“Ngày chiến thắng”, tranh Nguyễn Văn Hổ
So với mốc 10 tháng Mười, bố mẹ mình đã mang cả nhà về thủ đô chưa, mình có được kể; quên rồi. Dù sao mặc lòng: Nếu về trước 10 tháng Mười, chắc trong cái buổi “Năm cửa ô (…) như đài hoa đón mừng, nở năm cánh đào, chảy dòng sương sớm long lanh”, tức là sau khi đưa các anh chị mình đi dự lễ “đón mừng đoàn quân tiến về” thì bố mẹ mình “thừa thắng xông lên” quyết định sinh ra mình.
Còn như nhà mình về thủ đô sau ngày đó, dù ở trên vùng tự do chắc hai cụ vẫn bị âm vang chiến thắng lôi kéo. Giống nhiều gia đình thời đó: nhà mình đông anh chị em và có hai thế hệ cách xa nhau với mốc Giải phóng Thủ đô. Tóm lại, riêng mình vẫn coi được sinh ra vào 10 tháng Mười năm 1954. Thế hệ Hòa bình.
Cha mình sinh ra ở Phú Thọ. Mẹ mình cũng vậy. Quê nội nhà mình gốc ở Hà Đông. Gọi đúng chữ “về quê”, cho đến nay mình chỉ được về quê Phú Thọ “nhõn” 3 lần. (Chữ “nhõn” thời mình ở Hà Nội mọi người ưa dùng!)
Lần một, thời chiến tranh được đi sơ tán tránh bom Mỹ, nhưng ít quá, chưa đầy một năm học mà lại ở huyện khác. Lần hai, được theo mẹ trong chuyến đi dối già của mẹ về quê ngoại. Lần ba, rất chậm trễ - năm 2010, sau 22 năm xa nước - lần đầu tiên về được tận làng của quê cha Phú Thọ.
Còn đất tổ Hà Đông? Thú thật, chưa một lần về! Cả hai sự chậm trễ và sự chưa này đều là lỗi rất lớn. Của chính mình. Dạo bé, mình hay trách người lớn vì sao có 10 cây số từ Bờ Hồ - Hà Nội vào thị xã Hà Đông phải xa vời đến vậy. Nay thấy mình còn phạm lỗi hơn cả người lớn.
Như cái lần về Việt Nam đó, đã được ông em con ông chú “thiết kế” chỉn chu một chuyến về quê tổ. Thế rồi tới giờ chót lại hoãn. Mình nghiệm bao lần rồi, trong các việc quê việc nhà, cứ hoãn cứ trễ là có thể sẽ không bao giờ. Vậy mà lần đó vẫn bị. Tức mình quá, mà không làm gì được mình.
Có lẽ mình thuộc vào lứa trẻ-không-quê, nếu không kể Hà Nội là nơi sinh ra, lớn lên và làm việc. Trẻ con thành phố thời đó vô khối đứa như thế. Nếu không có khách ở quê ra, không đi sơ tán tàu bay Mỹ - coi như mất quê! Kể từ khi biết làm thơ, mình càng tin (và tiếc cho bản thân): muốn thành thi sĩ Việt Nam giỏi, phải có đời sống thôn quê. Kỷ niệm về những phố xá, công sở, nhà cửa (nhất là khu tập thể!) chúng lang bang lắm. Rất khó tụ thành các giọt thơ. So với những cánh cò, dậu mồng tơi, ánh trăng lu…
“Hà Đông có thuộc về Hà Nội
Hay là không, thì vẫn cứ Hà Đông”.
Phạm Đình Ân đấy! Anh dường như là người dẫn mình vào làng thơ Hà Thành và sau trở nên bạn thân thiết. Bài Hà Đông được viết vào năm 1985 khi cả nước ở ngưỡng cửa Đổi mới, từng vang tiếng trong dư luận bạn đọc, được ngâm ngợi trên đài báo nhiều lần và cho đến tận các năm gần đây (như mình vừa thấy qua một bài bình trên mạng qdnd.vn ngày 18 tháng Hai năm 2010).
Si tới độ “Nghìn buổi chiều tôi đến, phải về không”, một bài thơ tình trai gái đúng nghĩa được xây trên nền sử ký, địa dư, xã hội qua câu chuyện một vùng ngoại vi xoay xỏa cùng trung tâm, trong công cuộc thủ đô phải tung nở tại bước ngoặt nguy khó không thể cưỡng nổi - “điện sông Đà hé sáng giữa gian lao”. Khúc trữ tình riêng tây được mở và khóa bởi tính cận duy lý trong minh triết Việt. Khóa là hai câu trên. Mở:
“Hà Đông vốn thuộc về Hà Nội
nay thì không mà vẫn cứ Hà Đông”.
Ra đây mỗi khi nhớ quê nhà, lại lấy thơ bạn ra nhớ. Bạn thế mới là bạn, thơ thế mới là thơ!
Ghế đá trước Đại sứ quán Ba Lan trước đây trên đường Bà Huyện Thanh Quan, đầu đường Điện Biên Phủ tới phố Lê Hồng Phong. “Bè lũ năm tên” tụi mình quy ước tối thứ bảy hay chủ nhật hàng tuần, ai tiện thì đáo qua, ngay cả khi không có hẹn trước. Lệ có từ khi học lớp 10, được giữ gìn cho đến khi cả bọn lớn tướng, đi làm cả, một đứa có vợ con. Chỗ ghế tựa cây nhỏ, sáng choang, nhìn ra thảm cỏ rộng thênh. Hiếm khi bị các đôi tình nhân chiếm đoạt. Nhiều lần, mưa lâm râm mình cũng ra đó. Dù để mình gặp mình...
Cũng không ít lần gặp “T. Phán”. Mình và bạn ấy thích đạp xe chậm, kịp ngửi hơi đất Hà Nội bốc nhè nhẹ dưới làn mưa bụi, trên đoạn đường Trần Phú. Mẹ mình thấy con dắt xe đội mưa ngẩng mặt ra ghế đá hẹn với mấy bạn trai, cứ cười tủm tỉm tủm tỉm mỗi khi mình chào mẹ con đi. Sau ngày mẹ mất, mình vẫn đầu đội mưa bụi Hà Nội thế thôi. Rồi sau nữa, những buổi một mình đội gió tuyết Đông Âu, Nam Úc, Bắc Mỹ, chẳng nhớ Hà Nội chẳng thương mẹ sao đành!
“Phố Hàng Chĩnh”, tranh Lê Cửu
Chuyện bạn trai tụ tập tán gẫu của mình: nhiều, và bình thường. Như đa số đám bạn khác, phải công nhận là lành; trong năm tên, bốn đã là cán bộ, cán sự lớp, cán bộ Đoàn các kiểu. Ấn tượng nhất là bữa đó “trời đất nổi cơn gió bụi”, một bạn (ắt là “B. Tè”?) nhắc câu đố của tụi bạn trường Trỗi cũ: Khắp phố xá Hà Nội có bao nhiêu nhà vệ sinh công cộng? Đứa nhẩm: chắc chắn năm; đứa xòe tay đếm: chín.
Rồi năm đứa phóng xe đi. Tìm và đếm. Ba bốn buổi mới hết. Đâu như được 18 cái cả thảy? Mình không nhớ, chỉ nhớ đã ghi lại ngay. Rất nhớ có hai WC gây hậu quả. WC ở phố Đồng Xuân, khi bình thưởng, cả bọn cãi ỏm tỏi do chưa nhất trí khái niệm “nhà vệ sinh công cộng” là phải thuận tiện ngay trên phố xá, hay có thể sâu hun hút trong chợ Đồng Xuân thời đó.
Còn cái ở ngã tư đầu phố Lê Đại Hành, gần cuối đường Bà Triệu, mé kia là nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, thì sau đó đã làm mình hỏng việc khi đang “tìm hiểu” một cô bạn gái… Hôm về thăm, đứng nhìn mãi ngã tư cũ đang là ngã sáu tấp nập trên cái “WC tuổi trẻ” của mình.
Không kể các lần “hiếu lệ” (mình chế ra chữ này chỉ việc khóc báo hiếu song thân), về Hà Nội mình được hai lần khóc nước mắt chảy ra ngoài. Đều ở trường học. Lần vào thăm trường nơi đã qua lớp 10. Trường cũ ngay cạnh nhà, dễ chuẩn bị chu đáo.
Ban ngày, mình chọn sau giờ tan trường. Vào giữa sân trường nhìn lên lớp cũ, vừa “khóc” một hai cái thì bị hai ba “bạn” đi qua bắt gặp. Ái ngại, các bạn nghĩ mình đến đón con hay cháu gì đó mà nó bỏ về trước mất!? Chắc thấy mình có “đôi mắt mang hình…” giọt lệ, các bạn lại lẳng lặng bỏ đi như vừa lẳng lặng đến gần. Coi như “kế hoạch khóc” hỏng!
Lần vào trường đại học, mình đi đêm. Tất nhiên. Tới tận thềm bộ môn cũ, nơi từng học từng làm việc. May, cả khu đại học rộng lớn thay đổi quá chừng nhưng riêng một góc vẫn cảnh xưa hồn cũ. Chả ma nào thèm nhìn. Khóc hết “kế hoạch” mà cậu cháu (bị mình giả vờ nhờ phóng đi mua cái lăng nhăng gì đó) vẫn chưa quay về đón...
