Hà Nội chốt phương án để trình Chính phủ

So với đề xuất của Bộ GTVT, phương án của Hà Nội không đổi giờ làm của công chức. Ảnh: Trọng Đảng
So với đề xuất của Bộ GTVT, phương án của Hà Nội không đổi giờ làm của công chức. Ảnh: Trọng Đảng
TP - Chiều qua Thường trực Thành ủy và Ban Cán sự Đảng UBND TP Hà Nội đã họp và thống nhất phương án đổi giờ học, giờ làm.

> Hà Nội dự kiến không đổi giờ làm của cán bộ, công chức

Theo đó, những ngày tới Hà Nội sẽ ra dự thảo và trực tiếp trình Chính phủ thay vì gửi Bộ GTVT như dự kiến ban đầu.

So với đề xuất của Bộ GTVT, phương án của Hà Nội không đổi giờ làm của công chức. Ảnh: Trọng Đảng
So với đề xuất của Bộ GTVT, phương án của Hà Nội không đổi giờ làm của công chức. Ảnh: Trọng Đảng.
 

Thông tin này được văn phòng Thành ủy Hà Nội xác nhận với PV Tiền Phong chiều qua. Cụ thể, đề xuất đổi giờ học, giờ làm vừa được Thành ủy Hà Nội thông qua có 3 nhóm đối tượng chính được đề cập. Gồm học sinh, sinh viên (HSSV) các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp - dạy nghề và học sinh các trường phổ thông Trung học (nhóm 1); Các trung tâm thương mại, cơ quan dịch vụ, tài chính ngân hàng (nhóm 2); Các đối tượng công chức, viên chức, học sinh các trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở... (nhóm 3).

Thời gian làm việc, học tập sẽ được đổi cụ thể: Với nhóm 1, thời gian vào lớp 7 giờ, thời gian tan trường 18 giờ; nhóm 2, thời gian mở cửa sau 9 giờ, thời gian đóng cửa sau 19 giờ; nhóm 3 thời gian làm việc và học tập giữ nguyên khung giờ như hiện tại, sáng làm việc từ 8 giờ, chiều tan ca 17 giờ.

Ngoài ra, căn cứ vào điều kiện của từng trường, đơn vị soạn thảo cũng yêu cầu Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội điều chỉnh cục bộ giờ vào học, tan học của từng trường để đảm bảo ít ảnh hưởng đến học sinh, phụ huynh. Phối hợp với Công an thành phố, Sở GTVT và UBND các quận huyện có phương án đảm bảo giao thông tại khu vực các trường học.

Tháng 12 hoặc đầu năm 2012 sẽ triển khai

Cùng với phương án trên, đề xuất cũng đưa ra phương án điều chỉnh giờ, tuần suất hoạt động của nhiều tuyến xe buýt. Cụ thể, khung giờ cao điểm khi thực hiện việc đổi giờ sẽ được kéo dài thêm một giờ so với hiện tại.

Mục đích chính để tăng cường khả năng phục vụ các đối tượng tham gia giao thông, đồng thời góp phần giải toả về lưu lượng phương tiện, nghiên cứu điều chỉnh lưu lượng xe buýt trong giờ cao điểm nhằm giảm mật độ trong khoảng thời gian trong khung giờ cao điểm, sáng từ 6 đến 9 giờ, chiều từ 16 đến 19 giờ.

Theo văn phòng Thành ủy Hà Nội, sau khi đề xuất đã được thông qua, những ngày tới UBND TP Hà Nội sẽ hoàn chỉnh và ra dự thảo chính thức để trình Chính phủ. Tuy đề xuất chưa đưa ra mốc thời gian thực hiện, nhưng trao đổi với PV Tiền Phong về việc này, đại diện Thành ủy Hà Nội cho hay, cuộc họp đã cơ bản thống nhất nếu sau khi Thủ tướng phê duyệt việc đổi giờ học, giờ làm sẽ triển khai một trong hai mốc thời gian, từ 1-12-2011 hoặc từ 1-1-2012.

Trước đó như Tiền Phong đã phản ánh, sau gần 1 tuần gửi đề xuất đổi giờ cho UBND TP Hà Nội, ngày 26-10 Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã ký đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Bộ GTVT đã lên phương án cho công chức trung ương làm việc vào 9 giờ, cán bộ công chức Hà Nội 8 giờ 30. Riêng học sinh, sinh viên (HSSV) học vào 6 giờ và 7giờ.

So với đề xuất của Bộ GTVT vận tải, đề xuất của Hà Nội được Thường trực Thành ủy Hà Nội thông qua hôm qua đã không đổi giờ làm của công chức và bậc học sinh từ mầm non đến trung học cơ sở.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.