Kỷ niệm 64 năm giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2018), Hà Nội tổ chức vinh danh 10 công dân Thủ đô ưu tú. Những cá nhân, từ doanh nhân thành đạt đến lão nông thôn quê, bằng nhiều công việc, đóng góp khác nhau, nhưng có điểm chung ở những việc tốt, ở tình yêu Hà Nội.
Mặc chiếc áo truyền thống của người lính Bộ đội Cụ Hồ đến Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô sáng 9/10, ông Nguyễn Tứ Hùng (tổ 13, thôn Hạnh Đàn, xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, Hà Nội) trông khác hẳn so với những người đến dự hội nghị. Ông là một trong những người được vinh danh Công dân ưu tú Thủ đô năm 2018.
Ông Nguyễn Tứ Hùng
Ông nói, chuyện hỗ trợ hàng tỷ đồng cho quê hương chỉ là việc nhỏ, dù đối với nhiều người, số tiền ông quyên góp qua những năm qua là cả một gia tài. Trong suốt cuộc trao đổi, ông nhắc nhiều đến việc “ơn Đảng, ơn Bác Hồ”, và kể về thời gian khó trong kháng chiến chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc.
“Không có Đảng, không có Bác Hồ, tôi không được như ngày hôm nay. Làm việc gì cũng phải xuất phát từ tâm. Đó cũng là lời dạy của tôi với con cháu mình. Phải sống sao có đạo đức, làm những việc chân chính, có ích cho xã hội”, ông Hùng nói.
Được biết, trước năm 2017, ao Sau Đình (còn gọi là ngòi Cầu Xây) ô nhiễm, nước bẩn quanh năm, cỏ cây mọc rậm rạp, thậm chí là nơi đổ rác của một số hộ dân trong cụm. Không chỉ riêng ao Sau Đình, nhiều ao trên địa bàn xã Tân Lập nói riêng và huyện Đan Phượng cũng chung cảnh ngộ, không ít ao bị người dân lấn chiếm, san lấp bằng phế thải, rác thải.
Sau này, khi biết xã Tân Lập kêu gọi nguồn xã hội hóa, thấu hiểu được nỗi vất vả của người dân khi đối mặt với ô nhiễm môi trường, ông Nguyễn Tứ Hùng đã bàn với gia đình mạnh dạn xin đóng góp để xây dựng bờ kè ao này. Đầu năm 2017, dự án cải tạo, nâng cấp ao Sau Đình với tổng kinh phí 1,8 tỉ đồng được triển khai.
Đến cuối tháng 5/2017, với sự chung sức của nhân dân và gia đình ông Hùng, ao tù gây mất vệ sinh môi trường được thay thế bằng bờ kè ao sạch đẹp với khuôn viên rộng, thoáng mát như một công viên thu nhỏ, từ sáng sớm đến đêm muộn, người lớn, trẻ nhỏ quây quần quanh bờ ao tập thể dục và vui chơi… tạo ra diện mạo hoàn toàn mới tại khu dân cư.
Chia sẻ thêm, ông Hùng bảo, nghĩ đến cảnh bà con nhân dân vất vả, ông rất trăn trở. Ông kể, ngày xưa, kể cả khi ông còn ấu thơ đến khi đi bộ đội đều nhận được sự yêu thương, đùm bọc của nhân dân, đặc biệt là các bà, các mẹ, các chị. Khi đói thì được cho đồ ăn, thức uống, khi bị thương, bị bệnh thì được chăm sóc, thuốc thang...
Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng và Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải trao danh hiệu cho các công dân Thủ đô ưu tú 2018
Ông luôn ghi nhớ và khi có điều kiện thì phải làm gì đó cho quê hương, cho làng xóm để tri ân công lao của các bà, các mẹ. Nghĩ vậy, ông huy động con cái trong nhà góp tiền của, công sức để làm, trước hết để bà con, phụ nữ trong thôn, trong xóm đỡ vất vả.
“Gia đình tôi có tâm nguyện được góp một phần công sức xây dựng quê hương. Tôi đã vận động các con, cháu hỗ trợ kinh phí, bởi việc này vừa mang lại ích lợi lâu dài cho khu dân cư, vừa khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường, tạo sân chơi cho nhân dân…”, ông Hùng nói.
Ông cũng tâm niệm, có tâm mà không có kinh tế thì không làm được, có kinh tế mà không có tâm cũng không thể làm được. Một điều may mắn với ông và gia đình, là tấm lòng, tâm nguyện được cụ thể hóa bằng tiềm lực kinh tế...
