Hà Nội: Vì sao năm sau giải ngân chậm hơn năm trước?

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu kết luận hội nghị
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu kết luận hội nghị
TPO - Ngày 28/11, Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội họp kỳ thứ 16, cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng. Một vấn đề nhiều đại biểu quan tâm là tỷ lệ giải ngân của thành phố còn chậm.

Giải ngân chậm

Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, kế hoạch vốn đầu tư năm 2018 của thành phố Hà Nội giao đầu năm là hơn  42.121 tỷ đồng, giao bổ sung trong năm hơn 627 tỷ đồng, tổng cộng giao hơn 42.748 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/10/2018, toàn thành phố giải ngân được 21.729 tỷ đồng, đạt 50,8% kế hoạch đã giao.

Đặc biệt, giải ngân vốn cho các dự án đầu tư xây dựng cơ bản tập trung của thành phố đạt 4.464 tỷ đồng/kế hoạch hơn 15.755 tỷ đồng, mới bằng 28,3% kế hoạch.

Trong đánh giá chung, UBND thành phố Hà Nội nhận định, so với mục tiêu đề ra, kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển năm 2018 còn những tồn tại, hạn chế như số dự án hoàn thành trong năm thấp hơn dự kiến, chỉ đạt 51/85 dự án; tỷ lệ giải ngân chậm, nhất là trong những tháng đầu năm, dự kiến năm 2018 chỉ giải ngân đạt khoảng 90% kế hoạch vốn giao.

Góp ý tại hội nghị, giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trong những năm qua rất được quan tâm. Trong nhiệm kỳ này, có 444 dự án cấp thành phố với tổng mức đầu tư hơn 51 nghìn tỷ, chiếm khoảng 53% tổng mức đầu tư thành phố, chưa kể các dự án cấp quận, huyện.

Theo ông Viện, thành phố cần tổ chức hội nghị chuyên đề bàn về đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, vì tỷ lệ đất dành cho giao thông theo quy hoạch của thành phố là từ 20% đến 26%, nhưng đến nay mới đạt 9,36%; với các dự án đầu tư hiện nay, đến hết nhiệm kỳ 2015-2020, có thể chỉ đạt tỷ lệ 10,03%.

“Đặc biệt trong tình hình đầu tư PPP vướng mắc, trong 55 công tình trọng điểm đưa vào Nghị quyết có 38 công trình là kết cấu hạ tầng giao thông. Trong 38 công trình thì có 22 công trình là thực hiện theo PPP. Nếu không tháo gỡ thì không hoàn thành được”, ông Viện nói.

Tại hội nghị, lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội thừa nhận là một trong những ban có tỷ lệ giải ngân thấp của thành phố. Theo vị này, nhiều dự án của ban đang bị vướng mắc giải phóng mặt bằng, có dự án lên tới hàng nghìn tỷ. “Việc giải ngân chậm, trong báo cáo với lãnh đạo thành phố, chúng tôi đã nhận khuyết điểm, nhận trách nhiệm và cũng đề ra biện pháp khắc phục trong những tháng còn lại của năm”, vị này nói.

Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, trong 3 năm qua và năm 2018, việc thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển của thành phố rất khó khăn, hạn chế và chậm tiến độ; kết quả giải ngân có xu hướng thấp dần qua các năm.

Cụ thể là tiến độ công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án, giải ngân vốn đầu tư phát triển năm 2018, đặc biệt là các dự án xây dựng cơ bản tập trung cấp thành phố và các công trình trọng điểm chậm hơn so với cùng kỳ năm 2017; số dự án hoàn thành trong năm 2018 thấp hơn kế hoạch, chỉ đạt 51/85 dự án được bố trí vốn hoàn thành (trong đó chỉ có 1 công trình trọng điểm). Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị rà soát, bảo đảm tính khả thi và sự phù hợp của các nguồn vốn đầu tư công bổ sung với điều kiện thực tiễn của thành phố và quy định của pháp luật hiện hành.

Các dự án đề xuất đưa ra khỏi Kế hoạch đầu tư công trung hạn phải có lý do xác đáng; đồng thời lưu ý không đề xuất bỏ các dự án dân sinh bức xúc, các dự án đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng các cơ chế đặc thù.

Đặc biệt, các dự án đề xuất bổ sung vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn phải là các dự án cấp thiết, cấp bách gắn với thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu, các khâu đột phá, các dự án dân sinh bức xúc theo kiến nghị của cử tri. Đồng thời các dự án bổ sung vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn phải đã có quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công để đảm bảo có thể triển khai ngay trong các năm 2019, 2020.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng cho biết năm 2019 Hà Nội tiếp tục thực hiện chủ đề “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”, đồng thời là năm cần tăng tốc thực hiện và hoàn thành các chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm 2016-2020.

Để hoàn thành các chỉ tiêu của cả giai đoạn, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu các sở, ngành, các quận, huyện, thị xã trong năm 2019 tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là các lĩnh vực: Quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; thực hiện tốt chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp, kết nối cung-cầu, hỗ trợ giải quyết vốn cho sản xuất kinh doanh; triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển thương mại-dịch vụ, đẩy mạnh xuất khẩu, quảng bá và phát triển du lịch...

Bên cạnh đó, cần hoàn thành phê duyệt các quy hoạch chung và quy hoạch phân khu còn lại, đi đôi với tăng cường quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng, bảo vệ môi trường. Tăng cường chỉnh trang đô thị, quản lý trật tự lòng đường, vỉa hè, quản lý phương tiện giao thông, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, các công trình trọng điểm, nhất là các tuyến đường sắt, đường vành đai.

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
TPO - TIN NÓNG ngày 12/12: Công an Hà Nội điều tra vụ cháu bé 11 tuổi bị cứa cổ, hành hạ khi câu cá tại ao nhà hàng xóm; Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68 đã 'rửa' hàng trăm tỷ thu lợi bất chính từ khai thác trái phép cát ra sao?; Nhóm thanh niên Hải Dương mang kiếm sang Bắc Ninh trộm tiền công đức ở đền chùa...
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.