Hà Nội

Đường đất lầy lội, người dân góp gần 1 tỷ đổ bê tông nhưng bị chính quyền phá nham nhở

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đoạn đường đất gần 1km bên hồ Đồng Đò thuộc thôn Minh Tân (xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn) hễ mưa là lầy lội, trơn trượt, vì thế người dân đã đóng góp tiền để đổ bê tông cho sạch sẽ phục vụ việc đi lại. Thế nhưng, sau 1 tháng, chính quyền địa phương đã cho phá dỡ lớp bê tông khiến người dân ngỡ ngàng, dù trước khi làm họ đã xin ý kiến lãnh đạo xã.

Lãng phí tiền của

Báo Tiền Phong nhận được phản ánh của người dân thôn Minh Tân, xã Minh Trí (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) về việc đoạn đường phía Đông hồ Đồng Đò dài khoảng hơn 800m vừa được người dân đóng góp kinh phí gần 1 tỷ đồng để san gạt, cải tạo, đổ bê tông phục vụ việc đi lại thuận tiện nhưng đã bị chính quyền cho người phá dỡ nham nhở sau 1 tháng sử dụng.

Chị Phương – người dân thôn Minh Tân cho biết, con đường này trước đây là đường đất, mỗi khi mưa lớn bị lầy lội và trơn trượt ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại, sinh hoạt của người dân. Đặc biệt, sau ảnh hưởng của cơn bão số 3 vừa qua, tuyến đường càng “thảm hại”, khiến người dân gặp nhiều khó khăn, đi lại chật vật.

Đường đất lầy lội, người dân góp gần 1 tỷ đổ bê tông nhưng bị chính quyền phá nham nhở ảnh 1Đường đất lầy lội, người dân góp gần 1 tỷ đổ bê tông nhưng bị chính quyền phá nham nhở ảnh 2

Đoạn đường phía Đông hồ Đồng Đò thôn Minh Tân, xã Minh Trí (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) mỗi khi mưa lớn bị lầy lội và trơn trượt ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại, sinh hoạt của người dân. Ảnh: người dân cung cấp.

Do đó, người dân thống nhất tự bỏ kinh phí, cải tạo mặt đường phục vụ việc đi lại, sinh hoạt của hơn chục hộ dân cho sạch sẽ, an toàn và xin ý kiến lãnh đạo thôn.

Sau đó, trưởng thôn Minh Tân cho biết, đã xin kiến lãnh đạo xã trong cuộc họp giao ban về việc cải tạo đoạn đường này. Trước cuộc họp, lãnh đạo xã đồng ý và hoan nghênh việc người dân tự bỏ kinh phí cùng lãnh đạo thôn khắc phục hậu quả sau bão lũ.

“Khi nhận được thông tin từ lãnh đạo thôn, người dân chúng tôi góp tiền, thuê máy móc cải tạo mặt đường và đến giữa tháng 10 thì tiến hành đổ bê tông. Thế nhưng, người dân chưa kịp vui mừng vì có đường bê tông sạch sẽ thì đến giữa tháng 11/2024, chúng tôi vô cùng bất ngờ và hoang mang khi nhiều đoạn đường bị chính quyền địa phương cho người phá dỡ, bóc bỏ lớp bê tông vì cho rằng việc đổ bê tông tuyến đường là vi phạm công trình bảo vệ thủy lợi hồ Đồng Đò. Chúng tôi nghĩ đây là con đường dân sinh, người dân đi lại khó khăn bao nhiêu năm nay, giờ mới cải tạo được sạch sẽ nên mong muốn chính quyền xem xét, dừng việc phá dỡ, sửa chữa lại đường cho người dân đi lại”, chị Phương kiến nghị.

Bà Tý – người dân thôn Minh Tân cho rằng, việc phá bỏ đường bê tông này gây lãng phí tiền của, công sức người dân đóng góp. “Tại sao khi người dân bắt đầu cải tạo, đổ bê tông tuyến đường thì cơ quan chức năng không có ý kiến, không yêu cầu dừng việc này lại, để đến khi làm xong thì tiến hành cưỡng chế, phá bỏ gây lãng phí tiền của người dân cũng như tiền ngân sách thuê máy móc, nhân công để phá dỡ, bóc bỏ đoạn đường”, bà Tý đặt vấn đề.

Phá dỡ có đúng quy trình?

Theo hồ sơ của PV, khi tuyến đường làm xong cả nửa tháng, đến ngày 26/10 thì Xí nghiệp thủy lợi Sóc Sơn thuộc Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển Thủy lợi Hà Nội mới có biên bản kiểm tra khu vực hồ Đồng Đò phát hiện việc đổ mặt bê tông tại Cos 40,90 – 41,57 vi phạm bảo vệ công trình thủy lợi đối với 2 vị trí, không xác định đối tượng vi phạm. Trong đó, đoạn 1 có chiều dài 33m, chiều rộng 5m, chiều cao 0,2m; đoạn 2 có chiều dài 126m, chiều rộng 6m, chiều cao 0,2m.

