Sẵn sàng các tình huống
Ngày 31/7, UBND thành phố Hà Nội họp giao ban công tác tháng 7 năm 2018. Báo cáo về tình hình phòng chống lũ tại địa bàn huyện Chương Mỹ. Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ cho biết đến thời điểm này, mực nước sông Bùi đã ổn định, đến sáng nay mực nước là 7,42m, xuống được 10 cm nước, tuy nhiên nước xuống rất chậm. Lãnh đạo Sở NN&PTNT thông tin: Từ ngày 17/7-21/7 trên địa bàn thành phố có lượng mưa xấp xỉ 300mm/h, mưa trong điều kiện bất lợi do lúa vừa cấy xong, do lượng mưa lớn nên ở Lương Sơn, Kim Bôi nên nước sông Bùi, sông Tích lên nhanh, tràn toàn bộ hệ thống đê Bùi, một phần đê Tả Tích, đê bao sông Tích cũng bị tràn. Vào cuối tháng 7 tiếp tục có đợt mưa lớn, mực nước sông Bùi, sông Tích tiếp tục dâng cao, mực nước cao hơn năm 2008, cao nhất hôm qua tại sông Bùi là 7,52m, cao hơn báo động số 3 là 1 m; mực nước tràn qua đê Tả Bùi, Tả Tích.
Ông Mỹ cho biết sẽ phối hợp để khảo sát toàn bộ đê Hữu Bùi, Hữu Tích, đê bao, các xã của Quốc Oai, Thạch Thất nếu nước tiếp tục lên cao cần thiết có thể báo cáo UBND thành phố phương án xả nguồn nước để giữ được đê Tả Tích, Tả Bùi. Phối hợp bảo đảm cứu trợ cho đời sống người dân. Đối với hệ thống sông Hồng, sông Đà qua đợt xả lũ vừa qua mực nước lên 8,54 m, thấp hơn báo động số 1 là 0,3 m; mức nước này chưa ảnh hưởng sản xuất và người dân các xã ven sông, tuy nhiên mực nước sông Bùi, sông Tích nước lên nhanh do lũ rừng.
Nước lên không phải do xả lũ sông Ðà
Cũng tại phiên họp, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: “Không có chuyện thành phố thờ ơ với người dân ở đây, mà đây là khu vực nằm trong quy hoạch vùng thoát lũ”. Tuy nhiên, các giải pháp để người dân sống chung với lũ từ việc thiết kế về nhà cửa, hệ thống cung cấp nước, hạ tầng giao thông chưa được quan tâm. “Vì thế, tới đây thành phố cần phải đề ra các giải pháp bền vững hơn” - Chủ tịch Chung nói.
Giải pháp bền vững của lãnh đạo Hà Nội đã được nhắc tới trong buổi làm việc với UBND huyện Chương Mỹ cách đây ít lâu. Chủ tịch UBND Hà Nội nhận định, do Chương Mỹ có 3, 4 xã thuộc vùng thoát lũ nên cuộc sống người dân không ổn định. Về mặt lâu dài, cần có chiến lược di dân , chỉ còn ở những xã đó vùng trồng cây, sản xuất. Lãnh đạo Hà Nội cho biết thêm, 4 tuyến sông đã giao cho Sở NN&PTNT chủ trì thuê khảo sát theo quan điểm kết hợp giữa nạo vét và duy tu, làm thành đường đê. Chia làm phân kỳ đầu tư 3- 5 năm. “Không thể đắp đê cao mãi lên được mà phải kết hợp nạo vét luồng lạch. Hiện nay thành phố đang đôn đốc Sở Nông nghiệp sớm thực hiện việc này”, lãnh đạo Hà Nội cho hay.
Trao đổi với PV Tiền Phong, Tổng cục trưởng Tổng Cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài nhấn mạnh về thông tin không chính xác gây hoang mang dư luận rằng việc nước lên do xả lũ hồ Hòa Bình. “Nước lên không phải do xả lũ hồ Hòa Bình, vì nước hồ Hòa Bình chỉ liên quan đến sông Hồng và sông Thái Bình”. Ngoài ra, hồ Hòa Bình đóng toàn bộ các cửa xả, đây là tình huống do mưa ở rừng ngang và từ trên núi đổ về. Đây là tình huống đặc biệt nhưng không phải tình huống bất thường, bởi năm ngoái đã xảy ra, năm nay lại tiếp tục xảy ra.
Chiều 31/7, đại diện Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội thông tin: Tính đến thời điểm này, đã có 2.700 ngôi nhà bị ngập, 1.052 ha ngập sâu trong nước và 1.715 ha ngập trắng, Ban đã di dời 5.167 người đến nơi an toàn. Về việc bê tông hóa tuyến đê tả Bùi, đại diện Ban chỉ huy cho biết thêm, lãnh đạo thành phố đang nghiên cứu phương án đầu tư dài hạn. Tuy nhiên, phải xem xét tổng thể, về quy hoạch dân cư, quy hoạch phòng chống lũ, đầu tư cả tuyến đê có tương xứng với phát triển kinh tế - xã hội hay không… Sau đó mới có phương án cụ thể trình Bộ NN&PTNT.
“Nước lên không phải do xả lũ hồ Hòa Bình, vì nước hồ Hòa Bình chỉ liên quan đến sông Hồng và sông Thái Bình”.
Tổng cục trưởng Tổng Cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài