Báo cáo Chất lượng Không khí Toàn cầu năm 2018 dựa trên việc rà soát, tổng hợp và xác thực dữ liệu từ hàng chục ngàn trạm quan trắc chất lượng không khí trên toàn thế giới.
Báo cáo cho thấy, châu Á là trọng điểm ô nhiễm không khí của thế giới. Có tới 99% thành phố ở Nam Á, 95% thành phố ở Đông Nam Á và 89% thành phố ở Đông Á vượt quá mức khuyến cáo phơi nhiễm hàng năm của WHO (10mg/m3) đối với bụi mịn PM2,5 (loại bụi chỉ bằng 1/30 sợi tóc con người, được coi là tử thần trong không khí). Trong số hơn 3.000 thành phố được thống kê trên toàn thế giới, 64% vượt mức này.
Tại Đông Nam Á, Jakarta là thành phố ô nhiễm nhất với hàm lượng bụi mịn PM2,5 trung bình năm 2018 là 45,3mg/m3 (gấp hơn 4 lần mức khuyến cáo của WHO). Hà Nội chỉ thấp hơn một chút với mức 40,8mg/m3 (gấp 4 lần mức khuyến cáo của WHO), đứng thứ 2 trong danh sách. Trong Top 20 thành phố ô nhiễm nhất ĐNA, TPHCM cũng có mặt ở vị trí thứ 15 với nồng độ bụi mịn trung bình năm 2018 là 26,9mg/m3 (gấp 2,7 lần mức khuyến cáo của WHO).
Tại Việt Nam, báo cáo môi trường quốc gia về môi trường không khí của Bộ Tài nguyên và Môi trường hay Báo cáo hiện trạng chất lượng không khí của Tổ chức GreenID đều cho thấy, Hà Nội là thành phố ô nhiễm không khí nhất với số ngày chất lượng không khí lên mức kém, xấu, nguy hại chiếm tỷ lệ cao.
Cuối tháng 1/2019, thành phố trải qua một đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng khi chỉ số AQI thường xuyên ở mức xấu, thậm chí lên ngưỡng nguy hại- mức ô nhiễm nhất trong bảng đánh giá chất lượng không khí.
Theo đánh giá của UBND thành phố Hà Nội, có 2 nguồn gây ô nhiễm chính là tình trạng phá dỡ các công trình xây dựng và giao thông. Hiện thành phố Hà Nội có tới 5,8 triệu xe máy và 0,7 triệu ô tô.
Dữ liệu của WHO cho thấy cứ 10 người thì có 9 người phải hít thở bầu không khí có chứa các chất gây ô nhiễm ở mức cao. Chỉ riêng ô nhiễm không khí ngoài trời được coi là nguyên nhân thứ tư gây ra những ca chết yểu trên toàn thế giới. Thiệt hại do ô nhiễm không khí toàn cầu ước tính lên tới 225 tỷ USD hằng năm.