Hà Nội đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp FDI

Chủ đầu tư dự án khu đô thị sinh thái tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh phản ánh những khó khăn.
Chủ đầu tư dự án khu đô thị sinh thái tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh phản ánh những khó khăn.
TPO - Trong buổi làm việc sáng nay, lãnh đạo thành phố Hà Nội, Sở KHĐT và nhiều sở ngành đã có cuộc gặp gỡ, đối thoại với đại diện hàng chục doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Tại buổi đối thoại, nhiều khó khăn của doanh nghiệp về quy hoạch, đất đai đã được lãnh đạo thành phố chỉ đạo giải quyết...

Phê duyệt dự án nhưng không có đường vào!

Đại diện dự án khu đô thị sinh thái tại xã Tiền Phong huyện Mê Linh cho biết, doanh nghiệp này khốn khổ gần chục năm qua do việc không có đường vào. Nguyên nhân là dự án trước đây được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt, doanh nghiệp đã ứng tiền làm đường vào khá tốn kém. 

Tuy nhiên năm 2008 sau khi huyện Mê Linh sáp nhập vào Hà Nội thì quy hoạch bị điều chỉnh dẫn đến tình trạng dự án biến thành bãi đất hoang do không có đường vào, con đường đã làm bị hủy bỏ. “Bao nhiêu công sức tiền của đã đổ vào dự án. Tuy nhiên nếu không có đường thì dự án sẽ như vùng đất chết”, đại diện nhà đầu tư nói.

Dự án Sông Hồng City cũng thăng trầm không kém, thậm chí còn lập “kỷ lục” về thời gian đình trệ với 21 năm chờ đợi. Dự án có vị trí đặt tại khu vực ngoài đê sông Hồng trên địa bàn quận Tây Hồ đã được phê duyệt nhưng sau đó do điều chỉnh quy hoạch, vướng phải quy định của pháp luật về đê điều nên bị đình trệ cho đến nay vẫn chưa có hướng giải quyết.

Theo Sở KH&ĐT Hà Nội, khó khăn vướng mắc chủ yếu của các dự án tập trung vào lĩnh vực quy hoạch, đất đai, tài chính, giải phóng mặt bằng. Dự án gặp khó khăn về quy hoạch gồm 12 dự án. Trong đó, có 03 dự án phải chờ quy hoạch phân khu gồm: Dự án khu công nghiệp (KCN) Bắc Thường Tín, Dự án Trấn Sông Hồng, Dự án Khu nhà ở sinh thái VIT-Tiền Phong. Có 09 dự án phải chờ Quy hoạch chi tiết 1/500 gồm: Khu chức năng đô thị Nolbe, khu đô thị (KĐT) Thành phố công nghệ xanh, KĐT ParkCity, KĐT Bắc An Khánh, KĐT Hà Nội WestGate, Trung tâm Tài chính thương mại và Công trình phụ trợ, Toà tháp Thiên niên kỷ, Times Square, Đất Hồ Tây.

Khó khăn về GPMB và bàn giao đất có 08 dự án gồm: Dự án KĐT Trung tâm Tây Hồ Tây, KĐT Nam Thăng Long giai đoạn 2, KĐT C2 Gamuda; Công viên Yên Sở; Trường Quốc tế Grammar School, Khu nhà ở của Công ty Togi Việt Nam, Tổ hợp y tế Phương đông; Cao ốc Quốc tế Hồ Tây. Khó khăn do nguyên nhân khác gồm có 13 dự án như Dự án Cao ốc Quốc tế Hồ Tây vướng nhà dân ảnh hưởng mặt bằng thi công xây dựng công trình; Dự án tòa nhà Đất Hồ Tây vướng đường dẫn cầu Nhật Tân ảnh hướng kiến trúc và khoảng cách công trình dự án ...; hoặc một số nhà đầu tư gặp khó khăn về thị trường đã đề nghị điều chỉnh lại quy hoạch, cơ cấu căn hộ như Dự án Hibrand, Chung cư Booyoung...

Hà Nội đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp FDI ảnh 1 Giám đốc Sở KHĐT Hà Nội Ngô Văn Quý trả lời các kiến nghị của nhà đầu tư

Vốn FDI vào Hà Nội tăng mạnh

Trong Quý I năm 2015, toàn Thành phố đã thực hiện cấp mới và tăng vốn cho 80 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đạt 160,2 triệu USD (tăng 2,6 lần so cùng kỳ 2014). Trong đó cấp mới 64 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 92 triệu USD (tăng 204% so cùng kỳ 2014 và lĩnh vực chiếm tỷ trọng vốn lớn nhất là Kinh doanh bất động sản với 70,2%); Điều chỉnh tăng vốn cho 16 lượt dự án với giá trị vốn tăng đạt 68,2 triệu USD (tăng 4,7 lần so cùng kỳ 2014 và lĩnh vực điều chỉnh tăng vốn đầu tư lớn nhất là Chế biến chế tạo chiếm 53,5%).

