Hà Nội đấu thầu quản lý nhiều bến xe mới

0:00 / 0:00
0:00
Mỗi ngày các bến xe nội đô đang có hàng nghìn lượt xe xuất bến
Mỗi ngày các bến xe nội đô đang có hàng nghìn lượt xe xuất bến
TP - Lần đầu tiên thành phố Hà Nội sẽ cho đấu thầu quản lý các bến xe được xây mới. Theo quy hoạch, các bến xe Giáp Bát, Gia Lâm sẽ thực hiện trước việc này.

Nội thành sẽ không còn bến xe khách

Theo Quy hoạch giao thông vận tải và Quy hoạch hệ thống bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận… trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được HĐND thành phố ra nghị quyết thực hiện, từ năm 2020 đến năm 2030, Hà Nội sẽ xây dựng 11 bến xe khách mới ở các cửa ngõ, trục giao thông quan trọng, chuyển các bến xe trong nội thành ra ngoại thành ngoài đường vành đai 3, giảm lưu lượng phương tiện đi vào nội đô.

Bến xe Giáp Bát (bến xe Phía Nam) sẽ được chuyển ra khu vực Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì), bến xe Mỹ Đình sẽ được chuyển ra khu vực huyện Hoài Đức, bến xe Gia Lâm được chuyển ra khu vực Cổ Bi (huyện Gia Lâm), bến xe Yên Nghĩa được giữ nguyên ở vị trí vừa xây dựng hiện nay là phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông.

Ngoài ra, Hà Nội sẽ xây dựng thêm các bến xe khách mới, gồm: bến xe khách Nội Bài (xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn); bến xe Đông Anh (xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh); bến xe Phùng (thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng)…

Hà Nội đấu thầu quản lý nhiều bến xe mới ảnh 1

Bến xe Mỹ Đình theo quy hoạch sẽ được chuyển ra huyện Hoài Đức Ảnh: A.Trọng

Khu vực các bến xe nằm trong nội thành hiện nay như bến Giáp Bát, bến Gia Lâm, bến Nước Ngầm, bến Mỹ Đình… sẽ được chuyển chức năng hoạt động thành bãi đỗ xe công cộng, điểm trung chuyển xe buýt và đường sắt trên cao.

Các nghị quyết của HĐND thành phố Hà Nội nêu rõ, sau năm 2020, bến xe Giáp Bát, Gia Lâm được chuyển thành bãi đỗ xe công cộng và điểm trung chuyển xe buýt; sau năm 2030, bến xe Mỹ Đình, Nước Ngầm được chuyển thành bãi đỗ xe công cộng và điểm trung chuyển xe buýt.

Đấu thầu xây dựng, khai thác bến xe là xu thế

Trước việc thực hiện quy hoạch và di dời các bến xe khách ra ngoại thành đang diễn ra chậm, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, lãnh đạo Sở vừa ban hành kế hoạch về việc triển khai các nội dung trọng tâm trong 9 tháng cuối năm 2021.

Theo đại diện Sở GTVT Hà Nội, trong các nội dung này có việc Sở GTVT đang tập trung triển khai đấu thầu các bến xe khách, xe tải theo danh mục đã được UBND thành phố giao. Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, từ danh mục 11 bến xe khách được xây mới theo quy hoạch và thành phố giao, Sở GTVT đang phối hợp các sở, ngành liên quan để tổ chức đấu thầu, nhằm chọn được các nhà đầu tư có tiềm năng, kinh nghiệm trong xây dựng, thậm chí quản lý bến bãi vào đầu tư, quản lý các bến xe.

Trước mắt, Sở GTVT Hà Nội sẽ báo cáo thành phố các phương án kêu gọi nhà đầu tư, trong đó có cả phương án vừa xây dựng, vừa khai thác, quản lý khi bến xe được xây dựng xong.

Về tiến độ thực hiện, đại điện Sở GTVT Hà Nội cho biết, sẽ theo danh sách và trình tự thời gian đã được nghị quyết của thành phố và quy hoạch nêu ra, trong đó dự án xây mới bến xe Giáp Bát, Gia Lâm sẽ ưu tiên lựa chọn nhà đầu tư.

Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho rằng, việc đấu thầu để chọn đơn vị xây dựng, thậm chí quản lý, khai thác bến xe khách là một sự chuyển biến lớn trong công tác điều hành, quản lý của cơ quan đại diện nhà nước.

“Hình thức này là xu thế, vừa huy động được các nguồn lực xã hội vừa giảm áp lực cho ngân sách. Việc này cũng giúp cho hoạt động các bến xe tiếp cận với các công nghệ quản lý văn minh, nâng cao được chất lượng dịch vụ”, ông Liên nói.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.