Hà Nội: Lo “chảy máu chất xám” sau sáp nhập các ban quản lý dự án

Khu liên cơ Võ Chí Công - Một dự án của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp Thành phố Hà Nội
Khu liên cơ Võ Chí Công - Một dự án của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp Thành phố Hà Nội
TPO - Sau khi sáp nhập 24 Ban quản lý dự án thuộc các sở ngành thành 5 Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thuộc thành phố. Kết quả đầu mối giảm, biên chế giảm nhưng tiền lương cũng giảm khiến nhiều Ban quản lý dự án có tình trạng “chảy máu chất xám”

Ngày 23/5, đoàn giám sát HĐND thành phố Hà Nội có buổi làm việc với lãnh đạo các sở ngành về kết quả thực hiện “Năm kỷ cương hành chính 2017”, gắn với việc thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và các chỉ đạo của Chính phủ, thành phố về công tác cải cách hành chính.

Ông Nguyễn Hoài Nam, trưởng Ban Pháp chế nêu vấn đề: Sau khi sáp nhập lại thành 5 Ban quản lý dự án thì đầu mối giảm, biên chế giảm nhưng tiền lương cũng giảm. Có những cán bộ lương đang được 3 “chấm” nay chỉ còn 1/3. “Chúng ta đang bị chảy máu chất xám, không có giải pháp tốt thì sẽ mất những người giỏi làm việc”, ông Nam nói.

Giải đáp về vấn đề này, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng cho biết, so với năm 2015, Hà Nội đã giảm được 10% đơn vị sự nghiệp. Về sáp nhập Ban quản lý dự án về nguyên lý mô hình này là tốt, tập trung được nguồn lực tuy nhiên khó khăn chủ yếu vì nguồn thu. Theo Luật Đầu tư, Ban quản lý đều có 1% cho mỗi công trình. Ông Sáng cho rằng: “Tuy nhiên, không có công trình, không có dự án thì lấy đâu 1% để tiêu. Trong khi tiền của các dự án cũ chuyển tiếp thì có 1% thì tiêu hết”. Ngoài ra, lãnh đạo Sở Nội vụ cũng nhìn nhận thực tế hệ số lương hiện nay ở các Ban quản lý đang rất thấp dẫn đến nhiều người lao động bỏ việc.

Chọn 5 đơn vị cổ phần hóa

Ông Nguyễn Việt Hà PGD Sở Tài Chính Hà Nội thông tin: “Căn cứ vào tình hình thực tế, Sở Tài chính đã mời từng ngành để rà soát, chỉ rõ đơn vị nào sẽ tự chủ hoàn toàn, hoặc tự chủ tài chính một phần năm 2021”. Cụ thể, có 199 đơn vị, trong đó 3 đơn vị tự chủ loại I (tự chủ hoàn toàn); còn lại 196 đơn vị tự chủ loại 2 (tự đảm bảo chi thường xuyên).

Về việc cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp được tiến hành theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Sở Tài chính đã rà soát lựa chọn ra 5 đơn vị thực hiện cổ phần hóa. Hiện nay, các đơn vị này đang rà soát lại hồ sơ các phương án tài chính, phương án sử dụng đất.

Theo báo cáo của Ban Pháp chế về công tác kiện toàn, sắp xếp bộ máy như: Sắp xếp trường cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp, trung tâm bảo trợ xã hội, các trạm chăn nuôi, khuyến nông, sắp xếp các cơ quan báo chí… còn chưa đạt tiến độ đề ra. Thực hiện cơ chế tự chủ đơn vị sự nghiệp, chuyển đổi công ty cổ phần của thành phố còn chậm, khó đạt chỉ tiêu 10% của Nghị quyết 19-TQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.

Ban Pháp chế nêu rõ một số đơn vị chưa hoàn thành, hoặc hoàn thành chậm trong công tác sắp xếp tổ chức bộ máy. Như Sở NN&PTNT có các đơn vị thực hiện sắp xếp chậm: Cty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội và Mê Linh; Đề án vị trí việc làm của các đơn vị sự nghiệp chưa được thành phố phê duyệt (Sở NN&PTNT); Công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của một số bộ phận của một số đơn vị còn chưa cao.

Công tác sắp xếp các đơn vị sự nghiệp văn hóa, thể thao còn chậm, việc thực hiện tự chủ của các đơn vị này còn lúng túng, gặp nhiều khó khăn.

Tình trạng sử dụng biên chế ở một số đơn vị sự nghiệp sau sát nhập đang cao hơn số được giao và việc sử dụng hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn vẫn chưa được thực hiện theo đúng Nghị quyết số 17/NQ-HDND.

MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".