Tính đến nay, Hàn Quốc là quốc gia dẫn đầu với 893 dự án và 4,77 tỷ USD vốn đăng ký; Nhật Bản đứng thứ hai với 638 dự án và 4,64 tỷ USD vốn đăng ký. Đa số các dự án FDI trên địa bàn được đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài (chiếm khoảng 76%), còn lại thuộc hình thức khác như liên doanh, BCC. Lĩnh vực thu hút nhiều vốn nhất là kinh doanh BĐS (chiếm 46,6%); công nghiệp chế biến chế tạo (chiếm 28,5%), còn lại thuộc lĩnh vực khác.

Về vốn đầu tư: Khối doanh nghiệp FDI đóng góp khoảng 15% trong tổng vốn đầu tư xã hội của Thành phố và chiếm khoảng 16,5 cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn (GDP). Về kim ngạch xuất khẩu: Năm 2014 khối FDI thực hiện đạt 5.390 triệu USD, chiếm tỷ trọng 48,2% tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn (tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2013), chiếm tỷ trọng xuất khẩu cao nhất trong 3 thành phần kinh tế (kinh tế nhà nước chiếm 33,3%, kinh tế ngoài nhà nước chiếm 12,8%) và duy trì mức ổn định tăng trưởng hàng năm. Riêng Quý I/2015 kim ngạch khối doanh nghiệp FDI đạt khoảng 1,27 tỷ USD (tăng 10,5% so cùng kỳ 2014, chiếm tỷ trọng 46,1% toàn thành phố).

Về giải quyết lao động việc làm: Ước tính năm 2014 đã có khoảng 213.784 lượt lao động trực tiếp và nhiều lao động gián tiếp làm việc trong các doanh nghiệp FDI, đã tạo ra nhiều chỗ làm cho lực lượng lao động tại Thành phố, góp phần không nhỏ vào việc tạo công ăn việc làm, nâng cao mức sống của người dân. Về đóng góp cho ngân sách: Năm 2014, các doanh nghiệp trong khối này đã nộp 17.699 triệu đồng, tương đương 834 triệu USD (tăng 4% so với cùng kỳ 2013), chiếm 12,6% tổng thu ngân sách thành phố. Riêng trong Quý I/2015 khối doanh nghiệp FDI đã nộp khoảng 293 triệu USD (tăng 63% so cùng kỳ 2014).

Đầu tư của các doanh nghiệp FDI đã tạo điểm nhấn trong diện mạo phát triển kinh tế đô thị văn minh hiện đại của Thủ đô: đã đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác có hiệu quả nhiều cao ốc khách sạn, văn phòng, trung tâm thương mại, các khu đô thị mới văn minh, các khu nhà ở, căn hộ cao cấp với thiết kế đạt tiêu chuẩn quốc tế; các hệ thống siêu thị, khu vui thể thao vui chơi giải trí.. đã cung cấp nhiều sản phẩm, dịch vụ có chất lượng cao cho nhu cầu tiêu dùng của người dân thủ đô, khách du lịch và toàn xã hội, góp phần cải thiện và nâng cao mức tiêu dùng cho người dân, đáp ứng kịp thời các nhu cầu khác nhau của những đối tượng tiêu dùng trong xã hội.

Theo thống kê lũy kế đến hết năm 2014, toàn địa bàn Thành phố đã thu hút được 3169 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 26,3tỷ USD từ 63 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia đầu tư (đứng thứ 3 cả nước về vốn thu hút, sau TP HCM với 37,9 tỷ USD và Bà Rịa Vũng Tầu với 26,7 tỷ USD). Trong đó, số dự án và tổng vốn đầu tư đăng ký luỹ kế còn hiệu lực là 2.988 dự án với 21,7 tỷ USD (do một số dự án đã chấm dứt giải thể, chuyển đổi thành 100% vốn trong nước, chuyển địa phương khác). Vốn đầu tư thực hiện lũy kế đạt khoảng 11,3 tỷ USD (chiếm khoảng 52%).

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.