Đường quá tải, xe cá nhân vẫn “thả phanh”
Được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để xóa “điểm đen” ùn tắc, hiện nút giao Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến (nút giao Thanh Xuân) có 4 tầng đường và được đánh giá là nút giao hiện đại nhất Hà Nội. Tuy nhiên, sau khi hầm chui (hạng mục cải tạo nút giao cuối cùng) được hoàn thành năm 2016, đến nay tình trạng ùn tắc kéo dài xuất hiện trở lại ở nút giao này.
“Hiện nay, chỉ trừ hai ngày cuối tuần, gần như buổi sáng, chiều nào nút giao Thanh Xuân cũng xảy ra ùn tắc kéo dài. Phương tiện đến đây phải chờ từ 2 đến 5 nhịp đèn đỏ với thời gian đứng trên đường từ 15 đến 30 phút mới có thể đi qua được. Riêng chiều từ Linh Đàm và Trung Hòa đổ về gần như buổi sáng, chiều nào cũng ùn tắc kéo dài đến cả cây số”, anh N.T.Xuân (phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân), nói.
Nút giao Thanh Xuân ngày càng ùn tắc nghiêm trọng Ảnh: Anh Trọng |
Có mặt tại nút giao Thanh Xuân mấy ngày qua, PV Tiền Phong ghi nhận, lòng đường Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển chạy qua đây rộng đến 3 làn xe mỗi chiều nhưng ùn tắc vẫn xảy ra. Thời điểm 8h sáng, các ngả đường dẫn về nút giao Thanh Xuân như một bãi xe khổng lồ, ô tô, xe máy san sát nhau, khói bụi mù mịt.
“Vỡ trận” quản lý xe taxi
Từ năm 2012, thành phố Hà Nội quy định không cấp phép tăng số lượng xe taxi mới. Tại thời điểm dừng cấp phép, số xe taxi trên địa bàn thành phố có khoảng 17.000 xe với 114 doanh nghiệp chủ quản. Để nhận diện xe taxi Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội đã quy định tất cả xe taxi được Sở GTVT Hà Nội cấp phép phải dán phù hiệu với dòng chữ “TAXI HÀ NỘI”. Nếu xe taxi tại Hà Nội không có phù hiệu này thì cơ quan chức năng là Thanh tra, CSGT cương quyết xử lý.
Tuy nhiên, theo thống kê mới nhất của Bộ GTVT, hiện cả nước có trên 80 nghìn xe hợp đồng được cấp phép (xe ô tô dưới 9 chỗ) hoạt động chở khách theo hình thức taxi (taxi công nghệ), riêng trên địa bàn thành phố Hà Nội có khoảng 30.000 xe. Như vậy, số lượng xe hợp đồng dưới 9 chỗ đang hoạt động thực tế ở Thủ đô là rất lớn, vượt xa số quy hoạch ban đầu hơn 13 nghìn xe.
Cũng theo ghi nhận giờ cao điểm, dọc tuyến đường Vành đai 3 dưới thấp đoạn từ Nguyễn Trãi (Thanh Xuân) đến nút giao Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy) có từ 3-4 làn xe nhưng đã xuất hiện tới 7 “điểm đen” ùn tắc, trong đó có điểm tại nút giao Thanh Xuân, Lê Văn Lương, Trung Hòa, Mai Dịch… Nhiều tuyến đường nội đô, hướng tâm như Lê Văn Lương, Trần Duy Hưng, Giải Phóng, Giảng Võ,… các phương tiện tham gia giao thông luôn trong tình trạng “đóng bánh” vì ùn tắc không có lối thoát. Vừa qua Hà Nội đã có các giải pháp tổ chức lại giao thông hạn chế ùn tắc như xén vỉa hè, dải phân cách, mở rộng lòng đường... nhưng chỉ như “muối bỏ bể”, ùn tắc vẫn tiếp diễn nghiêm trọng. Đó là chưa kể những ngày mưa gió.
Trung tá Phạm Văn Chiến, Đội trưởng Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Hà Nội), cho biết, mặc dù vào giờ cao điểm sáng chiều, trên tuyến đường Xuân Thủy - Cầu Giấy và Vành đai 3 (trong đó có nút giao Mai Dịch), đã cấm xe tải trên 1,5 tấn và xe khách loại lớn đi vào, nhưng do mật độ phương tiện cao nên đi lại rất khó khăn. CSGT phải huy động 100% quân số trực để phân luồng, giảm ùn tắc vào giờ cao điểm.
Theo khảo sát, đo đếm xe của các đơn vị tư vấn về tổ chức giao thông, trên địa bàn Hà Nội hiện lưu lượng xe đã vượt khả năng thiết kế mặt đường gấp nhiều lần. Cụ thể, đường Lê Văn Lương - Tố Hữu vào các giờ cao điểm lượng xe vượt khả năng thông hành từ 1,1-1,4 lần; đường Huỳnh Thúc Kháng vượt 1,2-1,8 lần; đường Hoàng Quốc Việt vượt từ 1,1 -1,24 lần; Vành đai 3 trên cao vượt 2,5 lần. Đặc biệt, cầu Thanh Trì vượt gấp 8,1 lần; cầu Vĩnh Tuy vượt gấp 6,3 lần; cầu Chương Dương vượt gấp 8,04 lần.
Số lượng phương tiện trên địa bàn thành phố Hà Nội được thống kê 7,8 triệu xe, trong đó có khoảng 1,1 triệu xe ô tô. Con số này mỗi năm đang tăng thêm từ 4 đến 5%, riêng ô tô là tăng khoảng 18%/năm. Hiện việc gia tăng phương tiện cá nhân ô tô, xe máy tại Hà Nội vẫn chưa được kiểm soát. Mỗi người dân Hà Nội có thể đăng ký, sở hữu một hoặc nhiều ô tô, xe máy để đi lại, kinh doanh.
Đề án hạn chế xe cá nhân “bất động”
Để giảm ùn tắc, ô nhiễm môi trường, năm 2017, sau khi được HĐND thông qua, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án quản lý phương tiện giao thông, trong đó giao các sở ngành, quận huyện lập các bước (đề án) để từ năm 2030 dừng lưu hành xe máy tại các quận nội thành. Giai đoạn từ 2017 đến 2030 xây dựng các giải pháp giảm xe cá nhân (ô tô, xe tải, xe tự chế…), đi vào khu vực nội đô, trong đó giai đoạn từ 2017 đến 2020 phải xây dựng xong đề án thu phí phương tiện xe ô tô cá nhân đi vào nội đô để giảm lưu lượng xe. Tuy nhiên, thời điểm năm 2020 đã qua được 4 năm nhưng hiện nay, các cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ này là Sở GTVT, Tài chính, Công an, KH&ĐT, KH&CN (Sở GTVT là cơ quan chủ trì) vẫn chưa xây dựng xong?
Với các nhóm giải pháp: chấm dứt hoạt động của xe ba bánh chở hàng, xe xích lô… trong năm 2019, nhưng đến nay, người tham gia giao thông trên đường phố vẫn bắt gặp xe ba bánh chở hàng, xe xích lô chở khách trong nội đô.
Về đề án thu phí phương tiện vào nội đô, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, dự thảo đề án đã chỉnh sửa báo cáo thành phố 3 lần, và đang tiếp tục hoàn thiện để trình thành phố xem xét, thông qua. Đề án hoàn thiện tiếp do phải tính toán lại phạm vi lập trạm thu phí ô tô đi vào nội đô. Sau năm 2025, phạm vi các quận và khu vực nội thành được mở rộng, không chỉ dừng lại ở Vành đai 3 trở vào.