Những ngày không khí Hà Nội thường xuyên ở mức kém với chỉ số AQI thường xuyên ở trong khoảng từ 100-200. Nhóm người nhạy cảm như hen suyễn, lao phổi được khuyến cáo nên ở trong nhà những ngày này.
Vào 9h sáng 20/12, chỉ số AQI ghi nhận tại Đại sứ quán Mỹ ở Láng Hạ là 173, ở điểm đo Phạm Văn Đồng, hệ thống quan trắc của Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội ghi nhận chỉ số AQI là 137, ở Hàng Đậu là 143. Hầu hết các điểm quan trắc không khí khác trên địa bàn thành phố, chỉ số AQI ở mức trên 100.
Chỉ số chất lượng không khí (viết tắt là AQI) là chỉ số được tính toán từ các thông số quan trắc các chất ô nhiễm trong không khí, cho biết tình trạng chất lượng không khí và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Chỉ số AQI được chia ra làm 5 nhóm gồm nhóm từ 0-50 (không khí tốt), từ 51-100 (không khí trung bình, nhóm nhạy cảm nên hạn chế thời gian bên ngoài), từ 101-200 (không khí kém, nhóm nhạy cảm cần hạn chế thời gian bên ngoài), từ 201-300 (không khí xấu, nhóm nhạy cảm tránh ra ngoài, nhóm khác hạn chế ra ngoài) và từ 300 trở lên không khí thuộc ngưỡng nguy hại, tất cả mọi người nên ở trong nhà.
Với chỉ số AQI thường xuyên trên 100 những ngày qua, chất lượng không khí Hà Nội được xếp loại kém. Điều đáng lưu ý, kết quả quan trắc trong báo cáo môi trường quốc gia về chất lượng không khí cho thấy, ở Hà Nội nói riêng và khu vực phía bắc nói chung, chất lượng không khí có sự thay đổi theo mùa, trong đó chất lượng không khí mùa đông thường ô nhiễm hơn mùa hè, đặc biệt là chỉ số bụi PM2.5 được coi là sát thủ trong không khí (do khả năng đi trực tiếp vào máu và khẩu trang thông thường không thể ngăn được).
Lý giải về nguyên nhân không khí mùa đông thường ô nhiễm hơn mùa hè, TS Hoàng Dương, Chủ tịch mạng lưới không khí sạch Việt Nam chia sẻ, một trong những đặc điểm của chất lượng không khí là bị tác động mạnh bởi yếu tố thời tiết gồm các yếu tố như gió, hướng gió, nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa và ánh nắng Mặt Trời. Mùa hè với nền nhiệt cao, mưa nhiều, ánh sáng nhiều, gió mạnh, chất ô nhiễm nhanh chóng phát tán giúp cho nồng độ bụi trong không khí thấp hơn.
Ngược lại vào mùa đông với nền nhiệt thấp, ít ánh sáng, ít mưa, gió mùa đông bắc tràn về, đem theo chất ô nhiễm từ phía Bắc khiến cho không khí ô nhiễm hơn. Đặc biệt, những ngày xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt, chất lượng không khí thường ô nhiễm nặng do chất ô nhiễm không phát tán được. Hiện tượng này xảy ra khi càng lên cao, nhiệt độ không khí càng cao (trái với quy luật thông thường là càng lên cao, nhiệt độ càng thấp). Lớp nghịch nhiệt này giống như một cái mũ, ngăn chất ô nhiễm phát tán lên cao. Vì vậy, các chất ô nhiễm bị giữ lại trong môi trường không khí. Quá trình này làm nồng độ các chất ô nhiễm tăng cao khiến môi trường không khí bị ô nhiễm nặng nề.
TS Hoàng Dương Tùng khuyên người dân nên theo dõi thường xuyên chất lượng không khí qua cổng thông tin điện tử thành phố Hà Nội hoặc mạng quan trắc của Tổng cục Môi trường hay Đại sứ quán Mỹ. Với những người chất lượng không khí ở mức kém, xấu, những người thuộc nhóm nhạy cảm như người mắc bệnh hen suyễn, lao phổi nên ở trong nhà. Với ngày chất lượng không khí vào mức nguy hại, mọi người nên ở trong nhà.
TS Hoàng Dương Tùng cũng lưu ý, chất ô nhiễm chủ yếu trong không khí nước ta là bụi mịn PM2.5. Loại bụi này rất nhỏ, bằng khoảng 1/30 sợi tóc nên khẩu trang thông thường không thể ngăn chặn được. Vì vậy, người dùng nên sử dụng các khẩu trang chuyên dụng có thể ngăn chặn loại bụi nguy hiểm này.