Hà Nội điều tra công trình chây ì khắc phục PCCC: Người dân mong gì?

Chủ đầu tư tòa CT4 Khu đô thị Văn Khê nhiều năm nay vẫn ôm tiền quỹ bảo trì của cư dân, dẫn đến việc không có kinh phí bảo trì hệ thống PCCC. Ảnh: Duy Phạm.
Chủ đầu tư tòa CT4 Khu đô thị Văn Khê nhiều năm nay vẫn ôm tiền quỹ bảo trì của cư dân, dẫn đến việc không có kinh phí bảo trì hệ thống PCCC. Ảnh: Duy Phạm.
TP - Cảnh sát PCCC Hà Nội vừa công bố chuyển hồ sơ 3 công trình chây ì khắc phục vi phạm PCCC sang cơ quan điều tra xử lý. Ghi nhận của Tiền Phong, đại diện Ban quản lý các tòa nhà, cư dân đều mong muốn có các biện pháp mạnh tay để đảm bảo an toàn cho người dân.

Sống trong sợ hãi

Bà Trần Thị Bình, sinh sống trong căn hộ 1304, Trưởng Ban quản trị tòa nhà CT5AB, khu đô thị Văn Khê - một trong 3 công trình bị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra - cho biết, hiện nguy cơ xảy ra cháy nổ tòa nhà đã đến đỉnh điểm, không còn gì cấp bách hơn nữa. “Sáu năm nay dân ở không có PCCC. Cháy cũng xảy ra  mấy vụ rồi. Vừa rồi lại cháy tiếp một căn hộ nữa mà không hề có báo cháy, không hề có cái gì để chữa cháy. Chỉ có nước sạch do Ban quản trị, Ban quản lý tự khắc phục, đấu nối với vòi chữa cháy thôi”, bà Bình nói.

Làm nhiệm vụ Trưởng Ban quản trị, nhiều năm nay, nhiệm vụ hàng đầu của bà và các cư dân chung cư CT5AB là đòi bàn giao PCCC về cho Ban quản trị, Ban quản lý tòa nhà. “Chúng tôi đã đề nghị từ chính quyền cấp dưới lên cấp trên, từ phường đến cấp quận, các Sở Xây dựng, PCCC, cả UBND thành phố, HĐND thành phố... Cũng có các đoàn về làm việc, nhưng rồi vẫn chìm vào im lặng”, bà Bình nói. Bà Bình so sánh, nếu xảy ra vụ cháy như ở chung cư Carina trong TPHCM, chung cư bà ở thiệt hại về con người, tài sản có thể tăng lên gấp chục lần. “Chúng tôi không có cái gì để chữa cháy, không có lối nào để thoát. Thậm chí đằng sau tòa nhà, xe PCCC không tiếp cận được”, bà Bình nói thêm.

Cũng theo bà Bình, nguyên nhân tòa nhà không đảm bảo hệ thống PCCC là do chủ đầu tư là Cty Hà Châu OSC nợ tiền đơn vị lắp đặt hệ thống PCCC tòa nhà. “Theo chúng tôi biết, họ nợ nhau khoảng 2,4 tỷ đồng. Chúng tôi đã nhiều lần sang nói chuyện, vừa lý vừa tình với Cty Hà Châu OSC là 2,4 tỷ đồng so với bao nhiêu mạng người thì nên làm phúc, trả nợ cho họ để bàn giao PCCC cho chúng tôi. Nhưng họ trốn tránh, không gặp, toàn cử cán bộ văn phòng xuống nên không có câu trả lời”, bà Bình thông tin.

Xác nhận vấn đề trên, ông Tống Văn Mạnh, Ban quản lý nhà CT5AB thuộc Cty Gia Lộc An cho biết, Cty chủ đầu tư Hà Châu OSC đang nợ tiền nhà thầu xây dựng hệ thống PCCC nên không bàn giao cho tòa nhà. “Hệ thống PCCC rất bất cập, gây khó khăn cho PCCC khi xảy ra cháy nổ. Hiện tại trong căn hộ không có báo cháy, không có báo nhiệt, không có đầu báo khói. Gọi chính xác khi xảy ra cháy sẽ là tay không bắt giặc”, ông Mạnh nói.