Trưa hôm sau, đến thăm lại. Lúc đưa tiễn, hai đồng nghiệp cũ thấy mình tần ngần ra lối cổng sau, đứng nhìn. Hỏi anh tìm gì đấy. Tớ tìm các dòng nước mắt đêm qua… Đùa thôi, đâu dám làm thi sĩ lúc đó. Giờ về bên này biển Thái Bình Dương, 4 năm rồi mới viết ra đây. Lúc đó, im lặng.
Còn các nơi chốn Hà Nội mỗi lần về thăm khiến nước mắt chảy vào trong? Nhiều, nhiều ơi là nhiều. Mình dự tính (lại còn cho in đậm là “sắp in” nơi bìa sau của một cuốn sách đã xuất bản hẳn hoi) sẽ cho ra tập trường ca mang tên Những dòng thơ không thể chảy về đâu. Ẩn dụ thế thôi. Thơ, nước mắt đấy. Chứ còn gì nữa! Chảy về Hà Nội. Chứ còn đâu nữa!
Gần năm năm qua, mình mần mò làm biên khảo về trào lưu trường ca Việt Nam tính từ thời Thơ mới, bất kể trong-ngoài nước, Nam-Bắc trước-sau 1975, trong đó có việc lập danh sách tác giả và tác phẩm trường ca Việt. Đã từng đăng rả rích ở các trang mạng; sẵn dịp cập nhật: đang có chừng 430 tác giả Việt Nam đã viết ít nhất một trường ca hoặc một bài thơ dài mang ý nghĩa tương đương, với tổng số khoảng 1.117 tác phẩm gọi chung là trường ca. Với đề tài Hà Nội, mình vội nhích ra đây các sáng tác tạm tính theo tên bài.
Về trường ca: Hoài Anh với Trường ca Điện Biên - tổ khúc Hà Nội (1954); Nguyễn Đức Bính/Hà Nội (1969); Nguyễn Hương Trâm/Hà Nội - Thăng Long (1983); Vương Trọng/Hà Nội của tôi (2008); Phan Vũ/Em ơi - Hà Nội phố (1972).
Thơ dài có chất trường ca: Thu Bồn/Hà Nội ngày nào (1996); Nguyễn Linh Khiếu/Lá non mùa Hà Nội (2010); Yến Lan/1957 - Hà Nội sang hè (1957); Ngô Văn Phú/Hà Nội tháng 12 (2003).
Hà Nội vốn như một thành phố mở, người tứ phương đổ về và gần đây đổ về ngày thêm nhiều, vậy “bản sắc người Hà Nội” ra sao? Giọng nói Hà Nội thế nào là chuẩn; người Hà Nội bây giờ là ai; vẻ thanh lịch của Hà Nội xưa đâu rồi?; v.v…
Mình lưu giữ hết; ghi chép, lập hồ sơ bài vở… Hai ba kho đầy. Thơ và thậm chí trường ca không kham nổi. Sẽ “dí” hết vào tiểu thuyết chăng? Riêng mình thấy nội dung các tranh luận đa phần cần và hay. Có điều, mình không trọng đúng-sai. (Không sai, tranh cãi làm chi!) Quan trọng là thái độ, là mục đích. Tạm gọi là hay-dở. Như ở văn Nguyễn Việt Hà.
Nhiều điều nhà tản văn tài hoa cắn cứa Hà Nội đau ra phết. Đọc phát nhói, nhột. Nhưng đó là ngôn ngữ văn học. Và cũng từ cái tâm văn. Mình chịu. Chứ còn với không ít chỗ ở cách tự-phản-biện như bác Vương Trí Nhàn thì… “em chã”! Thông tin, kiến thức, nhiệt huyết và nhất là thể tài (tài nhất việc dùng tư liệu nhật ký bản thân để tái sáng tạo chân dung văn học cho các tác gia và thời đại) của nhà phê bình văn học kiêm nhà nghiên cứu văn hóa có thể gọi là kỳ cựu ấy đã được văn giới và độc giả đánh giá rất cao.
Riêng mình vốn trọng tài phục chí bác ấy từ khi còn là thằng em nhỏ của một đồng nghiệp với bác (mà có lần ở Thư viện Quốc gia từng được bác chỉ cho ngữ pháp tiếng Nga khi mình đọc sách vật lý.) Chính thế xin thưa trong tình huynh đệ bằng hữu, nếu bác cho phép: có cái gỉ gì gi khó viết ra đây - ở một bài tiểu luận sẽ dễ hơn - về “khối tâm sự” của tác giả.
