Hà Nội nhắc trận lụt kinh hoàng năm 2008 để chủ động phòng, chống thiên tai

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo dự báo của thành phố Hà Nội, nếu chịu ảnh hưởng bởi siêu bão, mưa cường độ lớn, nhiều khu vực ở thành phố bị ngập sâu từ 1 - 3 mét dẫn đến nhiều địa bàn bị cô lập, chia cắt. Nước sông, hồ đều ở mức cao hạn chế khả năng thoát nước, làm nhiều địa bàn bị ngập úng dài ngày...

Hà Nội vừa ban hành Quyết định về Phương án cứu trợ và đảm bảo đời sống nhân dân khi có sự cố, thiên tai của thành phố Hà Nội năm 2022.

Theo đó, tình huống số 1, Hà Nội chịu ảnh hưởng bởi bão mạnh, siêu bão, mưa lớn ngập úng khu vực ngoại thành.

Theo dự báo, mưa lớn trong thời gian ngắn kết hợp bão mạnh, siêu bão đi qua thành phố gây úng ngập ngoại thành là tình huống thường gặp trong công tác phòng, chống thiên tai hàng năm. Nhiều khu vực bị ngập sâu từ 1 – 3 mét dẫn đến nhiều địa bàn bị cô lập, chia cắt khi có bão lớn, mưa cường độ lớn dồn dập trong khi đó nước sông, hồ đều ở mức cao hạn chế khả năng thoát nước, làm nhiều địa bàn bị ngập úng dài ngày.

Phương án của thành phố dẫn lại thông tin đợt mưa cuối tháng 10/2008, tổng lượng mưa ở khu vực Hà Nội phổ biến từ 350 - 550 mm. Các địa phương bị ảnh hưởng gồm Sơn Tây, Mỹ Đức, Ứng Hoà, Thanh Oai, Chương Mỹ, Hoài Đức, Hà Đông, Quốc Oai, Thanh Trì, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Đông Anh, Long Biên, Phú Xuyên, Gia Lâm, Mê Linh. Dự kiến 188.000 hộ dân (750.000 nhân khẩu) bị ảnh hưởng.

"Khi mưa dài ngày, nước từ từ dâng lên thì nhân dân chủ động phòng, chống; khi mưa lớn bất thường kèm theo bão lớn dẫn đến tình trạng ngập sâu, nhân dân lúng túng rất cần sự trợ giúp của chính quyền", phương án nêu.

Phương án của thành phố cũng nêu các tình huống vỡ đê trọng điểm như vỡ đê hữu hồng huyện Ba Vì; vỡ đê Vân Cốc huyện Phúc Thọ; vỡ điểm cống Liên Mạc; vỡ đê Tả Đuống huyện Đông Anh; vỡ đê tả Bùi, tả Tích, lũ quét rừng ngang huyện Chương Mỹ; vỡ đê sông Mỹ Hà huyện Mỹ Đức; tình huống vỡ đập, hồ thuỷ lợi…

Thành phố cũng dự phòng các tình huống thảm hoạ, gồm sập, đổ nhà và các công trình xây dựng; sự cố rò rỉ, phát tán hoá chất độc hại, chất phóng xạ; cháy nổ lớn; tai nạn máy bay, tai nạn tàu thuyền trên sông, tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt nghiêm trọng…

Đặc biệt, thành phố cũng nêu trường hợp tình huống xảy ra động đất tại Hà Nội. Theo đó, năm 1983, thành phố Hà Nội đã bị ảnh hưởng của dư chấn động đất có cường độ 4,5 độ richter, tương đương cấp 6. Tháng 5/2008, Hà Nội bị ảnh hưởng dư chấn động đất tại Tứ Xuyên (Trung Quốc) cường độ cấp 3. Đêm 24/3/2011, dư chấn động đất 7 độ richter tại Myanmar đã gây rung chấn cấp 5 tại thành phố Hà Nội và cấp 6 tại một số tỉnh phía Tây Bắc.

"Theo dự báo của các nhà chuyên môn, thành phố Hà Nội có thể xảy ra động đất mạnh từ 6,1 đến 6,5 độ richter với tâm chấn sâu 15 – 20km, liên quan đến hoạt động của các đứt gãy kiến tạo sông Hồng, sông Chảy", thông tin từ phương án của thành phố Hà Nội.

Cũng theo phương án này, theo bản đồ phân vùng nhỏ động đất, khu vực huyện Đông Anh, quận Bắc Từ Liêm; khu vực Thủ Lệ, Liễu Giai, Vạn Phúc, Thịnh Hào, quận Ba Đình thuộc khu vực có khả năng động đất cấp 7.

Phần Tây Nam thành phố gồm huyện Thanh Trì, quận Nam Từ Liêm, phía nam quận Đống Đa, quận Hoàn Kiếm, quận Hai Bà Trưng, phía đông bắc Hồ Tây, phía đông nam huyện Thường Tín có khả năng xảy ra động đất cấp 8.

Quận Hoàng Mai (các phường Định Công, Vĩnh Tuy, Thịnh Liệt, Pháp Vân), phía bắc huyện Thanh Trì (xã Văn Điển, Tứ Hiệp) có khả năng xảy ra động đất cấp 8 - 9.

Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) cho biết, khi xảy ra động đất mạnh, mức thiệt hại nhà cửa ở quận Hoàn Kiếm là cao nhất có xác suất 40%. Nặng nhất được dự báo tập trung tại khu vực phía bắc hồ Hoàn Kiếm gồm khu phố cổ, các phường: Hàng Mã, Đồng Xuân, Hàng Bồ, Hàng Đào, Cửa Đông và phía đông với hai phường ven đê Phúc Tân và Chương Dương.

Phương án của thành phố nêu cụ thể các giải pháp ứng phó đối với cụ thể từng tình huống ngập úng, vỡ đê, vỡ đập hồ thuỷ lợi; ứng phó với các thảm hoạ, tình huống động đất… Thành phố dự kiến bố trí gần 100 tỷ đồng để triển khai các phương án dự trữ hàng hoá phục vụ cứu trợ khẩn cấp.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.