Đường đất lầy lội, người dân góp gần 1 tỷ đổ bê tông nhưng bị chính quyền phá nham nhở ảnh 3
Đường đất lầy lội, người dân góp gần 1 tỷ đổ bê tông nhưng bị chính quyền phá nham nhở ảnh 4

Hình ảnh đoạn đường ven hồ Đồng Đò trước (ảnh trên) và sau khi bị phá dỡ, bóc bỏ nhiều đoạn bê tông (ảnh dưới).

Sau đó, đến ngày 9/11 và 14/11, UBND xã Minh Trí liên tiếp ra thông báo về việc khắc phục hậu quả, khôi phục lại tình trạng ban đầu trước khi vi phạm. Trong đó, tại thông báo 444 ngày 14/11 yêu cầu khôi phục lại tình trạng ban đầu, chậm nhất đến hết ngày 16/11, quá thời hạn trên, xã sẽ tổ chức xử lý khắc phục hậu quả, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu theo quy định.

Thế nhưng, theo người dân thôn Minh Tân, khi vừa có thông báo, UBND xã đã cho máy móc vào tổ chức phá dỡ con đường, và sáng 15/11, chính quyền xã tiếp tục tổ chức cưỡng chế cả những đoạn đường không có trong kế hoạch khắc phục hậu quả của UBND xã Minh Trí.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Hòa - trưởng thôn Minh Tân cho rằng, việc tổ chức cưỡng chế, phá dỡ đường bê tông không đúng về quy trình và nội dung cưỡng chế.

“UBND xã Minh Trí không lập hồ sơ, không có quyết định cưỡng chế. Không niêm yết công khai thông báo và kế hoạch cưỡng chế ít nhất là 15 ngày trước khi cưỡng chế tại địa điểm được cho là vi phạm cũng như tại trụ sở thôn Minh Tân. Điều đáng nói, tại thông báo và kế hoạch khắc phục hậu quả (Kế hoạch 168 ngày 11/11 – PV) của UBND xã Minh Trí ghi rõ chỉ phá dỡ 2 đoạn đường nhưng thực tế đã phá tiếp một đoạn thứ 3 dài khoảng 150m không nằm trong kế hoạch. Về sự việc này, tôi cũng đã báo cáo lên UBND huyện Sóc Sơn”, ông Hòa nói.

Trao đổi với PV, ông Đinh Văn Bảo – Chủ tịch UBND xã Minh Trí thừa nhận trước khi cải tạo tuyến đường này lãnh đạo thôn Minh Tân cũng đã xin ý kiến lãnh đạo xã trong cuộc họp giao ban. Tuy nhiên, lãnh đạo xã cho rằng, không xin ý kiến cụ thể về việc đổ bê tông tuyến đường.

Về ý kiến cho rằng, tuyến đường bê tông đổ xong, người dân đi lại cả tháng mới cưỡng chế, phá dỡ gây lãng phí, Chủ tịch UBND xã Minh Trí "đổ lỗi" do thôn Minh Tân nằm xa trung tâm của xã Minh Trí và trung tâm của huyện Sóc Sơn nên không phát hiện, ngăn chặn kịp thời.

"Chúng tôi rất chia sẻ với với mong muốn của bà con thôn Minh Tân, những người lên xây dựng vùng kinh tế mới Đồng Đò. Tuy nhiên, do bất cập, khó khăn trong công tác quản lý về điều kiện tự nhiên, đất đai do nơi đây chưa có bản đồ địa chính. Cũng như do vướng mắc, trùng lấn quy hoạch rừng phòng hộ và công trình hồ thủy lợi Đồng Đò phục vụ cho nông nghiệp", ông Bảo nói.

UBND huyện Sóc Sơn cho biết, để xảy ra vi phạm nêu trên là do UBND xã Minh Trí, Hạt Kiểm lâm số 4, Xí nghiệp thủy lợi Sóc Sơn và cán bộ, công chức liên quan chậm, thiếu kiểm tra, không phát hiện kịp thời để ngăn chặn, xử lý ngay từ khi mới phát sinh, không thông tin, báo cáo, kiểm tra, xác minh xử lý vụ việc để vi phạm đã hoàn thành mới lập hồ sơ, báo cáo, đề nghị cấp trên xử lý.

Do đó, UBND huyện Sóc Sơn nghiêm túc phê bình UBND xã Minh Trí, Hạt Kiểm lâm số 4, Xí nghiệp thủy lợi Sóc Sơn và công chức được giao nhiệm vụ chậm nắm bắt thông tin, thiếu kiểm tra, không thông tin, báo cáo vụ việc, chậm và không có biện pháp ngăn chặn, xử lý vi phạm, để vụ việc đã hoàn thành, khó khắc phục gây phức tạp tình hình.

MỚI - NÓNG
Mưa lớn tái diễn tại Huế, nguy cơ ngập úng và sạt lở
Mưa lớn tái diễn tại Huế, nguy cơ ngập úng và sạt lở
TPO - Theo dự báo, từ ngày 22 đến 24/11, tại Thừa Thiên-Huế (TT-Huế) có mưa, mưa vừa, rải rác mưa to, có nơi mưa rất to; tổng lượng mưa cả đợt phổ biến từ 100-300mm, có nơi trên 500mm, gây khả năng xuất hiện một đợt lũ, nguy cơ ngập lụt, ngập úng kéo dài và trượt lở đất ở các địa phương.