Về việc thay cây hồ Gươm, KTS Ngô Doãn Đức nói với báo chí: “Tôi không ủng hộ việc này. Giờ Hà Nội tính thay thế cây xanh quanh hồ Gươm là thay thế cái gì? Tại sao lại thay thế?”. Hẳn nhiều người dân thủ đô cũng chung câu hỏi với ông. Tại sao cây hồ Gươm đang yên đang lành, đang đẹp, đang đầy sức sống, đang mang trong mình cả một bề dày lịch sử lại thay thế? Kể cả cái thay thế có đàng hoàng to đẹp hơn nguyên gốc thì việc thay thế này cũng có cái gì bất thường và bất nhẫn. Ai cũng biết việc chặt cây trồng cây sẽ khiến cho đồng tiền luân chuyển, một số người sẽ có công ăn việc làm. Nhưng nếu đó là một thứ công vô ích thì nên để dành cho những việc khác có ý nghĩa hơn. Hà Nội thiếu gì chỗ đang ô nhiễm, lem nhem mà lại cứ phải xáo xới góc quanh hồ Gươm mãi.
GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng cũng cho rằng, cây xanh ở hồ Gươm phải bảo tồn là chính chứ không nên tính đến chuyện thay thế, trồng mới. Bộ Xây dựng được cho rằng cũng không phải có chuyên môn và thẩm quyền để trả lời việc thay cây. Trong công văn trả lời Hà Nội, ngoài cây, Bộ Xây dựng còn đề cập nhiều nội dung khác.
Chẳng hạn Bộ yêu cầu giải tỏa các công trình cơi nới, lấn chiếm không gian tại khuôn viên vườn hoa đền Bà Kiệu; xem xét cải tạo không gian cảnh quan xung quanh tượng đài Cảm tử; giải tỏa các không gian lấn chiếm tiếp giáp với nhà hàng Thủy Tạ, cải tạo các kiốt, nhà vệ sinh… Nói chung là cũng đầy việc.
Quanh hồ Gươm cây xanh chính là lực lượng lao động không ngừng nghỉ ngày đêm lọc khí, cho bóng mát, tạo cảnh đẹp- tại sao lại thay. Những ai có trách nhiệm mà không nghĩ ra việc gì có ích để làm mới nên thay.