Hà Nội có ca mắc viêm não Nhật Bản đầu tiên

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ngày 9/10, tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, thành phố ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc viêm não Nhật Bản trong năm 2023. Bệnh nhân là một bé trai 5 tuổi ở huyện Phúc Thọ. Cụ thể, ngày 19/9, trẻ xuất hiện các biểu hiện như: sốt cao, đau đầu, mệt mỏi… Đến ngày 25/9, bệnh nhân nhập Bệnh viện Nhi Trung ương. Kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân dương tính với virus viêm não Nhật Bản. Gia đình cho biết, trước đó, trẻ đã tiêm 3 mũi cơ bản vắc xin phòng bệnh này.
Hà Nội có ca mắc viêm não Nhật Bản đầu tiên ảnh 1
Bác sĩ điều trị cho trẻ bị viêm não Nhật Bản.

TS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới Trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương), cho biết bệnh viêm não Nhật Bản thường khó phát hiện sớm do các triệu chứng ban đầu rất giống với những viêm nhiễm khác, diễn tiến của bệnh lại rất nhanh, thậm chí chỉ sau 1 ngày bệnh nhân đã có biểu hiện co giật, rơi vào hôn mê. Tử vong do viêm não Nhật Bản thường xảy ra trong 7 ngày đầu khi bệnh nhân có hôn mê sâu, co giật và những triệu chứng tổn thương não. Bệnh viêm não Nhật Bản chưa có thuốc kháng virus đặc hiệu. Tỉ lệ trẻ tử vong do mắc viêm não Nhật Bản là từ 3 - 5%.

Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, khi thấy trẻ có các triệu chứng sốt, ngủ nhiều, đau đầu, nôn khan thì bố, mẹ các em nên đưa đi khám. Trong trường hợp để trẻ xuất hiện các biểu hiện nặng thì sẽ gây ra nhiều biến chứng và rất khó khăn trong quá trình điều trị.

Các bác sĩ cho biết, hiện nay, tuy đa số các trẻ đã được tiêm phòng đầy đủ nhưng vẫn còn nhiều trường hợp trẻ mắc bệnh do sức đề kháng kém, chưa tiêm vắc xin phòng bệnh hoặc tiêm không đủ số mũi. “Các bà mẹ có con lớn tuổi mắc viêm não Nhật Bản hầu hết đều cho rằng, con đã được tiêm phòng 3 mũi đầy đủ đến 2 tuổi. Nhưng đây là quan niệm sai lầm khiến gia tăng trẻ lớn mắc bệnh. Các bậc cha mẹ nên tiêm phòng cho con mình đầy đủ và tiêm nhắc lại 3-5 năm một lần đến năm 15 tuổi”, bác sĩ Hải khuyến cáo.

MỚI - NÓNG