Bên lề Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 diễn ra sáng 28/12, tại điểm cầu Hà Nội, Cục trưởng Cục Thuế thành phố Hà Nội Mai Sơn đã trả lời báo chí về thu ngân sách trên địa bàn Thủ đô năm 2020 và định hướng năm 2021.
Xin ông cho biết kết quả thu ngân sách nhà nước của thành phố Hà Nội trong năm 2020?
Về thu ngân sách, qua đánh giá của chúng tôi có thời điểm dự báo hụt thu rất lớn. Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 11/2020 có khoảng 14 quận, huyện, thị xã hoàn thành thu ngân sách. Đến lúc này gần như 30 quận, huyện, thị xã đã tiệm cận với việc hoàn thành và vượt mức thu ngân sách. Về số thu ngân sách trên địa bàn Thủ đô, ước tính đạt 280.500 tỷ đồng, bằng 100,6% dự toán pháp lệnh, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là nỗ lực rất lớn của Thủ đô Hà Nội góp phần vào thu ngân sách quốc gia.
Trong bối cảnh khó khăn trên, cùng với nỗ lực triển khai các giải pháp của Chính phủ, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội đã có chỉ đạo quyết liệt và định hướng kịp thời; các cấp, ngành của thành phố đã phối hợp chặt chẽ, vào cuộc nhanh chóng, đồng bộ. Đặc biệt, không thể không nhắc đến sự nỗ lực vượt qua khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, người dân. Đặc biệt, lấy mốc từ cuộc làm việc của Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ với các cơ quan, đơn vị về các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, việc làm và bảo đảm an sinh xã hội năm 2020 của thành phố, diễn ra ngày 10/9/2020, công tác thu ngân sách có khởi sắc.
Có thể nói, qua chỉ đạo của thành phố, các quận, huyện, thị xã, sở, ngành đã phối hợp chặt chẽ, tập trung cao độ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người nộp thuế. Đồng thời, có sự thi đua tích cực của các quận, huyện, thị xã trong việc bám chặt nguồn thu, bởi trong bối cảnh dịch bệnh, bên cạnh doanh nghiệp khó khăn, có nhiều doanh nghiệp vươn lên được.
Kết quả thu ngân sách không thể không nói đến các chức năng về thuế, trong đó có công tác quản lý nợ như đôn đốc thu hồi nợ, thanh - kiểm tra. Đặc biệt, trong công tác quản lý nợ, chúng tôi tiếp tục tham mưu UBND thành phố duy trì Ban Chỉ đạo đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế của thành phố cũng như 30 quận, huyện, thị xã.
Trong công tác quản lý, chúng tôi luôn tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và tích cực đôn đốc, thực hiện các biện phạm mạnh với doanh nghiệp chây ì, đặc biệt là với doanh nghiệp có dự án, có doanh thu. Các giải pháp đồng bộ, có sự phối hợp của cơ quan thuế, các ban, ngành và sự vào cuộc các cơ quan thông tấn báo chí trong công khai công tin công khai doanh nghiệp chây ì nợ thuế.
Riêng về công tác thanh - kiểm tra, chúng tôi thực hiện đúng tinh thần không chồng chéo, những đơn vị có dấu hiệu gian lận, vi phạm, chúng tôi thực hiện thanh - kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế; còn lại chúng tôi tập trung vào kiểm tra báo cáo tài chính, hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế. Khi phát hiện những vấn đề chưa thực sự đúng, chúng tôi thông báo để người nộp thuế điều chỉnh hạch toán của mình. Qua đó, đã góp phần tích cực, tạo môi trường bình đẳng cho doanh nghiệp hoạt động, góp phần vào kết quả thu ngân sách nhà nước trong năm 2020.
Định hướng của ngành Thuế Hà Nội trong năm 2021 là gì, thưa ông?
Dự toán năm 2021 đã được Cục Thuế Hà Nội tham mưu và HĐND thành phố đã giao cho các quận, huyện, thị xã. Chúng tôi đã có những hệ thống văn bản để phối hợp với các quận, huyện, thị xã, sở, ngành để tiếp tục thực hiện dự toán năm 2021 trên cơ sở rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ việc kiểm tra, giám sát kết quả.
Năm 2021 sẽ có những khó khăn kéo dài của năm 2020 và chúng tôi quyết liệt thực hiện các giải pháp theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, UBND thành phố, Tổng cục Thuế. Trước hết là kiểm soát dịch bệnh; hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động tốt, có dòng tiền thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.
Cơ quan thuế cùng các quận, huyện, thị xã bám sát nguồn thu, trong đó phối hợp hỗ trợ những doanh nghiệp khó khăn; tháo gỡ vướng mắc về mặt chính sách cho những doanh nghiệp có xu hướng phát triển. Qua dịch bệnh, có nhiều loại hình kinh doanh phát triển mạnh, đặc biệt là thương mại điện tử. Qua đó cũng cho thấy có chính sách cần bổ sung để bảo đảm công tác quản lý cũng như hỗ trợ phát triển, và để người nộp thuế hiểu về nghĩa vụ của mình với ngân sách nhà nước.
Cục Thuế cũng tiếp tục thực hiện các chức năng quản lý thuế, triển khai đầy đủ, có hiệu quả, các giải pháp mở rộng cơ sở thu, chống xói mòn cơ sở thuế, giúp doanh nghiệp có thể mở rộng điều kiện hoạt động của mình để có dòng tiền tiếp tục đóng góp ngân sách nhà nước.