Một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Journal of Archaeological Science – tập san học thuật xuất bản hàng tháng về lĩnh vực khảo cổ học của Mỹ - đã hé lộ những khám phá thú vị về văn hóa tâm linh thời kỳ đồ sắt.
Theo đó, các nhà khoa học đã nghiên cứu, phân tích hai trong số 15 ngôi mộ cổ được phát hiện vào những năm 1920 ở trang trại Valsgärde, ngoại ô thành phố Uppsala, miền trung Thụy Điển.
Cụ thể, hai ngôi mộ cổ là nơi an nghỉ của hai chiến binh từ thế kỷ thứ 7. Họ được chôn trong thuyền với mũ sắt bảo hộ, khiên và vũ khí được trang trí cầu kỳ, thậm chí có cả những mảnh ghép đồ chơi. Những chiếc thuyền chở hài cốt hai chiến binh có chiều dài mỗi chiếc khoảng hơn 9m, với 4-5 cặp mái chèo.
Mũ sắt chiến binh... |
và vũ khí được trang trí cầu kỳ được tìm thấy trong mộ cổ. |
Hài cốt hai chiến binh được đặt nằm trên lớp đệm lót êm ái, được nhồi lông vũ của nhiều loại chim. Các nhà nghiên cứu tin rằng, người xưa chuẩn bị những món đồ trên với hy vọng hành trình đến cõi âm của người đã khuất được dễ dàng hơn.
Phân tích bằng kính hiển vi cho thấy, lông vũ trong đệm trải được lấy từ ngỗng, vịt, gà gô, quạ, chim sẻ, chim lội (chim đầm lầy) và cả cú đại bàng. Kỳ lạ hơn, trong một ngôi mộ, cón có một con cú đại bài Á – Âu bị cắt đầu. Xương ngựa và các động vật khác (gia súc, lợn, cừu, cú tuyết, gà gô đen, vịt, ngỗng và cá chó phương Bắc) cũng được tìm thấy gần thuyền khi chúng được chôn vào khoảng 1.400 năm trước. Ngoài ra còn có những món đồ tạo tác liên quan đến động vật, bao gồm 20 móng ngựa, một yên ngựa, bốn dây cương và 4-5 dây xích chó.
“Các chiến binh dường như được trang bị để chèo thuyền sang thế giới bên kia, đồng thời có thể lên bờ với sự hỗ trợ của những con ngựa. Chúng tôi đoán, việc lựa chọn lông vũ nhồi chăn có thể mang ý nghĩa sâu sắc, mang tính biểu tượng hơn”, Giáo sư Birgitta Berglund của Bảo tàng Đại học NTNU ở Trondheim, Na Uy cho biết.
Lông vũ dùng để làm chăn đệm cho người chết. |
Nhiều loại động vật và đồ tác tạo liên quan được chôn cùng thuyền. |
Theo văn hóa dân gian Bắc Âu, lông vũ nhồi trong bộ chăn đệm cho người sắp chết rất quan trọng. Giáo sư Berglund giải thích, người xưa tin rằng, sử dụng lông gà nhà, cú, các loại chim săn mồi, bồ câu, quạ và sóc sẽ giúp kéo dài thời gian “chiến đấu” với tử thần. “Ở một số khu vực thuộc Bán đảo Scandinavia, lông ngỗng được xem là vật phẩm tốt nhất giúp linh hồn thoát khỏi cơ thể”, ông chỉ ra.
Những loại lông mềm trong các ngôi mộ ở Valsgärde, được xác định cổ xưa nhất được tìm thấy tại vùng Bán đảo Scandinavia, cho thấy, hai chiến binh thuộc tầng lớp cao nhất của xã hội thời kỳ đồ sắt nơi đây. Ông Berglund cho hay, những người Hy Lạo và La Mã giàu có đã nằm giường từ vai trăm năm trước đó, nhưng người giàu ở châu Âu có lẽ không sử dụng rộng rãi cho đến thời Trung cổ.
Ông Berglund tin rằng, con cú bị chặt đầu có ý nghĩa liên quan đến nghi lễ chôn cất. Theo các nhà nghiên cứu, việc nuôi các loài chim săn mồi như cú đại bàng từ lâu đã trở thành biểu tượng cho địa vị. “Có thể đầu của những con cú bị chặt để ngăn nó quay trở lại”, vị giáo sư liên hệ đến những thanh kiếm bị uốn cong trước lăng mộ từ thời Viking để ngăn người chết sử dụng vũ khí nếu họ quay về từ cõi chết.
Các chiến binh đã chết được trang bị kỹ lưỡng cho hành trình sang thế giới bên kia. |
Valsgärde bắt đầu được khai quật từ năm 1928 do các nhà khảo cổ từ Bảo tàng Đại học Uppsala ngày nay thực hiện. Tại đây phát hiện hơn 90 ngôi mộ từ thời kỳ đồ sắt, trong đó có 15 ngôi mộ của các chiến binh được chôn cất bằng hình thức thuyền táng từ cuối thời kỳ đồ sắt (570–1030 sau Công nguyên).
Hai ngôi mộ là trọng tâm của nghiên cứu mới có tên gọi là Valsgärde 7 và 8, đều có niên đại vào thế kỷ thứ 7. Theo Giáo sư Berglund, Valsgärde 7 được khai quật vào năm 1933, trong khi Valsgärde 8 được khai quật vào năm 1936.
Bên cạnh tiết lộ về nghi lễ chôn cất người chết thời kỳ đồ sắt, nghiên cứu mới còn để xác định lông vũ làm chăn đệm cho các chiến binh được nhập khẩu hay lấy từ các loại chim địa phương. Nếu là lông vũ nhập khẩu, đây sẽ mở ra giả thiết về một con đường thương mại lịch sử nào đó.
Đồng tác giả nghiên cứu, nhà sinh vật học Jørgen Rosvold, đến từ Viện Lịch sử Tự nhiên Na Uy (NINA), cho biết, làm ra vật liệu lông vũ rất tốn thời gian và đầy thử thách vì nhiều lý do. “Tôi vẫn ngạc nhiên về việc những chiếc lông vũ được bảo quản tốt bất chấp thực tế là chúng đã nằm dưới đất hơn 1.000 năm”, ông nói.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, lông vũ được lấy từ các loại chim khác nhau ở địa phương, không phải qua con đường nhập khẩu. “Những chiếc lông vũ cung cấp những quan điểm mới về mối quan hệ giữa con người và loài chim trong quá khứ. Các cuộc khai quật khảo cổ hiếm khi tìm thấy dấu vết của các loài chim ngoài những con được sử dụng làm thực phẩm”, ông Berglund kết luận.