Đồng thời đưa ra các giải pháp sớm xóa tình trạng nhiều phường xã trên địa bàn Hà Nội đang "trắng" trường công lập, hàng nghìn em nhỏ phải đi học trái tuyến, nhiều lớp học quá tải.
Làm rõ quy hoạch trường học trên đất nghĩa trang, ao đình
Đại diện Ban Văn hoá - Xã hội (HĐND TP Hà Nội) cho biết, vấn đề thiếu trường học tại các khu đô thị mới đã đặt ra tại nhiều kỳ họp của HĐND TP nhưng đến nay vẫn không giải quyết dứt điểm. Mới đây, trong kết quả giám sát về trường học của HĐTP Thành phố cũng đã rõ việc triển khai quy hoạch chi tiết 1/500 tại các khu đô thị thiếu sự giám sát của các cơ quan quản lý; chưa quyết liệt chỉ đạo giải quyết và xử lý chủ đầu tư khu đô thị mới không xây dựng trường học và chưa dành đất xây dựng trường học.
Chỉ riêng quận Hoàng Mai nhiều khu đô thị thiếu trường học trầm trọng như: Thiếu 2 trường Mầm non (KĐT Tây Nam Linh Đàm, KĐT Pháp Vân Tứ Hiệp); 1 trường Tiểu học (KĐT Pháp Vân Tứ Hiệp); 3 trường THCS (KĐT Tây Nam Linh Đàm, KĐT Pháp Vân Tứ Hiệp, KĐT Bắc Linh Đàm)…. “Qua giám sát 78 dự án khu đô thị mới, dự án khu nhà ở cho thấy, các chủ đầu tư chỉ quan tâm đến việc xây dựng nhà và các căn hộ để bán và chuyển nhượng mà ít quan tâm xây dựng các công trình xã hội, trong đó có trường học. Chúng tôi cũng chỉ rõ trách nhiệm chủ yếu thuộc thành phố, các Sở chuyên môn như Sở Quy hoạch- Kiến trúc, Xây dựng, Kế hoạch-Đầu tư và các quận, huyện”, vị cán bộ nói.
Vị này cũng cho biết, HĐND TP cũng đề nghị các cơ quan chức năng thành phố kiểm tra lại việc thực hiện quy hoạch quỹ đất để xây dựng trường ở một số nơi chưa đảm bảo tính khả thi. Khi quy hoạch đất xây dựng trường ở khu vực nhà ga, bến xe, khu vực nghĩa trang, khu vực ao hồ, khu vực đường giao thông, khu vực khó giải phóng mặt bằng, nằm trong quy hoạch hành lang xanh....
"Qua khảo sát cũng cho thấy những bất cập trong việc quy hoạch các dự án trường học không khả thi. Việc này được đề nghị các cơ quan chức năng Thành phố làm rõ", vị cán bộ cho hay. Được biết, vấn đề này sẽ tiếp tục được chất vấn tại kỳ họp HĐND TP vào cuối năm.
Lý giải vấn đề này, Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội ông Lê Vinh cho rằng, trong quy hoạch các khu đô thị được thiết kế đầy đủ về hạ tầng. Ở đây, thiếu trường là do quá trình triển khai thực hiện. “Đúng là vừa rồi, quy hoạch đưa trường học, nhà trẻ vào các khu vực khó GPMB, khó khả thi như ở nghĩa trang, ao đình. Khi triển khai gặp khó khăn trong di chuyển nghĩa trang nên trong quá trình thực hiện quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đã có sự điều chỉnh cho hợp lý”, ông Vinh nói.
Theo Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội Lê Vinh, tình trạng thiếu trường học tại các khu đô thị mới lâu nay là do các chủ đầu tư khu đô thị chỉ lo xây nhà để bán mà chưa có trách nhiệm trong việc xây dựng và hoàn thiện các hạ tầng xã hội, trong đó có trường học phục vụ dân cư.
Về giải pháp, theo vị này sẽ yêu cầu các nhà đầu tư đẩy nhanh việc xây dựng trường học đã có trong quy hoạch. Đối với các khu đô thị cấp phép, phải bắt buộc các chủ đầu tư xây dựng xong cơ sở hạ tầng thì mới cho xây nhà ở để bán; Không điều chỉnh quy hoạch đất xây trường sang mục đích khác.
KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam cho rằng, trong kỳ họp HĐND TP Hà Nội vừa qua, dù lãnh đạo thành phố cam kết không “xê dịch” quy hoạch chi tiết 1/500, nhưng thực tế có những điều chỉnh lại không thực hiện đúng quy hoạch chung.
“Trong nhiều năm qua, việc cấp phép cho các chủ đầu tư không có chế tài ràng buộc phải xây dựng hạ tầng xã hội, dẫn đến họ chỉ xây nhà để bán mà không quan tâm đến hạ tầng. Trong khi đó, quy hoạch thì không minh bạch, đi chệch hướng, thậm chí phục vụ theo yêu cầu của nhà đầu tư từ đó lợi ích của cộng đồng xã hội bị coi thường. Nên mới có tình trạng đất đẹp xây nhà để bán, còn đất nghĩa trang, ao làng thì quy hoạch trường học. Chúng ta phải trả giá vì đã băm nát quy hoạch, làm quy hoạch chạy theo nhà đầu tư”, ông Tùng nhấn mạnh.
Một phường có 3 trường học quy hoạch ở nghĩa trang, ao đình
Phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) là phường nội thành có tốc độ phát triển đô thị hoá chóng mặt với 72 tòa chung cư cao tầng, trong đó nhiều khu cao tới 45 tầng. Dân cư của Hoàng Liệt từ 12.000 người nay tăng đột biến với khoảng 75.000 người. Hệ thống trường công lập của Hoàng Liệt đang rất thiếu, thế nhưng trước đây trên địa bàn có 3 dự án quy hoạch trường học trên địa bàn phường thì đều nằm trên đất nghĩa trang, đất ao đình lâu nay không triển khai vì không khả thi, vướng đủ điều.