Hà Nội vận hành hệ thống thông tin dùng chung: Kết nối nhanh, cắt giảm phiền hà

0:00 / 0:00
0:00
TP - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu thường xuyên kiểm điểm, đôn đốc, đánh giá tình hình giải quyết các thủ tục hành chính, thực hiện các nhiệm vụ mà thành phố giao qua hệ thống, ứng dụng dùng chung, coi đây là một trong tiêu chí để đánh giá thi đua khen thưởng và quy hoạch, bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển cán bộ. “Chúng ta phải làm một phần mềm thực sự sống, chứ không phải xây ra để đấy”, ông Thanh nhấn mạnh.
Hà Nội vận hành hệ thống thông tin dùng chung: Kết nối nhanh, cắt giảm phiền hà ảnh 1
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh và các đại biểu khai trương ứng dụng dùng chung của thành phố. Ảnh: PV

Ngày 9/2, thành phố Hà Nội khai trương 4 hệ thống thông tin, ứng dụng quan trọng, cốt lõi, gồm: Hệ thống thông tin báo cáo thành phố; Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tập trung; Kênh tiếp nhận phản ánh kiến nghị của người dân và doanh nghiệp qua ứng dụng Zalo; Ứng dụng quản lý cuộc họp tại UBND thành phố. Đây được coi là tiền đề hình thành chính quyền số trong lộ trình thực hiện chiến lược xây dựng Chính phủ điện tử của thành phố.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, hệ thống thông tin, ứng dụng dùng chung của thành phố sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực để công tác chỉ đạo, điều hành của hệ thống chính quyền thành phố được kịp thời, thống nhất, xuyên suốt; đảm bảo công khai, minh bạch, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ hiệu quả dựa trên cơ sở dữ liệu và công nghệ số. Đặc biệt, hệ thống này sẽ đảm bảo tính đồng bộ, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan đơn vị; khắc phục tình trạng mỗi cơ quan, đơn vị triển khai xây dựng một hệ thống riêng, thiếu sự kết nối, chia sẻ dữ liệu; gây lãng phí thời gian, chi phí đầu tư và vận hành hệ thống; là nền tảng cốt lõi để xây dựng nền hành chính thủ đô hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, hiệu quả, lấy người dân làm trung tâm phục vụ…

Ông Thanh giao Văn phòng UBND thành phố thực hiện tốt công tác quản lý, vận hành các hệ thống; chủ động phối hợp với Sở Nội vụ Hà Nội thường xuyên kiểm điểm, đôn đốc, đánh giá tình hình giải quyết các thủ tục hành chính, thực hiện nhiệm vụ mà thành phố giao, coi đây là một trong những tiêu chí để đánh giá thi đua khen thưởng và quy hoạch, bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển cán bộ. “Chúng ta phải làm một phần mềm thực sự sống, chứ không phải xây ra để đấy”, ông Thanh nhấn mạnh.

Nắm bắt các vấn đề dân sinh

Sau khi UBND thành phố Hà Nội ra mắt kênh tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp về quy định hành chính qua ứng dụng Zalo, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận đã yêu cầu Phòng VH&TT huyện chủ trì, phối hợp với các phòng, ban, ngành thuộc huyện, UBND xã, thị trấn triển khai thực hiện trên địa bàn. Cụ thể, huyện yêu cầu tổ chức công tác thông tin, truyền thông, hướng dẫn người dân thực hiện những nội dung phản ánh kiến nghị qua ứng dụng Zalo; chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị thực hiện việc tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị về quy định hành chính được gửi đến thuộc thẩm quyền xử lý của đơn vị theo quy định.

Ông Thuận giao Văn phòng HĐND&UBND huyện chỉ đạo cán bộ làm công tác kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn huyện đảm bảo công tác tiếp nhận, giải quyết thông tin phản ánh kiến nghị của người dân được gửi từ ứng dụng Zalo nhanh chóng, kịp thời; tổng hợp khó khăn, vướng mắc của các cơ quan, đơn vị trong quá trình khai thác sử dụng, báo cáo UBND thành phố để kịp thời điều chỉnh, bổ sung, nâng cấp. Đại diện lãnh đạo UBND huyện Hoài Đức cũng cho biết, huyện đã xây dựng trang Facebook mang tên: “Tin tức Hoài Đức online”. Đến nay, trang này đã có hơn 100.000 lượt theo dõi, có tính tương tác cao hỗ trợ thông tin giữa người dân và chính quyền địa phương. Ngoài ra, huyện đã công khai số điện thoại của lãnh đạo huyện để người dân có thể trực tiếp gọi điện phản ánh.

Bà Lê Ngọc Hân, Chánh văn phòng HĐND và UBND quận Đống Đa cho biết, trước khi thành phố mở kênh tiếp nhận phản ánh của người dân qua Zalo, quận Đống Đa đã mở kênh Zalo để thực hiện nhiệm vụ này. Cụ thể, từ năm 2020 quận đã vận hành chính thức kênh Zalo Official Account với tên: UBND quận Đống Đa, do Văn phòng HĐND & UBND quận quản lý, vận hành. Ngoài ra, quận còn có trang Facebook: “Đống Đa xưa và nay” do Ban Tuyên giáo quận Đống Đa vận hành, ngoài việc tiếp nhận thông tin từ người dân, doanh nghiệp, còn là kênh để tuyên truyền, quảng bá những nét đẹp của quận. Theo bà Hân, sau hơn 2 năm vận hành kênh Zalo và Facebook, rất nhiều ý kiến của người dân đã được xử lý kịp thời. “Sau khi nhận thông tin, Văn phòng sẽ chuyển về cho các phòng chức năng thuộc quận để xử lý theo thẩm quyền. Sau đó văn phòng sẽ phản hồi với người dân. Đây là một kênh rất hiệu quả để nắm bắt các vấn đề dân sinh trên địa bàn”, bà Hân nhận định.

Đối với kênh thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính của người dân, doanh nghiệp trên ứng dụng Zalo, thành phố chủ trương đưa “kênh tiếp nhận” này tới hơn 7 triệu tài khoản Zalo của người dân Thủ đô biết và khai thác sử dụng, triển khai chính thức từ ngày 10/2.

Đại diện một số phường thuộc quận Hoàn Kiếm đánh giá cao về trang Zalo tiếp nhận phản ánh kiến nghị của thành phố Hà Nội. Ngay khi kênh Zalo “Phản ánh kiến nghị thành phố Hà Nội” đi vào vận hành, các phường đã thông báo kênh chính thức này cho người dân thông qua các nhóm Zalo của cụm dân cư, tổ dân phố.

MỚI - NÓNG