Về thông tin điều tra tòa nhà, bà Bình cho biết, cũng chỉ biết vậy thôi, vì qua nhiều lần, có cả các chỉ thị xuống, nhưng vấn đề PCCC, quỹ bảo trì vẫn rơi vào im lặng. “Hiện tại, chúng tôi không có kinh phí. Quỹ bảo trì chủ đầu tư không trả. Hơn 5 tỷ đồng mà chúng tôi mới nhận được có hơn một tỷ. Nhà cửa hỏng hóc chúng tôi sửa chữa cũng hết nhiều.  Người dân cũng không đóng góp được. Nên chúng tôi chẳng làm gì được, chỉ trông chờ vào pháp luật thôi, hoặc là chờ chết”, bà Bình nói.

Chủ đầu tư “ôm” quỹ bảo trì

Cùng ở khu đô thị Văn Khê, tòa nhà CT4 do Cty Cổ phần Sông Đà  1 làm chủ đầu tư cũng bị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra vì chây ì khắc phục vi phạm PCCC. Trao đổi với Tiền Phong, bà Nguyễn Lệ Thủy, Trưởng Ban quản trị tòa nhà CT4 cho biết, hệ thống PCCC từ khi đưa vào hoạt động chưa nghiệm thu. Các thiết bị chữa cháy để lâu theo thời gian, tự hư hỏng như các tay cầm mở cửa, đèn báo thoát hiểm, hệ thống vách ngăn chữa cháy ở 2 tầng hầm xe máy, ô tô không hoạt động. Hệ thống nước chữa cháy kiểm tra ngày 3/4 có thể lên được nhưng không có bơm tăng áp nên lực rất yếu...

“Mối nguy hiểm luôn rình rập dân cư ở đây”, bà Thủy nói, đồng thời cho biết, tòa nhà có hơn 320 căn hộ, khoảng hơn 1.000 người dân đang sinh sống. “Dẫn đến tình trạng này nguyên nhân chính là chủ đầu tư không bàn giao tiền bảo trì. Số tiền khoảng 6 tỷ đồng chưa tính lãi ngân hàng từ năm 2011. Không có kinh phí nên không thể khắc phục được PCCC”, bà Thủy nói.

Theo bà Thủy, mới đây, Ban quản trị cho kiểm tra hệ thống PCCC ở tòa nhà, gần như hệ thống báo cháy trong các căn hộ không hoạt động. “Khi có cháy, vẫn báo về tủ trung tâm. Ban quản trị có thể biết được tầng nào cháy nhưng cùng một tầng lại không biết nhà hàng xóm đang cháy vì chuông không kêu và không có tín hiệu báo ra ngoài”, bà Thủy thông tin.

Bà Thủy cũng cảnh báo nguy cơ xảy ra cháy tại tầng thương mại và khu văn phòng vì ban đêm không có người trực, trong khi hệ thống PCCC của tòa nhà không hoạt động hiệu quả. Bà Thủy cho biết thêm, Ban quản trị tòa nhà các thời kỳ đã nhiều lần làm việc với chủ đầu tư nhưng họ không có thiện chí. “Giám đốc Cty Sông Đà 1 cũng chưa một lần xuống gặp mặt người dân. Nhiều khi họ chỉ cử cán bộ kỹ thuật xuống mà cán bộ kỹ thuật hỏi gì họ cũng bảo không biết”, bà Thủy nói.

“Chúng tôi không có cái gì để chữa cháy, không có lối nào để thoát. Thậm chí đằng sau tòa nhà, xe PCCC không tiếp cận được”.          

                Bà Trần Thị Bình

MỚI - NÓNG
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
TPO - Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 24/4 đã công bố gói hỗ trợ an ninh mới cho Ukraine, trị giá ước tính khoảng 1 tỷ USD. Động thái này diễn ra ngay sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, bao gồm gần 61 tỷ USD dành cho Ukraine.