“Ai có điều kiện thì đóng góp với Đảng, với chính quyền. Việc đóng góp của gia đình tôi là một việc làm hết sức bình thường của một công dân với quê hương. Cũng giống như khi Đảng, Nhà nước kêu gọi chúng tôi lên đường đánh giặc, chúng tôi tự hào khi được ra trận chiến đấu, chứ cũng không ai nghĩ khi đất nước hòa bình sẽ được hưởng cái nọ, cái kia…”, ông Hùng nói.
Tính ra, từ năm 2004 đến nay, ông và gia đình đã tham gia ủng hộ xây dựng 4 công trình với số tiền 2 tỷ 406 triệu đồng. Trong đó riêng 9 tháng đầu năm 2017 đã ủng hộ 2 tỷ 116 triệu đồng.
Danh sách 10 Công dân Thủ đô ưu tú 2018
1. PGS.TS. Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Là người tâm huyết với nghề, dám nghĩ, dám làm, đổi mới, sáng tạo đưa bệnh viện phụ sản Hà Nội trở thành điểm đến đáng tin cậy của nhân dân Thủ đô và cả nước.
2. Ông Nguyễn Đức Cường - Tổ trưởng Tổ sửa chữa Cơ điện (Cty cổ phần Điện cơ Thống Nhất), tấm gương cần mẫn, sáng tạo, giàu nhiệt huyết và đam mê với nghề. Ông có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật làm lợi cho Cty hàng trăm triệu đồng.
3. Ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Cty Cổ phần Tập đoàn T&T. Là người sáng lập và điều hành Cty, hằng năm doanh nghiệp nộp ngân sách cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng; tạo công ăn việc làm cho hơn 1.000 lao động trên địa bàn thành phố.
4. Ông Nguyễn Tứ Hùng - Cụm 13, xã Tân Lập, huyện Đan Phượng (Hà Nội). Từ năm 2004 đến nay, ông và gia đình đã tham gia ủng hộ kinh phí xây dựng nông thôn mới ở địa phương với 4 công trình có số tiền lên tới 2 tỷ 406 triệu đồng.
5. Bà Trần Phương Lan - Chủ nhiệm CLB “Những bé bị ly thượng bì bọng nước” quận Hoàn Kiếm. Mặc dù gia đình gặp nhiều khó khăn, nhưng bà không quản ngại vất vả, khởi xướng thành lập CLB, chăm sóc, giúp đỡ thuốc thang, dạy kiến thức cho nhiều trẻ bị ly thượng bì bọng nước bẩm sinh.
6. Ông Nguyễn Hữu Ngọc, Hội viên Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, Là người đam mê với văn hóa Hà Nội, có nhiều tác phẩm giới thiệu, quảng bá về Thủ đô bằng tiếng Anh và tiếng Pháp, qua đó đã giúp bạn bè quốc tế hiểu thêm về lịch sử ngàn năm văn hiến, những nét văn hóa truyền thống của Hà Nội.
7. VĐV Bùi Thị Thu Thảo - Huy chương vàng ASIAD 18. Xuất thân trong một gia đình nghèo ở huyện Ba Vì, nhưng với ý chí vươn lên, Thu Thảo đã khẳng định bản lĩnh và tài năng, xứng danh là “Cô gái vàng của Điền kinh Việt Nam”. Từ năm 2014 đến nay, Bùi Thu Thảo đã 9 lần đạt huy chương vàng, bạc tại các giải châu Á cũng như SEA Games.
8. Thượng úy Nguyễn Văn Tiến - Đội CSGT số 12 (Công an thành phố Hà Nội). Là tấm gương sáng “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Cuối năm 2017, với tinh thần dũng cảm, anh đã xả thân cứu 5 người ra khỏi đám cháy tại thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ.
9. Ông Trịnh Ngọc Trình - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục Miền núi (HEDO). Ông là người khởi xướng phong trào “Tam bất kì”, sau được đổi tên thành “Ba sẵn sàng”.
10. Nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Tuyết - Chủ nhà hàng Ánh Tuyết (25 Mã Mây, Hoàn Kiếm). Là người tâm huyết với ẩm thực truyền thống, bà đã tích cực truyền bá tinh hoa văn hóa Hà Nội qua các phương tiện truyền thông Quốc tế, cùng các học viên trong và ngoài nước.