Hà Nội sắp thí điểm Bí thư kiêm Chủ tịch UBND quận, huyện

TPO - Hà Nội dự kiến thí điểm mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn; Trưởng ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị; Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam các quận, huyện, thị xã...

Sáng 30/11, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU ngày 24/9/2013 về “Kiện toàn, sắp xếp tổ chức Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm ở xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội”.

Báo cáo kết quả 5 năm thực hiện đề án, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo cho biết, đến nay, toàn thành phố có 7.970 thôn, tổ dân phố, giảm 2.018 thôn, tổ dân phố. Thực hiện đề án, đảng ủy các xã, phường, thị trấn đã điều chỉnh, chia tách, hợp nhất các chi bộ địa bàn dân cư để bảo đảm thực hiện thống nhất theo mô hình của đề án. Sau 5 năm, toàn thành phố còn 5.236 chi bộ; giảm 402 chi bộ thôn, tổ dân phố.

Thành phố cũng đã giảm được hàng ngàn đầu mối đoàn thể chính trị-xã hội ở địa bàn dân cư. Cùng với giảm số lượng thôn, tổ dân phố, chi bộ và các đoàn thể chính trị-xã hội, số lượng người hoạt động không chuyên trách ở địa bàn dân cư và người hưởng hỗ trợ chi bồi dưỡng kinh phí từ ngân sách nhà nước đã giảm 9.539 người.

Tại hội nghị, Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đường Hoài Nam trình bày Kế hoạch về “Thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 BCH T.Ư Đảng (khoá XII)”. Theo đó, Thành ủy Hà Nội phấn đấu khắc phục tình trạng thôn, tổ dân phố chưa có tổ chức Đảng trong năm 2019; Thành phố cũng sẽ rà soát sắp xếp các thôn, tổ dân phố theo quy định gắn với hoàn thiện hệ thống chính trị ở địa bàn dân cư đồng bộ theo mô hình của Đề án số 06, hoàn thành trong năm 2019.

Theo Đề án số 09-ĐA/TU, Hà Nội sẽ thực hiện mô hình thí điểm kiêm nhiệm đối với 6 chức danh người đứng đầu các cơ quan, đơn vị ở những nơi có đủ điều kiện, gồm: Bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn; Trưởng ban Tuyên giáo cấp ủy đồng thời là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị; Trưởng ban Dân vận cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam các quận, huyện, thị xã; Trưởng ban Tổ chức cấp ủy đồng thời là Trưởng phòng Nội vụ các quận, huyện, thị xã; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra cấp ủy đồng thời là Chánh Thanh tra các quận, huyện, thị xã; Chánh Văn phòng cấp ủy đồng thời là Chánh Văn phòng HĐND-UBND quận, huyện, thị xã.

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cũng sẽ chỉ đạo thực hiện thí điểm hợp nhất mô hình tổ chức ở những nơi đủ điều kiện và chỉ thực hiện ở địa phương thực hiện mô hình nhất thể hóa Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND gồm: Cơ quan Ban Tổ chức với Phòng Nội vụ; cơ quan Ủy ban Kiểm tra với cơ quan Thanh tra; Văn phòng cấp ủy với Văn phòng HĐND - UBND.

Quan điểm chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội trong thực hiện Đề án số 09-ĐA/TU là thận trọng, từng bước, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm; thực hiện mô hình thí điểm kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý trước; mở rộng dần, không cầu toàn, nóng vội; tạo sự đoàn kết, ổn định...

Ban Thường vụ Thành ủy giao Ban Tổ chức Thành ủy chủ trì khảo sát và đề xuất, báo cáo phê duyệt và tổ chức thực hiện việc thí điểm mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cùng cấp và một số chức danh kiêm nhiệm từ năm 2019. Trong đó, thành phố sẽ chọn 3 quận, huyện, thị xã và từ 10%-15% số xã, phường, thị trấn để thực hiện.

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải yêu cầu, thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội thành phố tiếp tục thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU với tinh thần tập trung hơn, sáng tạo hơn, gắn với thực hiện có hiệu quả Đề án số 09-ĐA/TU và Kế hoạch số 109-KH/TU, khắc phục những bất cập còn tồn tại.

Đối với Đề án kiêm nhiệm một số chức danh, ông Hải cho rằng, đây là vấn đề khó, tác động lớn đến tổ chức, bộ máy. Do đó, các cấp, ngành cần lưu ý quán triệt phương châm thận trọng, chặt chẽ, đánh giá và phân tích một cách biện chứng, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội, giảm thiểu các tác động trái chiều, có tính khả thi cao, bảo đảm đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Điều lệ của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội; tạo sự đoàn kết, đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị, tiếp tục góp phần hoàn thành và hoàn thành vượt mức các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Ông Hải yêu cầu, Ban Thường vụ quận, huyện, thị ủy bám sát nội dung Đề án của Thành ủy, xây dựng Đề án tổ chức thí điểm các chức danh kiêm nhiệm ở những nơi có đủ điều kiện; báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy phê duyệt từng đơn vị trước khi thực hiện. Quá trình thực hiện, các đơn vị liên quan cấp thành phố cần có sự phối hợp, hướng dẫn sâu sát, giúp đỡ các quận, huyện, thị xây dựng và thực hiện đề án ở địa phương, bảo đảm đúng quy định, phù hợp, hiệu quả, khả thi.

“Việc Hà Nội đổi mới mô hình tổ chức và kiêm nhiệm các chức danh lãnh đạo không chỉ nhằm tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, mà quan trọng là phải phát huy hiệu quả hoạt động của tổ chức, bộ máy”, ông Hải nói.

MỚI - NÓNG