Theo ông Hùng, năm 2018, thành phố đã triển khai 376 cuộc thanh tra hành chính; đã kết luận 316 cuộc; thu hồi 179 tỷ đồng, xử lý vi phạm 3,3ha đất. Thanh tra chuyên ngành được triển khai đồng bộ trên nhiều lĩnh vực KT-XH...
Về công tác tiếp công dân, xử lý đơn và giải quyết khiếu nại tố cáo, các cơ quan hành chính đã tiếp thường xuyên gần 29.600 lượt công dân; 323 lượt đoàn đông người.
Lãnh đạo các cơ quan của thành phố đã tiếp định kỳ 16.020 lượt công dân, trong đó lãnh đạo UBND thành phố đã tiếp 438 lượt công dân; có một số vụ đông người đã được chỉ đạo kịp thời, không để diễn biến phức tạp. Toàn thành phố đã tiếp nhận và xử lý gần 36.000 đơn; đã giải quyết 2.727 vụ khiếu nại, đạt 84,1%; đã giải quyết 1.441 vụ tố cáo, đạt 86,9%.
Trong giải quyết các vụ khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài, thành phố đã phối hợp với Ban Tiếp công dân T.Ư giải quyết 104 vụ việc khiếu kiện vượt cấp, kiên quyết không để phát sinh “điểm nóng”, không để các vụ việc diễn biến phức tạp hơn.
Các cơ quan, đơn vị của thành phố thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống tham nhũng, như: Tăng cường công khai minh bạch, đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách TTHC, tăng cường ứng dụng CNTT trong cung cấp dịch vụ công để giảm thời gian và chi phí cho người dân và DN.
Tại hội nghị, ông Hùng kiến nghị Thanh tra Chính phủ triển khai Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại tố cáo đến các quận, huyện, thị xã. Bên cạnh đó, sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Tố cáo năm 2018, Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018.
Đề nghị Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT quan tâm, tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp pháp luật về lĩnh vực nhà, đất nhằm ngăn ngừa phát sinh khiếu kiện.
Với các vụ việc khiếu nại tố cáo phức tạp, đông người, đề nghị các cơ quan T.Ư đồng thuận, thống nhất trong việc trả lời, hướng dẫn công dân nghiêm túc chấp hành các quy định của cơ quan có thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật.
Đề nghị Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ và các địa phương có công dân KNTC khiếu kiện kéo dài tại các cơ quan T.Ư tại Hà Nội chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng thường xuyên phối hợp để nắm tình hình, kiên trì vận động, thuyết phục người khiếu kiện trở về địa phương.
Đáng lưu ý, Hà Nội cũng đề nghị Thanh tra Chính phủ có hướng dẫn cụ thể các quy định về việc quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi tiếp công dân tại các Trụ sở tiếp công dân… góp phần tăng cường pháp chế, kỷ luật kỷ cương hành chính, đảm bảo phù hợp với thực tiễn, thống nhất, hiệu quả trên phạm vi toàn quốc.
Trước đó, như Tiền Phong đã phản ánh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký văn bản quyết định ban hành nội quy về việc tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân thành phố. Trong nội quy ghi rõ: “Không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân”.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, tất cả các phòng tiếp công dân trên địa bàn thành phố Hà Nội và của Trung ương trên địa bàn đều đã trang bị camera ghi âm và ghi hình. "Do đó, người dân có yêu cầu muốn trích xuất lại toàn bộ, chúng tôi sẽ trích xuất đầy đủ bàn giao và có biên bản cẩn thận", ông Chung nói.
Theo ông Chung, trong trường hợp người dân có nhu cầu ghi âm, ghi hình thì trao đổi với cán bộ tiếp công dân. “Sau khi ghi âm, ghi hình xong thì hai bên cùng kiểm tra lại nội dung và xác nhận bằng biên bản với nhau để làm tài liệu sử dụng trên cơ sở công khai minh bạch”, ông Chung nói thêm.
Lý giải tại sao có quy định này, người đứng đầu chính quyền thành phố Hà Nội cho hay, nhằm “chống tình trạng một số người đi theo người nhà đến trụ sở tiếp dân nhưng lại dùng các thiết bị bí mật ghi âm, ghi hình rồi về cắt xén nội dung buổi tiếp, sau đó đưa lên mạng phục vụ những mục đích khác”.