Hà Nội: Đề xuất mở rộng đường Âu Cơ lên 4 làn xe

Sau cầu vượt và xây tường chắn thay đê đất tại nút An Dương, Hà Nội sẽ làm tiếp đoạn đến nút giao cầu Nhật Tân. Ảnh: T.Đảng
Sau cầu vượt và xây tường chắn thay đê đất tại nút An Dương, Hà Nội sẽ làm tiếp đoạn đến nút giao cầu Nhật Tân. Ảnh: T.Đảng
TPO - UBND thành phố Hà Nôi vừa trình Chính phủ cho phép tiếp tục cải tạo đường (đê) Âu Cơ từ Nghi Tàm đến cầu Nhật Tân. Theo tờ trình, dự án có tiên độ thực hiện từ quý IV năm nay và sẽ xong vào năm 2020 để kịp phục vụ SEA Games 31.

Theo đó, công trình sẽ được thực hiện theo hướng gia cố, tạo cảnh quan mặt đê và mở rộng lòng đường Âu Cơ. Sau khi hoàn thành đường mặt đê Âu Cơ đoạn từ Nghi Tàm đến nút giao cầu Nhật Tân sẽ được mở rộng từ 2 làn lên 4 làn xe, đồng bộ với cầu vượt An Dương và mặt đê An Dương vừa được cải tạo, thông xe.

Lý giải về việc đề xuất bổ sung hạng mục thi công vào dự án cầu vượt An Dương (đã thông xe ngày 11/10/2018) để tiếp tục thực hiện thay thế một phần đê đất bằng đê bê tông và mở rộng mặt đường Âu Cơ, trong tờ trình gửi Chính phủ, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nguyễn Đức Chung cho rằng, đây là dự án có tính cấp bách, cần thiết. Theo ông Chung, đường Âu Cơ đoạn từ Nghi Tàm đến nút giao cầu Nhật Tân, dài gần 3,1 kilômét là tuyến dường quan trọng ở cửa ngõ Tây Bắc Thủ đô, kết nối gần nhất với trung tâm hành chính Ba Đình và sân bay quốc tế Nội Bài, mật độ giao thông luôn đông đúc. Tuy nhiên, tuyến đường chỉ có bề rộng 8 đến 9 mét, 2 làn xe; mặt đường hẹp, hạ tầng thiếu đồng bộ, thường xuyên ùn tắc kéo dài. Do vậy cần được chỉnh trang, cải tạo.

“Sau khi hoàn thành sẽ tạo ra đoạn đê kết cấu bằng bê tông cốt thép thay thế cho kết cấu đất; tuyến đường được mở rộng từ 2 làn thành 4 làn xe chạy. Cùng với đó, mỗi bên còn được cải tạo 2 làn đường gom hai bên phía dưới đảm bảo 2 làn xe chạy hỗn hợp. Ngoài tạo cảnh quan, sự văn minh, tuyến đường cũng sẽ phục vụ đắc lực cho các sự kiến lớn sẽ diễn ra tại Hà Nội vào năm 2020, trong đó có Hội nghị cấp cao ASEAN và SEA Games 31…” lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh.

Hơn 440 tỷ đồng kiên cố mặt đê, mở rộng đường

Về tổng mức đầu tư cũng như thời gian triển khai dự án, ông Chung cho biết, kinh phí được tính toán khoảng 440 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp dự kiến khoảng 330 tỷ đồng. Nguồn vốn này được huy động từ vốn dự phòng của dự án xây dựng cầu vượt An Dương còn lại và từ nguồn vốn ngân sách thành phố cho đầu tư trung hạn. “UBND thành phố, đang chỉ đạo chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông) và các sở ngành hoàn thiện các thủ tục để triển khai trong quý 4/2018 và hoàn thành quý I/2020”, ông Chung đưa ra lộ trình.

Hà Nội: Đề xuất mở rộng đường Âu Cơ lên 4 làn xe ảnh 1

Một đoạn đê An Dương được thi công để thay thế đê đất bằng bê tông. Ảnh: T.Đảng

  Cùng với tờ trình Chính phủ, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng ký văn bản gửi Bộ NN&PTNT đề xuất, chấp thuận cho thành phố Hà Nội được triển khai dự án trên. Trong văn vản này, ông Chung nhấn mạnh: Do tính chất quan trọng của tuyến đê Âu Cơ, Nghi Tàm và sự kết nối giao thông thuận lợi với các khu vực quan trọng; cùng với đó, phát huy hiệu quả đầu tư giai đoạn 1 (nút cầu vượt An Dương), UBND thành phố Hà Nội đề nghị Bộ NN&PTNT có ý kiến thống nhất với chủ trương của thành phố. Về phương án thiết kế, ông Chung cũng đề xuất, Bộ NN&PTNT cho ý kiến về phương án thiết kế sơ bộ xây dựng tường chắn bê tông cốt thép kết hợp mở rộng mặt đường.

         Chiều 16/10, đại diện Văn phòng Chính phủ cho biết, sau khi nhận được tờ trình của thành phố Hà Nội, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 9199/VPCP-CN gửi các Bộ ngành liên quan, trong đó có Bộ NN&PTNT về việc cho ý kiến. Từ các ý kiến này, lãnh đạo Chính phủ sẽ có chỉ đạo cụ thể.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.