Hai địa phương ở Bình Thuận chuyển từ vùng cam sang đỏ

0:00 / 0:00
0:00
Hai địa phương ở Bình Thuận chuyển từ vùng cam sang đỏ
TPO - Tỉnh Bình Thuận yêu cầu UBND thành phố Phan Thiết đánh giá lại những hạn chế, thiếu sót trong công tác phòng chống dịch trong thời gian qua; những khâu, những việc, những tổ chức, cá nhân làm chưa tốt; rút ra bài học kinh nghiệm để điều chỉnh cách phòng, chống dịch phù hợp với thực tiễn.

Ngày 6/11, ông Nguyễn Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, dịch COVID-19 của tỉnh này vẫn đang ở cấp độ 2. Tuy nhiên, thành phố Phan Thiết và huyện Hàm Thuận Bắc đã chuyển sang cấp độ 4 (vùng đỏ). Hiện tại, toàn tỉnh có 13 xã, phường, thị trấn thuộc vùng đỏ; 14 xã, phường, thị trấn thuộc vùng cam; 42 xã, phường, thị trấn thuộc vùng vàng; 55 xã, phường, thị trấn thuộc vùng xanh.

Tính đến sáng 6/11, tỉnh Bình Thuận ghi nhận 6.303 ca mắc COVID-19. Địa phương có số ca mắc cao nhất là thành phố Phan Thiết với 2.515 ca, thị xã La Gi có 1.997 ca, huyện Hàm Thuận Bắc với 647 ca.

Để khống chế dịch COVID-19 ở Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận yêu cầu UBND thành phố Phan Thiết đánh giá lại những hạn chế, thiếu sót trong công tác phòng chống dịch trong thời gian qua; những khâu, những việc, những tổ chức, cá nhân làm chưa tốt; rút ra bài học kinh nghiệm để điều chỉnh cách phòng, chống dịch phù hợp với thực tiễn; phải thể hiện được sự quyết tâm cao, thống nhất, xuyên suốt trong tập thể lãnh đạo thành phố và cả ở cấp cơ sở trong công tác phòng chống dịch COVID-19.

Khẩn trương khống chế các ổ dịch hiện hữu, khoanh vùng, không để lây lan ra cộng đồng và các phường xã. Các ổ dịch phát sinh mới phải khẩn trương khoanh vùng, thần tốc xét nghiệm, bóc tách được F0, quản lý chặt chẽ việc đi lại của người dân trong vùng dịch.

Đối với những phường xã thời gian qua liên tục là vùng đỏ, vùng cam thì phải khẩn trương xây dựng kế hoạch, thay đổi cách thức phòng, chống dịch để tạo sự chuyển biến, cố gắng phấn đấu chuyển sang vùng vàng, vùng xanh. Trong trường hợp dịch bệnh trên địa bàn ngày càng khó kiểm soát và tình hình xấu đi thì Chủ tịch UBND thành phố Phan Thiết phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh Bình Thuận.

Bên cạnh đó, tăng cường kiểm soát chặt chẽ vùng đỏ, lập chốt kiểm soát theo quy định để kiểm tra phương tiện, người ra vào; cần thiết thì phải lập danh sách người, phương tiện được phép ra vào; lực lượng được bố trí làm việc tại các chốt kiểm soát phải được phổ biến đầy đủ các quy định về phòng chống dịch, thực hiện nghiêm việc kiểm soát người ra vào chốt; tổ chức xét nghiệm cộng đồng theo quy định, trong đó lưu ý xét nghiệm đối với người lao động tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, nhóm người có nguy cơ cao.

Phan Thiết không được bỏ sót người cần xét nghiệm, có chế tài nghiêm đối với các đối tượng cố tình vi phạm quy định phòng chống dịch, làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Đối với việc xử lý F0 phát sinh mới, thực hiện phong tỏa hẹp tại khu vực phát sinh ca F0, tổ chức cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân; căn cứ các yếu tố dịch tễ để tính toán mở rộng khu vực phong tỏa tạm thời nhằm tiếp tục xét nghiệm triệt để, kịp thời bóc tách F0 trong khu vực phong tỏa.

Xây dựng kế hoạch xét nghiệm sàng lọc cộng đồng ở khu vực vùng đỏ, vùng cam và các ổ dịch mới phát sinh trong thời gian tới. Nội dung kế hoạch phải chi tiết từng khu vực lấy mẫu, số người, thời gian thực hiện, số lượng tổ lấy mẫu, vật tư y tế cần dùng… và có đề xuất UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan hỗ trợ những nội dung cụ thể. Đồng thời, phải chủ động bố trí lực lượng truy vết thường xuyên các ca mắc mới, ổ dịch mới, không được để bị động khi có tình huống xấu xảy ra.

MỚI - NÓNG