Một điển hình. Bàn về hai câu ca dao cổ “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”, Vương tiền bối bảo thế vầy: “Tôi không tán thành câu đó. Tôi cho rằng đó là cái bệnh xấu của thành thị. Đó chỉ là cái hão, cái giả thôi nếu cứ tự nhận là để bắt nạt những người nhà quê đi chăng nữa thì cái đó cũng vô nghĩa. Người tự trọng không bao giờ nên tự hào vì điều đó. Còn chính người Hà Nội thật sự thì phải nghĩ rằng mình chưa là mức của người Hà Nội, mình phải cố gắng hơn nữa, phải trở thành con người mẫu mực của xã hội, tức là phải thanh lịch thật. Cái đó mới đích thị là người Tràng An”.
(nguoihanoi.com.vn 18/2/2009). Mình muốn được gọi nhanh, đó là cách phản biện duy lý, nhưng khác với thơ Phạm Đình Ân, nó không có được chất minh triết Việt. Tức là mang búa lý luận phương Tây hòng làm thịt gà mái tơ phương Đông. Tỷ như bác Vương mà làm thơ, kiểu như bác Phạm, mình chịu liền: “Thanh lịch có thuộc về Tràng An/Hay là không, thì vẫn cứ Tràng An”.
Việc đọc và đọc lại hai câu ca truyền đời đó đã kinh qua biết bao nhiêu luận bàn. Mình chỉ nói thêm, với bác Vương: ở đây không thể bỏ qua cách đọc-hiểu ca dao, lục bát. Chưa kể diễn ngôn nghệ thuật thơ mà có thể bác rê qua, ngay nội hàm ngữ nghĩa và ngữ pháp dường như cũng chẳng được chú ý? Trong vụ này có nhẽ phải đọc-hiểu câu cú theo quan hệ “đề thuyết Cao Xuân Hạo” cũng nên.
Quan hệ chủ vị rành mạch của Tây không ăn thua. Vô ngần quen thuộc và tinh tế là khi người Việt dùng cấu trúc “Chẳng… cũng thể…”, “Dẫu không… cũng…”. “Chẳng trăm năm cũng một ngày duyên ta” ở Nguyễn Du. Đến Phan Khôi đã thành một ma trận: “Làm sao cũng chẳng làm sao/Dẫu có thế nào cũng chẳng làm chi/ Làm chi cũng chẳng làm chi/Dẫu có làm gì cũng chẳng làm sao". Mình nghĩ trong câu lục bát đang bàn, các cụm từ có tính đăng đối, bình đẳng, chưa chắc là nhân quả.
Diễn nôm sau đây là không thấu hết lòng dạ người xưa: “Mợ là hoa nhài đây. Mơ thơm lắm, dân quê ạ!”. Tam đoạn luận thế này là phá tan ý tứ dân Việt: “Cậu là người Tràng An; vì đã Tràng An nên cậu phải thanh lịch; vậy nhà quê kia không Tràng An thì không thanh lịch.” Còn nữa, về từ vựng. Ai cũng biết trong tiếng Việt, “chẳng” chưa hẳn đã phủ định, và khác xa với “không”. Đến “chả” thì tuyệt rồi. “Em chã…” là một đỉnh ngôn từ và diễn ngôn Việt được chuốt lên bởi “kiến trúc sư” Vũ Trọng Phụng. Rồi đến “Dẫu không” cũng chưa chắc là một phủ định mạnh.
Ba lần, mỗi lần về thăm quê nhà, mình thửa riêng một câu thơ lẻ, thủ trong đáy lòng trên đầu lưỡi, ví dụ: “Đi xa về chưa thể nói điều chi”. Chỉ muốn làm một cái “Trung tâm Nghe - Nhìn” thôi. Nghe nhiều. Nhìn kỹ. Qua bên này viết. Và viết…
Hà Nội ơi…
Vancouver, 1/10/2014
Người Hà Nội ở xa Hà Nội thường nhớ về vùng đất này với nỗi nhớ kỳ lạ. Thực sự, không ai có thể nói trong tình yêu quê nhà, ai hơn ai. Nhưng đúng là, trong những tác phẩm thuộc loại “nhớ” này, người Hà Nội thường áp đảo.
Họ áp đảo không phải chỉ bằng số lượng, mà cả về sự phong phú trong kỷ niệm và giọng điệu. Và Đỗ Quyên - người viết và nghiên cứu về trường ca, hiện sống và làm việc tại Canada, là một trong số đó.
L.A.H