Sáng nay (5/6), Thường trực HĐND thành phố Hà Nội tổ chức phiên giải trình về tình hình thực hiện Nghị quyết số 14/2018/NQ-HĐND của HĐND thành phố về kết quả giải quyết kiến nghị cử tri; kết quả thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, thông báo kết luận tố cáo đã có hiệu lực pháp luật trên địa bàn thành phố.
Theo báo cáo giám sát bằng hình ảnh của Thường trực HĐND thành phố tại phiên giải trình, công tác giải quyết các kiến nghị cử tri của thành phố từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay đạt nhiều kết quả tích cực. Thành phố đã giải quyết xong 2.434/2.770 nội dung kiến nghị của cử tri, đạt 88%.
Nhiều kiến nghị về công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, quản lý chung cư, giải quyết ô nhiễm môi trường… được UBND thành phố quan tâm chỉ đạo thực hiện. Đặc biệt, sau kiến nghị về các dự án “treo”, đất bỏ hoang gây lãng phí tài nguyên, phát sinh nhiều hệ lụy, UBND thành phố đã chỉ đạo dừng triển khai và chấm dứt hoạt động đối với 48 dự án để kéo dài, được cử tri và dư luận rất đồng tình.
Dù đã được xử lý rất tích cực, song theo thống kê, hiện còn 336 nội dung kiến nghị của cử tri đang giải quyết, chiếm tỷ lệ 12%.
Theo báo cáo giám sát của HĐND thành phố, đến nay, chính quyền các cấp thành phố Hà Nội mới thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật được 79/114 vụ (69,2%); thực hiện các thông báo kết luận tố cáo có hiệu lực pháp luật 82/180 vụ (45,5%); giải quyết các vụ việc phức tạp theo Nghị quyết 15-NQ/TU ngày 4-7-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội” 143/200 vụ (71,5%). Hiện, toàn thành phố còn tồn 190 vụ việc, chiếm 47,8%, trong đó cấp thành phố tồn 3 vụ việc, cấp huyện tồn 187 vụ việc…
Nhiều địa phương chưa giải quyết được vụ việc khiếu nại nào như: Thạch Thất, Hai Bà Trưng, Sóc Sơn. Một số quận, huyện, thị xã giải quyết các vụ khiếu nại đạt dưới 50% như: Đống Đa, Hoài Đức, Sơn Tây.
Về thực hiện các thông báo kết luận tố cáo, nhiều địa phương thực hiện mới đạt dưới 40% như: Ứng Hòa, Ba Đình, Hoài Đức, Phú Xuyên, Mê Linh. Một số đơn vị chỉ có từ 1 đến 2 vụ tố cáo nhưng chưa giải quyết xong như: Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Long Biên, Phúc Thọ.
Đối với việc giải quyết các vụ việc theo Nghị quyết 15-NQ/TU của Thành ủy, nhiều địa phương thực hiện với tỷ lệ rất thấp như: Ba Vì, Long Biên, Ba Đình, Thanh Trì. Ngoài ra, còn một số địa phương như Chương Mỹ, Nam Từ Liêm, Sơn Tây chỉ có từ 1 đến 2 vụ nhưng chưa giải quyết dứt điểm.
Phiên giải trình 12 lượt đại biểu đặt câu hỏi. Có tới 15 lượt lãnh đạo các sở ban ngành trực tiếp giải trình.
Phát biểu tại phiên giải trình, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, trong cuộc sống hiện nay có nhiều vấn đề phát sinh mà pháp luật không theo kịp khiến cho nhiều khiếu nại, khiếu kiện kéo dài. Thời gian tới, lãnh đạo Thành phố yêu cầu từ cấp Thành phố, lãnh đạo các quận huyện thực hiện đúng các lịch tiếp công dân. Tiếp tục hoàn thiện phần mềm Smart City để nhận đơn khiếu nại của người dân qua mạng; Nâng cao cải cách hành chính; Đôn đốc các tập thể, sở nghiệp vụ tăng cường thanh tra công vụ để nâng cao trách nhiệm của các cấp.