Hà Nội và những lần 'bẻ lái' về giấy đi đường

0:00 / 0:00
0:00
Hà Nội và những lần 'bẻ lái' về giấy đi đường
TPO - Từ  ngày 24/7, Hà Nội áp dụng Chỉ thị 16, giãn cách toàn xã hội để phòng, chống dịch COVID-19. Một vấn đề đặt ra trong những ngày giãn cách xã hội là quản lý, hạn chế người dân ra đường. Giấy đi đường ở Hà Nội xuất hiện từ đó...

Mỗi nơi một kiểu giấy đi đường

Ngày 23/7, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ký ban hành Chỉ thị 17, thực hiện giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ từ 6h ngày 24/7. Thời gian thực hiện trong vòng 15 ngày, theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình; khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện; thành phố cách ly với tỉnh; cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch theo quy định…

Người dân được yêu cầu ở nhà, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết. như: mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, khám chữa bệnh, tiêm chủng và các trường hợp khẩn cấp khác; đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động.

Hà Nội và những lần 'bẻ lái' về giấy đi đường ảnh 1

Thời điểm thực hiện giãn cách đợt 1, nhiều địa phương tự thiết kế mẫu, cấp giấy ra đường cho người dân

Ngay sau khi thành phố thực hiện Chỉ thị 16, một số nơi ở Hà Nội thực hiện việc phát hành thẻ ra ngoài, thẻ đi chợ cho người dân trong thời gian giãn cách xã hội. Nhiều cơ quan, đơn vị tự xây dựng mẫu giấy đi đường cho cán bộ, công nhân viên… Trong thông báo kết luận tại cuộc họp diễn ra ngày 27/7, Thường trực Thành uỷ giao thành phố thống nhất mẫu giấy tờ, quy trình kiểm soát việc di chuyển của lực lượng công vụ, y tế, công nhân, lao động hiện đang sinh sống tại các khu vực ven thành phố, rút ngắn thời gian khai báo để di chuyển vào thành phố làm việc.

Thống nhất mẫu giấy đi đường

Sau đó, UBND thành phố Hà Nội ban hành văn bản số 2434 về việc thống nhất mẫu giấy tờ sử dụng cho một số đối tượng đủ điều kiện lưu thông trên địa bàn thành phố trong thời gian giãn cách xã hội. Mẫu gồm thông tin về ngày tháng năm sinh, số chứng minh thư hoặc căn cước công dân, số điện thoại, địa chỉ thường trú, nơi làm việc, mục đích tham gia giao thông… và phải có xác nhận của UBND xã hoặc xác nhận của cơ quan, đơn vị.

Hà Nội và những lần 'bẻ lái' về giấy đi đường ảnh 2

Mẫu giấy đi đường của UBND thành phố Hà Nội

Ngày 3/8, theo thông báo Kết luận của Thường trực thành ủy, yêu cầu toàn địa bàn thành phố tiếp tục tổ chức thực hiện việc giãn cách xã hội thực chất; siết chặt quản lý, giám sát việc đi lại của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân theo quy định phòng, chống dịch COVID-19 ngay từ gia đình, ngõ, phố, thôn, xóm, khu chung cư, tòa nhà, cơ quan, đơn vị... Các cấp, ngành, quận, huyện, thị xã thực hiện cấp giấy phục vụ đi lại của người dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bảo đảm đúng quy định.

Xếp hàng xin, chờ phê duyệt giấy đi đường; kiểm tra lịch trực, văn bản phân công nhiệm vụ

Ngày 7/8, quận Hai Bà Trưng có văn bản 1338 về việc tăng cường kiểm soát người tham gia giao thông trong thời gian giãn cách xã hội. Theo đó, quận yêu cầu tất cả các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, đoàn thể trên địa bàn quận gửi hồ sơ về các phường để được xem xét, phê duyệt giấy đi đường của từng cá nhân đảm bảo đúng đối tượng được làm việc. Hình thức phê duyệt là ký xác nhận, đóng dấu vào góc dưới bên trái giấy đi đường. Trả giấy đi đường đến đơn vị ngay trong ngày.

