Hà Nội và cuộc 'đại phẫu' bộ máy

Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp để đại phẫu bộ máy, xây dựng chính quyền đô thị.
Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp để đại phẫu bộ máy, xây dựng chính quyền đô thị.
TP - Nhiều biện pháp đang được Hà Nội áp dụng để “đại phẫu” bộ máy, nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động, chất lượng phục vụ nhân dân...

Kinh nghiệm từ nhất thể hóa

Là Bí thư kiêm Chủ tịch UBND phường Quang Trung, phường duy nhất ở quận Đống Đa (Hà Nội) có lãnh đạo kiêm nhiệm hai chức danh - ông Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ, qua 4 năm triển khai, đây là mô hình tốt nhất vì phát huy được vai trò, trách nhiệm của cá nhân lãnh đạo.

Cụ thể, Bí thư cấp ủy lãnh đạo theo hình thức tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, đại diện thực hiện nghị quyết, kết luận của Ban chấp hành, còn Chủ tịch UBND phường, mặc dù cũng theo cơ chế tập thể lãnh đạo, là người thay mặt cho UBND nhưng trong thực tế gần như là thủ trưởng.

“Bí thư kiêm Chủ tịch UBND, vậy phải điều hòa như nào để cơ chế vừa là lãnh đạo theo tập thể, vừa là thủ trưởng. Vấn đề này rất khó khăn, bởi nếu thiên về cơ chế thủ trưởng sẽ nảy sinh tình trạng độc đoán, gia trưởng, quan liêu. Còn nếu thiên về mô hình theo Bí thư, cơ chế tập thể lãnh đạo thì dẫn đến hệ quả là bị chậm trong triển khai hoạt động”, ông Tuấn nói.

Ông Tuấn phân tích, khi là Bí thư kiêm Chủ tịch UBND, người đó phải chịu trách nhiệm toàn bộ hoạt động của địa phương, không được đổ trách nhiệm được cho ai khác.

“Trước thì bí thư có thể nói chỉ đạo rồi nhưng chủ tịch không thực hiện và chủ tịch lại nói là chưa có chỉ đạo của cấp ủy nên chưa thực hiện. Nhưng bây giờ vừa là cấp ủy, vừa là người tham mưu để trình lên cấp ủy, định hướng cho cấp ủy thảo luận, trao đổi và sau đó lại là người thực hiện nên không đổ được cho ai cả”, ông Tuấn nói. Cũng vì thế, theo ông Tuấn, việc nhất thể hóa chức danh sẽ giúp người lãnh đạo ý thức được trách nhiệm công việc tốt hơn.

Theo ông Tuấn, Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện quy định nhiệm vụ với chính quyền cấp phường rất lớn, gần như “một Chính phủ và Quốc hội thu nhỏ”. Ông Tuấn cũng cho rằng, nên xem xét nghiên cứu ý tưởng chuyển thành ban đại diện hành chính ở cấp phường.

“Khi đó cấp phường không còn chức năng quản lý nhà nước mà chỉ còn chức năng đại diện cho ủy ban hành chính cấp trên thực hiện nhiệm vụ lo cho người dân ở dưới địa phương. Nếu chỉ là ban đại diện hành chính của cấp quận thì chức năng nhiệm vụ của cấp phường đương nhiên sẽ ít đi rất nhiều, hiệu quả công tác phục vụ của người dân sẽ cao hơn”, ông Tuấn kiến nghị.

 Khác biệt từ chính quyền đô thị

Nhất thể hóa một số chức danh đang là một trong nhiều biện pháp để Hà Nội nghiên cứu phương án tổ chức xây dựng chính quyền đô thị. Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Đức Bảo, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội cho biết, ở cấp cơ sở hiện nay có 18 chức danh kiêm nhiệm hưởng chế độ phụ cấp, nhưng có những bất cập như công việc không nhiều, phụ cấp ít dẫn đến chất lượng công việc không cao.

“Chủ trương của Hội nghị T.Ư 6 là sẽ khoán việc. 18 việc ở cơ sở không thay đổi nhưng một người làm ba bốn việc có được không? Đương nhiên ba bốn chế độ phụ cấp một tháng có thể được vài triệu chứ bây giờ phụ cấp không đủ sống”, ông Bảo nói.

Ông Bảo cũng cho biết, thành phố khuyến khích các địa phương nhận khoán và chịu trách nhiệm, trên một cơ số kinh phí sử dụng bộ máy vừa hiệu quả mà công việc vẫn tốt. “Đây là một trong những nội dung đưa vào đề án chính quyền đô thị để tinh giản bộ máy”, ông Bảo nói.

Ông Bảo cho biết, tính đến thời điểm này, tại Hà Nội đã có một số đơn vị quận, huyện chuẩn bị đề án triển khai mô hình Trưởng ban Dân vận kiêm Chủ tịch Ủy ban MTTQ, Trưởng Ban Tuyên giáo kiêm Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện…

Trong tháng 6/2018, Ban Tổ chức Thành ủy sẽ trình Ban Thường vụ Thành ủy quyết định 1 đề án về tiêu chí, tiêu chuẩn và chức năng, nhiệm vụ của các vị trí nhất thể hoá.

“Đây là cơ sở rất quan trọng. Ví dụ Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Dân vận kiêm Chủ tịch MTTQ, Trưởng Ban Tuyên giáo kiêm Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị, Trưởng Phòng Nội vụ kiêm Trưởng Ban Tổ chức, Chánh Thanh tra kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra và có cơ quan đại diện của Mặt trận ở các tổ chức đoàn thể….”, ông Vũ Đức Bảo nói.

Vẫn theo Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội, đây là đề án rất lớn nên Ban Tổ chức sẽ trình Ban Thường vụ Thành ủy quyết định, từ đó làm cơ sở để các quận, huyện, cơ sở đối chiếu để bố trí thực hiện ở địa phương, nơi nào có điều kiện thì làm.

MỚI - NÓNG