Hà Nội và người nhập cư

TPO - Chiều qua, tôi gọi chị lao động cùng quê đến dọn nhà. Đầu dây bên kia là tiếng ồn ào. Mãi thì tôi cũng luận được là chị đang bắt xe về quê. Có đôi chút bực bội khi tôi nghĩ, lao động tự do mà cũng nghỉ Tết Tây. Gọi vài cú điện thoại khác cũng đều nhận được câu trả lời từ rất xa: Họ đều về quê rồi.

Tôi sinh ra ở Hà Nội. Hơn 40 năm tôi chứng kiến nhiều người di cư vào Hà Nội. Với tôi, việc tiếp xúc với những người ngoại tỉnh chỉ bắt đầu từ khi học Đại học. Học xong đại học, tôi trở thành thành viên của nhiều nhóm bạn ngoại tỉnh. Hầu như không ai nghĩ tôi là người Hà Nội. Tôi cũng như họ, cùng làm việc, cùng vui chơi, cùng tận hưởng những gì mà cuộc sống thành đô cho phép.

Hiện tượng di dân từ nông thôn ra thành thị, theo các nhà nghiên cứu thì thường liên quan đến những lý do kinh tế và điều kiện sống. Tại những đô thị như Hà Nội, TPHCM cơ hội việc làm hay cơ hội đổi đời cao hơn, tiền lương, thu nhập cao hơn. Còn ở quê, những người lao động phải đối mặt với những áp lực thiếu đất canh tác, không có việc làm ổn định, thu nhập thấp. Một điều hấp dẫn của đô thị là chất lượng cuộc sống, chất lượng các dịch vụ cơ bản như giáo dục, y tế… hay đơn giản chỉ là những ánh đèn lấp lánh vào đêm.

Theo một thống kê, tính đến ngày 1/7/2016, có 7,38 triệu nhân khẩu sống tại Thủ đô, trong đó có gần 70.000 hộ và 720.000 nhân khẩu tỉnh ngoài tạm trú. Tính trung bình mỗi năm, dân số thành phố Hà Nội tăng khoảng hơn 200.000 người, trong đó có tới hơn 1/3 là dân ngoại tỉnh nhập cư về Thủ đô.

Một báo cáo thống kê của Bộ Xây dựng mà báo chí đưa ra vào năm 2014 cũng cho biết, đầu năm 2014 ghi nhận lượng khách hàng ngoại tỉnh đổ về Hà Nội để mua nhà tăng đáng kể và chiếm khoảng 50%. Còn theo các chuyên gia bất động sản, số lượng người ngoại tỉnh có nhu cầu sở hữu nhà tại Hà Nội vẫn luôn rất lớn.

Đó có thể chỉ là những con số thống kê chính thức và chỉ tính đến những người ngoại tỉnh có tiền mua nhà chung cư và chưa thể bao gồm những lao động tự do như chị dọn nhà tôi quen. Nhưng dù thế thì theo Viện Dân số và các vấn đề xã hội, đến năm 2050, dân số Hà Nội có thể tăng gấp đôi, lên tới 14 triệu người.

Di dân không phải hiện tượng chỉ có tại Việt Nam. Tại Anh năm 2011, 36,7% dân số London sinh ra ở nước ngoài, trong đó 24,25% là người sinh ra ngoài châu Âu. London là thành phố có số người định cư sinh ra ở nước ngoài nhiều nhất thế giới. Cơ quan thống kê của Anh, 2/2017, London có 3,2 triệu người sinh ra ở nước ngoài (tính đến 2015) trong khi London có 8,6 triệu dân. Một dự đoán được đưa ra trước Brexit, vào năm 2030, số người ngoại tỉnh (foreign born) ở London sẽ tăng lên 5 triệu người.

Đó có lẽ là vấn đề toàn cầu, người từ các tỉnh di cư lên thành phố, từ nước nghèo đói, chiến tranh muốn đến các nước phát triển. Áp lực của các dòng di dân lên các thành phố ngày càng lớn. Thành phố không thể nở ra theo chiều ngang mà phải vươn lên theo chiều thẳng đứng để tiếp nhận thêm những người di cư. Ngày càng nhiều tòa nhà cao tầng mọc lên ở Hà Nội tại Linh Đàm, xung quanh đường Tố Hữu… Hậu quả là tắc đường tỉ lệ thuận với sự xuất hiện của các khu chung cư. Cùng với đó là quá tải các dịch vụ công ích, y tế, giáo dục…

Theo một bài báo khoa học công bố trên website Viện quốc gia về Sức khỏe Mỹ, năm 2009, Việt Nam có 3,4 triệu người di cư liên tỉnh và những người di cư liên tỉnh có độ tuổi trung bình trẻ nhất: 24 tuổi đối với nam và 23 đối với nữ. Tôi đoan chắc phần lớn trong số này như các bạn tôi, là những người học xong Đại học, Cao đẳng và ở lại thành phố sinh sống, làm việc. Cũng như chịu đựng những áp lực lớn của việc "sống tha hương".

Nhưng những rào cản mà các chính quyền đô thị đưa ra như hộ khẩu, sổ đỏ… không thể ngăn được dòng người di dân vẫn lặng lẽ hay ồn ào đổ về các thành phố. Họ, bằng những cách khác nhau, đã có những đóng góp tích cực cho nơi họ sinh sống trên mọi lĩnh vực dù chưa có thống kê nào đưa ra con số chính xác.

Thực ra, có lẽ rào cản lớn nhất là lối suy nghĩ của những người tự coi là "Hà Nội gốc". Cách phân biệt "người nhà quê", "người Hà Nội" điển hình cho lối suy nghĩ đó. Hà Nội thành hình nhờ sự đóng góp của những người đã, đang và sẽ sống ở đây. Giống như nước Mỹ. Giống như các đô thị lớn trên thế giới.

Có lẽ, chúng ta chỉ nhớ đến những người lao động ngoại tỉnh mỗi dịp lễ Tết khi họ trở về nhà và chúng ta không thể tự đảm đương nổi những công việc mặc định dành cho họ.

Bởi vậy, họ, những người nhập cư cũng chính là một phần của Hà Nội hôm nay. Và tôi hoan nghênh việc dỡ bỏ những rào cản như hộ khẩu đối với người nhập cư. Có thể tôi hay con tôi sẽ khó khăn hơn khi thi vào lớp 6, thi công chức… Nhưng có hề gì, khi chúng ta là những công dân toàn cầu trong một thế giới phẳng!

MỚI - NÓNG