Hà Nội và những lần 'bẻ lái' về giấy đi đường ảnh 3

Nhiều người dân đến UBND phường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) để xin xác nhận giấy đi đường. Ảnh: Trường Phong

Sau đó, ngày 8/8, UBND quận Hai Bà Trưng đã ban hành văn bản 1342, thực hiện theo Công văn 2562 của UBND thành phố, quyết định các cơ quan, đơn vị đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội T.Ư trên địa bàn quận và các cơ quan, tổ chức, đơn vị, đoàn thể thuộc thành phố trên địa bàn quận được sử dụng giấy đi đường do đơn vị cấp (không phải xác nhận của UBND phường) nhưng phải kèm theo Căn cước công dân/Chứng minh thư nhân dân, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ.

Trước đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền là người ký ban hành văn bản 2562 của UBND thành phố về việc siết chặt việc cấp và sử dụng giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội phòng chống dịch COVID-19.

Theo văn bản của thành phố Hà Nội, người được phép ra đường trong thời gian giãn cách xã hội, ngoài mẫu giấy đi đường đã được ban hành theo mẫu của thành phố, phải xuất trình kèm theo: Căn cước công dân/Chứng minh thư nhân dân, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

Chính vì vậy, trong ngày 9/8, hàng nghìn người dân kéo đến UBND các phường trên địa bàn để xin xác nhận, gây ùn ứ, nhiều người phải chạy đi chạy lại vài lần, bởi hồ sơ xin xác nhận không đủ theo yêu cầu của chính quyền địa phương. Việc triển khai kiểm tra, nhắc nhở sử dụng giấy đi đường kèm theo lịch trực, văn bản phân công nhiệm vụ khiến nhiều khu vực bị ùn tắc giao thông, tập trung đông người, ảnh hưởng đến mục đích phòng, chống dịch bệnh.

Hà Nội và những lần 'bẻ lái' về giấy đi đường ảnh 4

Giấy đi đường có xác nhận của chính quyền phường Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng). Ảnh: Trường Phong

Sau khi dư luận báo chí, mạng xã hội phản ánh việc kiểm tra giấy đi đường kèm lịch trực, văn bản phân công nhiệm vụ… gây ùn tắc giao thông, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh, gây khó khăn cho người dân, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền có trao đổi trên báo chí, yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã; phường, xã, thị trấn chỉ đạo có kế hoạch, hướng dẫn kiểm tra, kiểm soát giấy đi đường từ các chốt ở thôn, xóm, tổ dân phố; bảo đảm thống nhất đúng nội dung văn bản số 2562, nghĩa là cùng với Giấy đi đường, người đi đường phải xuất trình kèm theo: Căn cước công dân/chứng minh thư nhân dân, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

Huỷ bỏ việc phê duyệt Giấy đi đường, không kiểm tra lịch trực, văn bản phân công nhiệm vụ

Tuy nhiên, đến sáng 10/8, UBND thành phố Hà Nội lại có văn bản về việc triển khai các chỉ đạo của UBND thành phố tại Công văn số 2562, cho biết, sau khi ban hành, một số nội dung tại văn bản 2562 chưa được các cơ quan, đơn vị thống nhất cách hiểu dẫn đến còn lúng túng trong triển khai thực hiện, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, doanh nghiệp cũng như yêu cầu phòng chống dịch bệnh.

Hà Nội và những lần 'bẻ lái' về giấy đi đường ảnh 5

Việc chốt trực rà soát, kiểm tra, nhắc nhở thực hiện quy định mới về giấy đi đường khiến nhiều khu vực bị ùn ứ giao thông

Văn bản cho biết, trên cơ sở thực tiễn triển khai tại các địa bàn và tiếp thu ý kiến phản hồi từ người dân, cộng đồng doanh nghiệp và qua phản ánh của các cơ quan truyền thông, UBND thành phố đã làm rõ và yêu cầu thực hiện việc cấp và sử dụng giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội theo Công điện số 18 của Chủ tịch UBND thành phố.

