo đường bưu điện về địa chỉ gia đình hai em ở quê. Trước đó chỉ mấy ngày, sau khi đọc báo Tiền Phong, ông Thản cũng đã gửi 50 triệu đồng giúp em Đỗ Thị Nhung (xã Triệu Long, Triệu Phong, Quảng Trị) vào đại học.

MỚI - NÓNG
'Không thể ỷ lại, bấu víu vào bầu sữa ngân sách'
'Không thể ỷ lại, bấu víu vào bầu sữa ngân sách'
TPO - Theo tờ trình mới nhất, Chính phủ đề xuất tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 dự kiến là hơn 256.000 tỷ đồng. Chương trình được thực hiện trong 11 năm với các giai đoạn cụ thể. Nhiều chuyên gia văn hóa khẳng định ngân sách nhà nước đầu tư cho văn hóa là vô cùng cần thiết nhưng không nên bấu víu vào “bầu sữa” ngân sách.