Hà Nội: Chuyển cây xanh phải rà soát tránh lãng phí, gây bức xúc dư luận

Một tuyến đường có nhiều cây xanh phải dịch chuyển sau khi mở rộng
Một tuyến đường có nhiều cây xanh phải dịch chuyển sau khi mở rộng
TPO - Sở Xây dựng Hà Nội yêu cầu các đơn vị trước khi thực hiện đánh chuyển cây xanh mở đường phải báo cáo, rà soát, kiểm tra kỹ càng trước khi thực hiện để tránh lãng phí gây bức xúc dư luận.

Sở Xây dựng Hà Nội vừa ban hành Văn bản số 4615/SXD-HT ngày 31/5/2019 về phối hợp trong công tác trồng bổ sung cây xanh tại các vị trí đấu nối giao thông.

Theo Sở Xây dựng, qua kiểm tra theo dõi hiện trường về công tác trồng bổ sung cây xanh tạo cảnh quan, không gian xanh và công tác cấp giấy phép dịch chuyển cây xanh trên địa bàn thành phố, có trường hợp xin phép di chuyển cây mới trồng để đấu nối giao thông hoặc xén mở rộng hè đường, gây lãng phí và bức xúc dư luận.

Để tránh trường hợp trên, Sở Xây dựng giao Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị chỉ đạo các đơn vị trước khi thực hiện trồng bổ sung cây xanh phải kiểm tra, rà soát, phối hợp với các đơn vị liên quan để thống nhất các vị trí trồng cây. 

Đồng thời, đề nghị Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Giao thông - Vận tải, UBND các quận, huyện, thị xã, các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình của thành phố cung cấp thông tin về vị trí, địa điểm các dự án cần phải giải phóng mặt bằng thuộc phạm vi đấu nối giao thông, xén mở rộng đường và cải tạo, nâng cấp, phát triển hạ tầng giao thông, gửi thông tin về Sở Xây dựng để phối hợp trong công tác đấu nối giao thông và trồng bổ sung cây xanh trên địa bàn thành phố.

Hà Nội cắt tỉa cây xanh ở hơn 200 tuyến đường, phố

Trước đó, Sở Xây dựng đã có văn bản yêu cầu cắt tỉa cây xanh đảm bảo an toàn mùa mưa bão 2019. 

Giao Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị là đơn vị trực tiếp đôn đốc, kiểm tra, giám sát các đơn vị rà soát khối lượng cây bóng mát có nguy cơ đổ gẫy gây nguy hiểm, thực hiện cắt tỉa, hạ độ cao cây và gia cố cọc chống chưa đảm bảo đối với cây mới trồng. 

Đối với những cây nguy hiểm, nặng tán có nguy cơ gẫy đổ trong mùa mưa bão trên các tuyến phố thuộc địa bàn 12 quận đã được thành phố đặt hàng giao Công ty TNHH Một thành viên Công viên cây xanh thực hiện. Đối với những cây trên địa bàn 18 huyện và thị xã Sơn Tây được các đơn vị trúng thầu ưu tiên xử lý các trường hợp các cây nguy hiểm, nặng tán. 

Sở Xây dựng Hà Nội cũng chủ động đôn đốc UBND cấp huyện, các đơn vị, các chủ đầu tư (các Ban Quản lý dự án thành phố, các dự án khu đô thị) xây dựng phương án ứng phó trong mùa mưa bão, giảm thiểu thiệt hại cây gẫy đổ theo địa bàn được giao; tăng cường cắt tỉa, hạ độ cao cây bóng mát, nhất là việc chằng, chống, khắc phục các cọc bị hỏng, mục không đảm bảo yêu cầu để cây mới trồng không bị nghiêng ngả, đổ gãy khi gió lớn. 

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nay, trên địa bàn thành phố có trên 235.000 cây bóng mát có đường kính lớn (> 20cm). Tổng số cây cần cắt tỉa trong năm 2019 là 67.601 cây/435 tuyến đường, phố; trong đó, số cây nặng tán khoảng 30.160 cây/356 tuyến (xà cừ chiếm khoảng 3.134 cây/152 tuyến). 

MỚI - NÓNG