Cụ thể, người đi đường chỉ phải xuất trình giấy tờ tùy thân (Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu) kèm theo Giấy đi đường theo mẫu. Đối với các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội T.Ư trên địa bàn thành phố; Cơ quan ngoại giao, Tổ chức quốc tế trên địa bàn thành phố; các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội thuộc thành phố, người đứng đầu đơn vị cấp giấy đi đường và chịu trách nhiệm đảm bảo các yêu cầu, quy định về phòng chống dịch. Thành phố cũng yêu cầu UBND cấp quận, huyện, cấp phường, xã không được quy định phát sinh thêm các thủ tục, giấy tờ gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân.

Giấy đi đường mới, do công an cấp, có nhận diện

Trước tình trạng phát sinh nhiều ca mắc trong cộng đồng, số lượng người dân vẫn ra đường nhiều, cuối tháng 8/2021, UBND thành phố ban hành Văn bản số 2801 về việc triển khai các nhiệm vụ tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố, giao Công an thành phố chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường kiểm soát việc đi lại của người dân theo đúng quy định về giãn cách xã hội, kiểm soát chặt chẽ việc cấp và sử dụng giấy đi đường.

Trong đó nghiên cứu, tham mưu UBND thành phố quy định rõ đối với từng loại hình trên nguyên tắc thực hiện theo đúng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ; có các quy định, phương án cụ thể và chủ trì tổ chức triển khai thực hiện nhằm bảo đảm việc chấp hành nghiêm giãn cách xã hội của tổ chức, cá nhân; kiểm soát hiệu quả việc di chuyển của người dân (khung giờ, đối tượng được di chuyển...); hướng dẫn các cơ quan, đơn vị xác định các dấu hiệu nhận diện đối với cán bộ, công chức, người lao động của cơ quan, đơn vị, tổ chức khi tham gia lưu thông...

Đến đầu tháng 9, Công an thành phố Hà Nội có văn bản gửi các địa phương trên địa bàn thành phố về việc chuẩn bị các điều kiện cần, sẵn sàng phối hợp với công an thành phố trong triển khai phần mềm cấp và kiểm tra giấy đi đường có nhận diện.

Chiều 3/9, tại cuộc họp thông tin về các giải pháp phòng chống dịch COVID-19 của thành phố do Thành uỷ, UBND thành phố Hà Nội tổ chức – thông báo về việc phân 3 vùng để phòng, chống dịch, Giám đốc Công an thành phố Nguyễn Hải Trung cho biết công an thành phố Hà Nội được phân chức năng cấp phát, quản lý, kiểm tra, kiểm soát xử lý về cấp giấy đi đường cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố. Có 6 nhóm đối tượng dự kiến được cấp giấy đi đường. Tuỳ theo phân nhóm, thẩm quyền cấp giấy đi đường này thuộc công an thành phố; công an phường, xã, thị trấn…với vai trò hạt nhân là cảnh sát khu vực, công an xã, phường, thị trấn…

Ùn ứ, quá tải

Ngày 5/9, Công an thành phố ra văn bản hướng dẫn, phân cấp cụ thể về thẩm quyền cấp giấy đi đường. Có 6 nhóm thuộc diện được cấp giấy, tuỳ theo nhóm, thẩm quyền cấp giấy được quy định rõ. Đáng chú ý, nhóm cán bộ, công chức, công vụ làm việc tại các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính quyền, MTTQ, đoàn thể, chính trị xã hội đóng trên địa bàn thành phố (bao gồm cả các cơ quan trực thuộc và tương đương); cán bộ, người lao động làm việc tại các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, thẩm quyền cấp giấy đi đường được điều chỉnh như cũ, do Thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm duyệt, cấp theo đúng đối tượng quy định tại Chỉ thị số 16.

Hà Nội và những lần 'bẻ lái' về giấy đi đường ảnh 6

Ngay sau khi có thông tin, nhiều doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân đã liên hệ với công an thành phố, công an xã, phường, thị trấn để làm giấy đi đường, nhưng xuất hiện nhiều khó khăn, vướng mắc như phải bổ sung thủ tục, giấy tờ, hồ sơ cần thiết; không rõ phân nhóm; không đúng thẩm quyền cấp…Nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này, đặc biệt trên báo chí và mạng xã hội.

