Phục vụ tiến độ GPMB thi công đường Vành đai III, đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long, tháng 5/2017, Sở Xây dựng đã tổ chức hội nghị bàn về phương án xử lý 1.300 cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng, trong đó có một lượng lớn cây xà cừ cổ thụ được trồng hơn 20 năm trước theo hai phương án đánh chuyển, hoặc chặt hạ.
Không thể tái sử dụng cây xà cừ cổ thụ
Tại hội nghị, nhiều chuyên gia cây xanh nhận định, xà cừ là loại cây không có giá trị kinh tế và không phù hợp cây xanh đô thị. Mặt khác, hàng trăm cây xà cừ cổ thụ được đánh chuyển giai đoạn 2014 - 2016, đến nay chưa có kế hoạch trồng lại gây lãng phí. Từ căn cứ trên, đơn vị chuyên môn và các nhà khoa học kiến nghị xem xét lại việc đánh chuyển cây xà cừ cổ thụ để vừa đảm bảo tiến độ dự án, vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế.
Căn cứ ý kiến của nhiều nhà khoa học và đơn vị chuyên môn, phát biểu tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 4- HĐND TP Hà Nội khóa XV, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có những phân tích, đánh giá về kế hoạch xử lý 1.300 cây xanh nằm trong dự án mở rộng đường Vành đai III. Ông Chung cho biết, khu vực đường Phạm Văn Đồng hiện có 1.289 cây xà cừ với đường kính 25 - 40cm/cây, cây lớn nhất đường kính 85 - 90cm. Xà cừ là loại cây được trồng lâu năm, có trên nhiều tuyến phố của Hà Nội. Tuy nhiên, cây xà cừ trên đường Vành đai III được trồng chủ yếu trong giai đoạn 1992-1996 với độ tuổi trên 20 năm. Nếu như toàn bộ số cây này được đánh chuyển sẽ cần diện tích lên tới 7 ha, vì mỗi cây khi đánh chuyển cần 50 - 60m2, với chi phí giải phóng mặt bằng lên tới cả trăm tỷ đồng, chi phí đánh chuyển ước tính 60-70 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đem so sánh, giữa việc bảo tồn cây xanh và hiệu quả kinh tế, thành phố cũng tham khảo các ý kiến các nhà khoa học xem xét và kết luận, số xà cừ này rất khó để trồng ở bất cứ vỉa hè tuyến phố nào với diện tích hố 3m, đào sâu 1,5- 2m cho mỗi cây, trong khi giá trị kinh tế của xà cừ không cao. Chi phí dùng để điều chuyển nếu dùng để mua cây mới, giá trị kinh tế cao hơn và tạo diện mạo đẹp hơn, có thể trồng mới tới 20.000 cây, với nhiều loại cây phù hợp với đô thị, đẹp vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế, chống tiếng ồn, ô nhiễm…
Ông Chung cho biết thêm, đoạn đường Phạm Văn Đồng là nút cuối cùng thông Vành đai III, một trong những dự án trọng điểm của thành phố tới năm 2020. Tuyến đường được giải phóng mặt bằng (GPMB) kịp thời sẽ tạo điều kiện cho Ban Quản lý dự án (BQLDA) Bộ GTVT triển khai hoàn thành dự án đường trên cao bằng vốn ODA. Nếu dự hoàn thành vào quý I/2018, sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông, xây dựng thêm một tuyến đường mới, đồng thời tiết kiệm nguồn vốn đầu tư so với dự kiến ban đầu vài trăm tỷ đồng.
“Nút thắt” GPMB sẽ được cởi bỏ
Trao đổi với PV Tiền Phong, một đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đề xuất của Chủ tịch UBND thành phố về việc xem xét lại phương án đánh chuyển, dành ưu tiên trồng lại cây mới phù hợp hơn sẽ tác động tích cực đến tốc độ triển khai dự án mở rộng đường Vành đai III và các dự án giao thông khác trên địa bàn trong thời gian tới. Đề xuất trên được thực hiện sẽ đẩy nhanh đáng kể tiến độ GPMB, các đơn vị chuyên môn sẽ có cơ sở pháp lý để xử lý đối với những cây xà cừ cổ thụ không đủ điều kiện tái sử dụng, đồng thời thay thế bằng cây xanh đô thị mới phù hợp với quy hoạch và có hiệu quả kinh tế hơn khi triển khai các dự án giao thông trên địa bàn.
Cùng chung quan điểm, BQLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hà Nội - Chủ đầu tư dự án mở rộng đường Vành đai III nhận định, việc thành phố chấp thuận cho xem xét lại phương án xử lý đối với cây xà cừ cổ thụ sẽ giúp đẩy nhanh GPMB. Hiện BQLDA đang đôn đốc các bộ phận hoàn thiện sớm phương án xử lý 1.300 cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng, trong đó cây xà cừ cổ thụ chiếm đến trên 1.200 cây để trình cơ quan chức năng phê duyệt ngay trong tháng 7/2017. Ưu tiên hàng đầu vẫn là xây dựng phương án đánh chuyển cây xanh còn có khả năng tái sử dụng, còn những cây xanh không đủ khả năng tái sử dụng sẽ được BQLDA đề xuất phương án chặt hạ. Việc xây dựng phương án xử lý từng loại cây xanh sẽ được BQLDA tính toán kỹ lưỡng trước khi lập và trình phê duyệt.