Trước việc không thể kịp cấp toàn bộ giấy đi đường mới theo quy định, thành phố Hà Nội ra thông báo, trong hai ngày 6 và 7/9, các lực lượng chức năng sẽ chỉ tiến hành kiểm tra xác suất ở các điểm chốt, nhắc nhở người dân, mà chưa xử phạt nếu người đi đường chưa có giấy đi đường theo quy định mới. Nhiều doanh nghiệp chạy đôn chạy đáo vài ngày cũng chưa xin được giấy đi đường mới vì không rõ phân nhóm, đơn vị nào có thẩm quyền cấp giấy.

Tối 5/9, thông tin tại cuộc họp Giao ban Sở Chỉ huy thành phố Hà Nội với các quận, huyện, thị xã, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, biện pháp cấp giấy đi đường là vấn đề mới, việc khó, chưa từng có tiền lệ, quan điểm mục tiêu quản lý vùng 1 thực chất hơn, giảm lượng người ra đường, tuy nhiên thành phố cũng xác định làm quyết liệt nhưng không cầu toàn.

Để chuẩn bị chu đáo cho công tác cấp giấy đi đường theo quy trình mới và tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp, trong hai ngày 6 và 7/9, các lực lượng chức năng của thành phố chỉ kiểm tra nhắc nhở, xử phạt đối với những trường hợp ra đường không có lý do chính đáng.

Trong ngày 6/9, hình ảnh hàng nghìn phương tiện ùn ứ ở các chốt kiểm soát đi vào vùng 1, khiến dư luận bức xúc.

Lại được dùng giấy đi đường cũ

Sáng ngày 7/9, Công an thành phố phát đi thông báo, bắt đầu từ 6h00’ ngày 8/9, các chốt kiểm soát của thành phố sẽ kiểm soát người và phương tiện ra, vào thành phố, ra vào vùng 1 theo giấy đi đường mới.

Trong khi đó, báo chí phản ánh, nhiều doanh nghiệp chưa xin được giấy đi đường mới, thậm chí có doanh nghiệp phải tạm đóng cửa, phải cho nhân viên nghỉ việc, dây chuyền ngừng sản xuất. Hồ sơ chờ xin cấp giấy đi đường ùn ứ tại một số cơ quan liên quan đến thẩm định hồ sơ cấp giấy đi đường.

Đến cuối ngày 7/9, trao đổi về tình hình những ngày đầu tổ chức phân vùng phòng, chống dịch COVID-19, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, việc thực hiện phương án phân 3 vùng từ ngày 6/9 nhằm đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thủ đô trong tình hình mới, để kiểm soát, tầm soát y tế, vừa bảo đảm tiếp tục thực hiện triệt để biện pháp giãn cách xã hội ở “vùng đỏ”, vừa tạo điều kiện phục hồi sản xuất, kinh doanh, chăm lo sinh kế, bảo đảm an sinh xã hội ở “vùng cam” và “vùng xanh”.

Ông Dũng khẳng định, để việc cấp và kiểm tra giấy đi đường góp phần tích cực thực hiện giãn cách ở Vùng 1, Ban Thường vụ Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc, cầu thị các ý kiến để điều chỉnh phù hợp với thực tiễn, bảo đảm hiệu quả phòng, chống dịch và an toàn của người dân.

Trước mắt, tiếp tục sử dụng giấy đi đường đã cấp và cấp giấy mới kết hợp nhập vào dữ liệu dân cư, điều chỉnh đến hiệu quả thực tiễn thì mới nhập hai loại giấy thành một; chỉ phạt người ra đường không thuộc các trường hợp theo quy định của Chỉ thị số 16; tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn người dân tự giác chấp hành.

Người dân được cấp giấy đi đường được phép đi xuyên vùng, nhưng phải đúng điểm đến. Cấp ủy, chính quyền các địa phương toàn thành phố chỉ đạo tổ chức kiểm tra từ ngõ, phố, kết hợp với lực lượng nhân dân, tuần tra kiểm soát của các tổ lưu động, tăng cường hậu kiểm để hạn chế lượng người ra đường.

Các địa phương lập các tổ liên ngành kiểm tra phương án an toàn tại tổ chức, doanh nghiệp. Những sai phạm (nếu có) cần được công khai để phê bình, nhắc nhở đi kèm với chế tài nghiêm khắc.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.